Sản xuất liên kết theo chuỗi: Giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thoát nghèo bền vững
Gần đây nhất có thể kể đến Thông tư 02/2022/TT-UBDT về việc hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn 1: Từ năm 2021 đến năm 2025, kể từ ngày 15/8/2022, hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ được hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề.
Sản xuất liên kết theo chuỗi: Giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thoát nghèo bền vững |
Theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Thông tư 02/2022/TT-UBDT: Dự án, kế hoạch liên kết phải đáp ứng được yêu cầu về tỷ lệ tham gia các đối tượng thuộc diện hỗ trợ của Chương trình theo quy định tại khoản 5 Điều 20 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP. Ưu tiên hộ nghèo là người dân tộc thiểu số; hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ và là lao động duy nhất, trực tiếp nuôi dưỡng người thân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến độ tuổi lao động; hộ sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn. Ưu tiên dự án, kế hoạch liên kết do doanh nghiệp có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ, hoặc hợp tác xã có trên 50% số thành viên là phụ nữ đề xuất.
Các doanh nghiệp (sản xuất, chế biến, kinh doanh), hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị có từ 70% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số. Địa bàn thực hiện tại các xã, thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; ưu tiên các xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn.
Điều kiện hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị: Dự án, kế hoạch liên kết phải xác định được kết quả về chỉ số tạo việc làm, mức tăng thu nhập, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương theo kế hoạch năm và thời điểm kết thúc dự án.
Đơn vị chủ trì liên kết và các đối tượng liên kết phải có hợp đồng hoặc biên bản hợp tác về đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, thu mua, tiêu thụ sản phẩm.
Mức hỗ trợ tối đa không quá 95% tổng kinh phí thực hiện một dự án trên địa bàn đặc biệt khó khăn; không quá 80% tổng kinh phí thực hiện một dự án trên địa bàn khó khăn; không quá 60% tổng chi phí thực hiện một dự án trên các địa bàn khác thuộc phạm vi đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia. Mức hỗ trợ cụ thể thực hiện một dự án theo hướng dẫn của cơ quan chủ quản chương trình. Ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện dự án, phương án sản xuất thông qua người đại diện do cộng đồng lựa chọn.
Thực tế thời gian qua, một số địa phương, đồng bào dân tộc thiểu số đã mạnh dạn liên kết sản xuất. Kết quả, các hộ tham gia không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Điển hình như đồng bào dân tộc thiểu số tại Si Ma Cai (Lào Cai).
Hơn 90% hộ dân của huyện vùng cao Si Ma Cai có thu nhập chính từ nông nghiệp. Vì vậy địa phương đã quan tâm nâng cao hiệu quả của các hợp tác xã, thu hút đầu tư, liên kết để mở rộng quy mô sản xuất, hướng tới hình thành chuỗi giá trị, xây dựng các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, giá trị gia tăng cao.
Là một trong những hợp tác xã đầu tiên trên địa bàn huyện vùng cao Si Ma Cai tiếp cận chế biến nông sản, đến nay các sản phẩm trà túi lọc tam thất, bột tam thất, trà tam thất... của Hợp tác xã Mản Thẩn đã cung cấp đến nhiều người tiêu dùng trên cả nước; triển khai trồng, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nhiều hộ dân trên địa bàn.
Chị Vũ Thị Nhung - Hợp tác xã Mản Thẩn, xã Quan Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai - cho biết: Khi chưa có hợp tác xã, canh tác theo hộ gia đình do chưa có kỹ thuật nên sản lượng, năng suất rất thấp. Giờ đây, tham gia hợp tác xã bà con đã được hỗ trợ kỹ thuật về canh tác và chế biến cây dược liệu nên năng suất cao hơn nhiều.
Hay tại tỉnh Ninh Thuận, nhờ thực hiện tốt chủ trương liên đến sản xuất, đến nay nhiều vùng kinh tế của bà con dân tộc đã khởi sắc, nhiều hợp tác xã nằm ở khu vực có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã làm tốt vai trò kết nối doanh nghiệp, lựa chọn các sản phẩm mang tính đặc thù của đồng bào dân tộc thiểu số để tổ chức sản xuất.
Tiêu biểu ở huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận) đã thu hút được lượng lớn đơn vị liên kết sản xuất, cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, như: Công ty TNHH MTV Hưng Nông Phát thu mua đậu xanh ở các xã Công Hải, Bắc Phong; Công ty Cổ phần Cánh Đồng Việt liên kết trồng cây nha đam tại xã Bắc Sơn... Thông qua hình thức liên kết, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp thu kiến thức sản xuất mới, giảm đáng kể chi phí đầu tư sản xuất.
Còn tại tỉnh Bạc Liêu, việc liên kết sản xuất theo chuỗi không chỉ phần nào giải quyết được nỗi lo của nông dân về tình trạng “được mùa, mất giá” mà thông qua áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của nông sản địa phương.
Một số hộ nông dân ở xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân (Bình Liêu) chia sẻ, trước đây khi chưa tham gia mô hình liên kết, trong mỗi vụ sản xuất, khi đến thời điểm thu hoạch, người nông dân lo nhiều thứ như thiếu máy cắt, lúa rớt giá, không có tiền trả nợ đại lý phân bón… Những nỗi lo đó giờ đây không còn là nhờ thực hiện liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp và nông dân.
Nhằm giúp bà con nông dân, đặc biệt các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo nhanh và bền vững, thời gian tới, Ban Dân tộc nhiều tỉnh trên cả nước cho biết sẽ tiếp tục phối hợp các sở, ngành, địa phương xây dựng đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với trọng tâm không chỉ hướng đến huy động nguồn lực lồng ghép các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng mà còn tăng cường hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học - kỹ thuật; khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã duy trì và mở rộng liên kết sản xuất để nâng cao thu nhập, tạo động lực phát triển toàn diện khu vực đồng bào dân tộc thiểu số.