Sôi động Tuần hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị Aeon
Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài
Tuần hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị Aeon tại Nhật Bản là một trong những chương trình được đánh giá đạt hiệu quả cao trong triển khai thực hiện Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài” do Bộ Công Thương chủ trì thực hiện. Sự kiện cũng nhằm hiện thực hoá mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào hệ thống Aeon đạt 1 tỷ USD vào năm 2025.
Qua nhiều kỳ tổ chức, Tuần hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị Aeon tại Nhật Bản đã phát huy tốt hiệu quả khi đã hỗ trợ được hơn 100 lượt doanh nghiệp của 21 tỉnh, thành trên cả nước tham dự quảng bá, giới thiệu sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng Nhật Bản. Cùng đó, nhiều loại sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn đã được Aeon nhập khẩu và được đưa vào tiêu thụ tại hàng trăm siêu thị trong hệ thống của Aeon. Hiện, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang hợp tác với Aeon để sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang Nhật Bản.
Tuần hàng Việt Nam 2021 đang diễn ra sôi động tại hệ thống siêu thị Aeon tại Nhật Bản |
Theo Bộ Công Thương, năm nay, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, để tránh ảnh hưởng đến chương trình, ngay từ đầu năm, các nhà tổ chức đã xây dựng phương án triển khai phù hợp, kết hợp tổ chức trực tiếp tại cửa hàng và trên các nền tảng trực tuyến. Đặc biệt, bên cạnh những sản phẩm được trưng bày và bán giới thiệu như nông sản, thực phẩm, thủy sản, dệt may, da giày, đồ gia dụng…, quả vải tươi tiếp tục là điểm nhấn tại Tuần hàng. Kể từ năm 2019, sau khi được phép nhập khẩu vào Nhật Bản, quả vải tươi của Việt Nam với hương vị đặc trưng được người dân Nhật Bản yêu thích, đã được bày bán rộng rãi trên toàn hệ thống siêu thị của Aeon cùng các loại hoa quả nhiệt đới khác của Việt Nam như chuối, thanh long, xoài, dừa. Để phục vụ Tuần hàng, Aeon đã nhập khẩu khoảng 30 tấn vải từ Bắc Giang và Hải Dương để quảng bá, giới thiệu.
Trong Tuần hàng năm nay, bên cạnh trái vải, Aeon tiếp tục chú trọng quảng bá thêm quả chuối của Việt Nam, hướng tới mục tiêu tăng mạnh lượng nhập khẩu chuối vào thị trường Nhật Bản. Ngoài ra, được bày bán rộng rãi tại hơn 350 cửa hàng của Aeon còn có thêm dòng sản phẩm mới là xoài đông lạnh, sử dụng công nghệ cấp đông siêu tốc để có thể giữ nguyên vẹn hương vị thơm ngon khi tới tay người tiêu dùng Nhật Bản.
Theo đại diện hệ thống Aeon, thành công của việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản Việt Nam sang Nhật Bản và phân phối tại hệ thống bán lẻ của Aeon là kết quả phối hợp với Bộ Công Thương để thường xuyên triển khai các hoạt động hỗ trợ nhà cung cấp Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm trong nước, hướng đến xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản. Cụ thể, năm 2017, tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm Việt Nam qua hệ thống Aeon đạt gần 250 triệu USD, năm 2018 đạt 330 triệu USD, năm 2019 đạt 370 triệu USD và năm 2020 đạt 450 triệu USD.
Giữ vững thị phần
Nhật Bản luôn là một trong những thị trường mục tiêu xuất khẩu của Việt Nam, bên cạnh thoả thuận hợp tác xuất khẩu hàng hoá qua hệ thống siêu thị Aeon, Bộ Công Thương cũng đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nhằm gia tăng thị phần của hàng hoá Việt Nam tại thị trường khó tính này. Gần đây nhất, có thể kể tới Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thực phẩm Việt Nam – Nhật Bản 2021; Hội nghị giao thương trực tuyến công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản 2021. Các sự kiện đã thu hút sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp hai quốc gia.
Đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm là điều kiện đầu tiên để hàng Việt ổn định thị phần tại Nhật Bản |
Trước những nỗ lực trên của Bộ Công Thương, ông Masataka Fujita – Tổng thư ký Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại ASEAN, Nhật Bản, khẳng định: Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương cùng các cơ quan của Chính phủ Nhật Bản đã tạo cầu nối phù hợp cho doanh nghiệp hai nước hiểu nhau và gia tăng hợp tác. Cuối năm ngoái, Bộ Công Thương đã khai trương cổng thông tin thương mại Việt Nam, cung cấp thông tin về thủ tục xuất nhập khẩu, thời gian thông quan, chi phí… bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Nhờ đó, doanh nghiệp Nhật Bản đã có những thông tin cơ bản và cần thiết với đối tác tiềm năng Việt Nam.
Tuy nhiên, Nhật Bản là thị trường có rất nhiều quy định về các tiêu chuẩn chất lượng, đặc biệt là với nông sản thực phẩm, để chắc chân tại thị trường này, ông Makoto Nakamura – Chuyên gia tư vấn thương mại quốc tế, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản, cho hay: Trong xu hướng tiêu dùng mặt hàng thực phẩm, người dân Nhật Bản quan tâm nhất tới vấn đề chất lượng an toàn cho sức khoẻ, sau đó mới đến giá cả, tính tiện lợi và thực phẩm cao cấp là ưu tiên cuối cùng. Do vậy, quy trình nhập khẩu nông sản, thực phẩm vào Nhật Bản đều phải qua các bước kiểm dịch động thực vật trước khi được thông quan. Tiếp đến, kiểm tra sản phẩm có phù hợp với Luật Vệ sinh môi trường. Đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn là điều kiện cần thiết để hàng hoá Việt Nam được tiếp nhận tại Nhật Bản.
Ông Tạ Đức Minh- Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cũng khuyến cáo: Nhật Bản là thị trường nổi tiếng khó tính. Do vậy, không chỉ nông sản mà hàng hoá nói chung của Việt Nam cần có sự liên kết đồng bộ từ khâu sản xuất, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, đồng thời đáp ứng đầy đủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng mới có thể giữ vững thương hiệu, ổn định thị phần xuất khẩu.
Tuần hàng Việt Nam 2021 tại hệ thống siêu thị Aeon tại Nhật Bản được tổ chức từ ngày 25/6 đến 27/6. Song song với việc triển khai trực tiếp tại các cửa hàng, Tuần hàng còn được triển khai trên hệ thống bán hàng online của Tập đoàn Aeon tại Nhật Bản. |