Rút bảo hiểm xã hội một lần, người lao động có bị thiệt?
Số người rút BHXH một lần tăng mạnh
Theo thống kê, số lượng người quyết định rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần đang tăng lên mạnh trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2016 số người rút BHXH một lần là 624.603 người, thì đến năm 2017 đã tăng lên 666.955 người; năm 2018 là 762.386 người; năm 2019 là 807.089 người; năm 2020 là 860.741 người; năm 2021 là 963.272 người. Riêng 3 tháng đầu năm 2022, số lượng người rút BHXH một lần đã lên tới hơn 200.000 người.
Được biết, một trong những lý do khiến tỷ lệ người lao động đi đến quyết định rút BHXH một lần đang tăng lên mạnh mẽ trong những năm qua là bởi, đại dịch Covid-19 khiến nhiều người lâm vào cảnh thất nghiệp, giãn việc, thời điểm đó kinh tế lại khó khăn, nên họ quyết định rút bảo hiểm một lần để trang trải cuộc sống.
3 tháng đầu năm 2022, số lượng người rút BHXH một lần đã lên tới hơn 200.000 người |
Chị Trần Thị Tâm là công nhân tại một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Mê Linh - TP. Hà Nội - cho biết, chị đã đóng BHXH được 11 năm, cũng định đóng đến khi nghỉ hưu để được hưởng lương hưu, nhưng 2 năm vừa qua dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, doanh nghiệp không có việc làm, nên phải nghỉ không lương hơn 1 năm trời, vì thế chị quyết định rút BHXH 1 lần để trang trải cuộc sống.
Cũng giống như chị Trần Thị Tâm, sau hơn 1 năm nghỉ việc do dịch Covid-19, anh Nguyễn Văn Thể cũng quyết định rút BHXH 1 lần sau 8 năm làm công nhân tại một doanh nghiệp trong khu công nghiệp trên địa bàn huyện Đông Anh - TP. Hà Nội. Số tiền anh Nguyễn Văn Thể nhận được là hơn 60 triệu đồng, anh cho biết, chỉ đủ để anh trang trải cuộc sống, lo cho con cái học hành trong vài tháng và mua cho con một chiếc máy tính xách tay phục vụ nhu cầu học tập của con.
Anh Nguyễn Văn Thể chia sẻ, biết rút BHXH một lần là rất thiệt thòi, nhưng trong hoàn cảnh thất nghiệp, nguồn thu nhập không còn, thì đây chính là cách duy nhất giúp anh và cả gia đình tồn tại, sau đó như thế nào sẽ tính tiếp.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang xây dựng Dự thảo Luật BHXH sửa đổi theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận một lần |
Làn sóng rút BHXH một lần vẫn chưa dừng lại
Chị Nguyễn Thị Hương - nhân viên hành chính cho một công ty văn phòng phẩm tại Hà Nội cho biết, chị đã đóng BHXH được 13 năm, nhưng thời điểm này cũng rất muốn rút một lần, vì chị mới sinh con nhỏ, nên không thể đi làm vì không có người trông con. Trong khi đó, nếu gửi con để đi làm thì tiền lương không đủ để thuê người giúp việc.
Theo quy định hiện nay, mức đóng BHXH 22% vào quỹ BHXH hàng tháng, trong đó, người lao động đóng 8% và doanh nghiệp đóng 14%. Đồng thời, người lao động nghỉ việc trong vòng 1 năm thì có quyền được rút BHXH một lần.
Trước tình trạng người lao động rút BHXH một lần đang gia tăng nhanh chóng, theo ông Phạm Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - thừa nhận: Hiện nay có tình trạng người lao động rút BHXH một lần tăng nhanh chóng, đây là một “hiệu ứng” xã hội rất cần quan tâm.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Hoài Nam, việc người lao động rút BHXH một lần có thể đáp ứng được nhu cầu trang trải cuộc sống trước mắt, nhưng về lâu dài sẽ khiến người lao động bị thiệt thòi rất nhiều. Ông Phạm Hoài Nam lấy ví dụ, một người đóng bảo hiểm với mức lương 4 triệu đồng một tháng, được 20 năm, nếu rút một lần thì được 152 triệu đồng.
“Trong khi đó, nếu tính tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam là 73 năm, thì khi về hưu năm 60 tuổi, người lao động sẽ còn hơn 10 năm để lĩnh lương hưu. Như vậy, người rút BHXH một lần sẽ thiệt từ 2-3 lần tùy vào mức lương cao hay thấp” - ông Phạm Hoài Nam nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia kinh tế, xu hướng rút BHXH một lần tại Việt Nam gia tăng mạnh mẽ từ cuối quý III/2021 khi xảy ra dòng di biến dân cư, người lao động tại một số thành phố lớn nghỉ việc để trở về quê, người lao động gặp khó khăn, nên sau một thời gian nghỉ việc đã quyết định rút BHXH một lần để lấy tiền trang trải cuộc sống.
Tuy nhiên, BHXH giống như một khoản đầu tư lâu dài cho người lao động khi về hưu, vì thế khi rút BHXH một lần người lao động sẽ không thể đóng tiếp tục khi quay lại làm việc, mà phải đóng mới, như vậy khi hết tuổi lao động họ sẽ không đủ số năm đóng BHXH. Ngoài ra, tất cả các chế độ chính sách về y tế, về hưu trí, thậm chí cả tử tuất người lao động sẽ không được hưởng.
Để hạn chế làn sóng rút BHXH một lần, hiện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng Dự thảo Luật BHXH sửa đổi theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận một lần, bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm, thậm chí 10 năm, song mức hưởng phải tính toán hợp lý để người lao động đủ sống.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có thêm các gói an sinh, gói tín dụng lãi suất, thậm chí mức lãi suất có thể áp dụng ở mức 0%, nhằm để hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn sau nghỉ việc, có như vậy họ mới không tính đến việc rút BHXH một lần.
Còn theo đại diện Tổng cục Thống kê, để hạn chế làn sóng rút BHXH một lần, bên cạnh xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý, cần đẩy mạnh tuyên truyền, để người lao động thấy được lợi ích của việc đóng BHXH, giúp họ nhận thức được rằng, đó là khoản đầu tư lâu dài của người dân, nhằm đảm bảo chính sách, chế độ cho người lao động khi về già.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo Luật BHXH sửa đổi theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận một lần. |