Sắp diễn ra Hội nghị trực tuyến khối Công Thương địa phương quý I/2023
Trong bối cảnh hiện nay, tình hình suy giảm kinh tế toàn cầu nhanh hơn dự kiến, đã ảnh hưởng đến ngành Công Thương. Sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu quý I/2023 của cả nước đã giảm so với cùng kỳ năm trước (chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 2,2%; kim ngạch hàng hóa xuất khẩu giảm 11,9%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa giảm 14,7%)…
Trước tình hình đó, Cục Công Thương địa phươngđã báo cáo lãnh đạo Bộ Công Thương phê duyệt tổ chức Hội nghị trực tuyến khối Công Thương địa phương đánh giá tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại các tỉnh, thành phố. Từ đó, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững ngành Công Thương tại các địa phương.
Hội nghị sẽ được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội với sự tham của lãnh đạo Bộ Công Thương cùng đại diện các cơ quan thuộc Bộ, đồng thời kết nối với các tỉnh, thành phố theo hình thức trực tuyến.
Bộ Công Thương nỗ lực đồng hành cùng địa phương phát triển sản xuất công nghiệp, thúc đẩy thương mại |
Theo báo cáo từ Cục Công Thương địa phương, kết quả sản xuất, xuất khẩu quý I/2023 không mấy khả quan, tuy nhiên tình hình được dự báo sẽ khá hơn trong những tháng tới. Bộ Công Thương đang nỗ lực bằng mọi cách cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đạt mục tiêu năm 2023 với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của toàn ngành công nghiệp tăng khoảng 8-9% so với năm trước; tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước dự kiến tăng 6% so với năm trước.
Trong thời gian tới, để có thể hoàn thành mục tiêu trên, Bộ Công Thương tiếp tục tập trung vào một số giải pháp trọng tâm.
Trong đó, bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực. Tổ chức làm việc với một số địa phương trọng điểm về công nghiệp để kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất. Tiếp tục tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất
Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp và thương mại đồng bộ từ trung ương đến địa phương, đảm bảo khả thi phù hợp với các FTA đã ký kết. Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành Công Thương dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Đẩy mạnh phát triển thương mại nội địa, các chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước để kết nối giữa sản xuất với thị trường, ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng các mặt hàng nông sản, thực phẩm. Hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng, thương hiệu cho hàng hóa trong nước; bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa thiết yếu. Khai thác có hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế. Bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệp.
Đẩy mạnh phát triển thị trường ngoài nước thông qua kết nối giữa các cơ quan của Bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các Bộ, ngành liên quan để kịp thời cập nhật cho doanh nghiệp, Hiệp hội về thông tin, nhu cầu, cũng như các quy định mới của thị trường. Đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Tiếp tục mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu; hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng...