Sau đêm rằm, bánh trung thu ‘ế’ sẽ được xử lý thế nào?
Cứ đến rằm tháng Tám hàng năm, bánh trung thu lại được bày bán tràn ngập khắp nơi, trở thành nét đặc trưng văn hóa không thể thiếu – báo hiệu một mùa tết trung thu cho thiếu nhi đã tới.
Bánh trung thu từ lâu nay đã trở thành món ăn quen thuộc trong mỗi gia đình, là món quà tặng bày tỏ sự quý mến lẫn nhau. Ngoài hương vị đặc trưng, bánh trung thu còn mang ý nghĩa của sự sum vầy, đoàn tụ và gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình và bạn bè.
Những ngày cận Tết Trung thu, tại các quầy bán hàng la liệt các biển quảng cáo giảm giá bánh. Với vô vàn các quảng cáo như: “Hạ giá từ 10.000 đồng 20.000 đồng/chiếc”; “Hạ giá 100.000 đồng/ hộp”; "Giảm giá 50%"; "Mua 1 tặng 1"; “Mua 1 tặng 2-3”… nhưng cũng không thu hút được nhiều khách hàng.
Những ngày cận Tết Trung thu, tại các quầy bán hàng la liệt các biển quảng cáo giảm giá bánh (Ảnh minh họa). |
Nhiều người đặt ra câu hỏi, vậy mỗi mùa Trung thu khép lại, những chiếc bánh còn lại trên thị trường sẽ đi đâu? Được tái chế hay chờ ngày hết hạn?
Trả lời phóng viên, anh T., nhân viên bán bánh trung thu tại quận 5 (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, với những chiếc bánh không bán được, thông thường trên công ty sẽ thu hồi hết về ngay cuối ngày rằm. Sau đó, họ bán thanh lý cho nhân viên công ty, một phần chuyển cho các tổ chức từ thiện. “Có những năm lượng bánh tồn quá nhiều, thanh lý cho nhân viên cũng không xuể tôi cũng không rõ hướng xử lý số hàng trên các hãng bánh như thế nào”, anh T. nói.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, anh C. – Chủ cơ sở sản xuất bánh trung thu trên đường Lê Quang Định, (phường 7, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, bánh còn sót lại sau ngày trung thu sẽ được cố gắng bán đại hạ giá, nói là bánh ế nhưng cũng không hẳn là ế, bánh bán được trước dịp lễ lãi được hơn 60%, nên bánh còn tồn lại chỉ cần lãi được 20% vốn.
“Nếu bánh bán đại hạ giá mà vẫn không hết thì một số cơ sở sẽ thu mua bánh về để phân loại phần nhân bánh và vỏ bánh riêng, sau đó tái chế thành các loại bánh nướng, bánh chả hay bánh quy,… sau đó được sử dụng mang đi tiêu thụ. Đối với những chiếc bánh đã hết hạn, một số nhà sản xuất sẽ nghiền nát bánh trung thu và bán làm thức ăn cho các trang trại, dùng cho chăn nuôi gia súc, gia cầm nhằm giảm thiểu sự lãng phí và bảo vệ môi trường”, anh C. chia sẻ.
Còn chị P., nhân viên một cửa hàng bán bánh trung thu tại quận 10 (TP. Hồ Chí Minh) tiết lộ, những năm gần đây các thương hiệu sản xuất bánh không ồ ạt như trước, họ tùy theo nhu cầu thị trường và cũng sản xuất theo từng tuần. Nên việc “ế” bánh cũng không quá nhiều. Chị P. cũng cho rằng, một số hãng, cơ sở lớn sẽ thu hồi và tiêu hủy số bánh ế, bánh hết hạn sử dụng. Tuy nhiên, một số nơi cũng không làm như thế.
“Tôi biết có nhiều người kinh doanh không có tâm đã vận chuyển bánh trung thu đã quá hạn hoặc các sản phẩm tái chế từ bánh đã quá hạn sử dụng lên vùng sâu, vùng xa, nông thôn nhằm mục đích tiêu thụ sản phẩm”, chị P. bật mí.
Một số cơ sở sẽ thu mua bánh về để phân loại phần nhân bánh và vỏ bánh riêng, sau đó tái chế thành các loại bánh nướng, bánh chả hay bánh quy - (Ảnh minh họa). |
Việc tái chế, sử dụng bánh trung thu hết hạn có nguy cơ gây hại tới sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt, điều đáng lo ngại là đối tượng tiêu thụ các sản phẩm này chủ yếu là các em nhỏ. Mặc dù công tác kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm của ngành Công Thương, Quản lý thị trường, ngành Y tế… rất khắt khe, nhưng đâu đó vẫn còn sót nhiều trường hợp kinh doanh hàng hóa kém chất lượng qua mặt được sự giám sát của lực lượng cơ quan chức năng.
Theo một số chuyên gia lĩnh vực y tế, từ những thực trạng trên, cần phải có biện pháp tăng cường quản lý việc thu hồi và tiêu hủy bánh trung thu ế, tăng cường quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất.
Thậm chí, cần có chế tài xử lý nghiêm ngặt hơn nữa đối với việc vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tất cả các loại bánh kẹo lưu hành trên thị trường phải có nhãn mác, ghi rõ tên, địa chỉ cơ sở sản xuất, hạn sử dụng. Không chỉ đối với các cơ sở sản xuất mà còn phải xử lý nghiêm khắc các cơ sở kinh doanh các loại bánh kẹo không nhãn mác, giả nhãn mác, kém chất lượng làm ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.