Sản lượng giảm mạnh, Indonesia có thể thiếu đến 1,45 triệu tấn gạo
Ngày 16/10, Cục Thống kê Indonesia (BPS) công bố dữ liệu mới cho thấy lượng gạo thiếu hụt của nước này có thể lên đến 1,45 triệu tấn do sản lượng Quý IV/2023 ước đạt 4,78 triệu tấn, tức là thấp hơn gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cục trưởng BPS Amalia Adininggar Widyasanti cho biết, hạn hán kéo dài do ảnh hưởng của Ei Nino đã khiến sản lượng gạo giảm, đặc biệt ở các tỉnh Tây Java, Trung Java và Nam Sumatra, 3 vùng trồng lúa lớn nhất cả nước.
Lượng gạo thiếu hụt của Indonesia có thể lên đến 1,45 triệu tấn do sản lượng Quý IV/2023 ước đạt 4,78 triệu tấn, thấp hơn gần 11% so với cùng kỳ |
Trước đó, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng ra thông báo về việc nước này sẽ cần thêm khoảng 1,5 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia từ nay tới hết năm 2023, ngoài 2 triệu tấn gạo dự trữ đã nhập khẩu trước đó.
Tổng thống Joko Widodo cho rằng, 2023 là năm khó khăn khi nước này không chỉ đương đầu với tác động của El Nino mà cả tình trạng biến đổi khí hậu và nhiệt độ tăng. Những yếu tố này cùng với bất ổn địa chính trị cũng ảnh hưởng tới nguồn cung lương thực toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Indonesia đã đẩy mạnh các nỗ lực chuẩn bị nhằm đảm bảo dự trữ gạo hợp lý. Theo đó, nước này đã chọn Việt Nam và Thái Lan là hai nước nguồn cung cấp gạo chính cho đợt thu mua mới đây để cải thiện vấn đề nguồn cung gạo trong nước. Liên quan đến thông tin này, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cho biết, Indonesia chọn Việt Nam là nguồn cung chính cho các đợt thu mua lúa gạo của Indonersia đã khẳng định thêm vị thế, uy tín chất lượng của hạt gạo Việt Nam.
Nguồn cung gạo Việt Nam luôn là nguồn cung uy tín, giành được sự tin tưởng của Chính phủ và người tiêu dùng Indonesia trong bối cảnh Indonesia đang phải đối mặt với sự thiếu hụt về sản lượng lương thực sản xuất trong nước do ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino.
Để tận dụng tối đa cơ hội này, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần lưu ý hướng dẫn của Bộ Công Thương trước đó về xuất khẩu gạo sang thị trường Indonesia.
Theo đó, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo cần chủ động theo dõi sát tình hình thị trường. Đồng thời, đánh giá đầy đủ các cơ hội cũng như rủi ro để xây dựng phương án giao dịch; ký kết hợp đồng phù hợp, đảm bảo hiệu quả xuất khẩu và góp phần tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa cho nông dân với giá có lợi.