Hiệp định RCEP: Thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Hàn Quốc Tận dụng lợi thế RCEP: Việt Nam đang dần trở thành trung tâm logistics tại Đông Nam Á Hóa giải các thách thức từ Hiệp định RCEP |
Mức tăng trưởng ấn tượng
Việt Nam và Singapore đều là thành viên của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Trên cơ sở nhận thức chung về tính bổ trợ của hai nền kinh tế, hai bên đã và đang thúc đẩy các hiệp định thương mại mà Việt Nam và Singapore cùng tham gia nhằm tăng cường hợp tác, đóng góp vào phát triển kinh tế của mỗi nước cũng như của khu vực.
Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), ngày càng nhiều công ty Việt Nam và Indonesia tích cực tham gia hiệu quả vào các cơ hội thương mại, đầu tư. Điều này thể hiện qua giá trị thương mại song phương giữa hai nước. Trong tháng 10/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Indonesia đạt 527,62 triệu USD, tăng 6,8% so với tháng trước đó và tăng đáng kể 24,86% so với tháng cùng kỳ năm 2023.
Tận dụng ưu đãi từ các FTA để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Indonesia - Ảnh: Reuters |
Tính chung 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này ghi nhận mức tăng 22,57% so với 10 tháng năm 2023, đạt 5,16 tỷ USD. Trong đó, 3 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch cao nhất là gạo chiếm tỷ trọng 12,69%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác 7,77% và hàng dệt, may chiếm tỷ trọng 7,2%.
Ở chiều ngược lại, trong tháng 10/2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Indonesia đạt 1,04 tỷ USD, tăng 22,88% so với tháng trước đó và tăng 35,83% so với tháng cùng kỳ năm 2023.
Tính chung 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này ghi nhận mức tăng là 17,88% so với 10 tháng đầu năm 2023, đạt 8,44 tỷ USD. Trong đó, 3 mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch cao nhất là than các loại chiếm tỷ trọng 24,13%; Sắt thép các loại 12,06% và ô tô nguyên chiếc các loại là 10%.
Theo ông Nguyễn Hữu Nam - Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tận dụng ưu đãi từ Hiệp định RCEP, hàng hóa của Việt Nam đang ngày càng cùng cổ vị thế trên thị trường Indonesia, với giá trị xuất khẩu tăng trưởng liên tục qua các giai đoạn. Các mặt hàng như hàng thủy sản, cà phê, sản phẩm hóa chất và các sản phẩm khác từ Việt Nam đều đã có mặt trên thị trường của Indonesia. Đặc biệt, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu sang Indonesia.
"Trong thời gian tới, doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Indonesia, đặc biệt là khai thác các sản phẩm chủ lực và có thế mạnh", ông Nam nhấn mạnh.
Nhiều tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức
Nhằm tận dụng ưu đãi từ RCEP để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Indonesia, ông Phạm Thế Cường - Tham tán Thương mại tại Indonesia cho rằng, Indonesia là thị trường tiềm năng với dân số lớn thứ 4 thế giới, đặc biệt dân số ở độ tuổi lao động chiếm 60% dân số. Tăng trưởng kinh tế cao, ổn định thúc đẩy gia tăng nhu cầu tiêu dùng, nhập khẩu.
"Indonesia là thị trường lớn nhất Đông Nam Á, với số dân khoảng 280 triệu người, có tiềm năng rất lớn đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống. Indonesia hàng năm nhập khẩu khoảng hơn 20 tỷ USD hàng hóa, do đó đây sẽ là thị trường tiềm năng cho nhóm các sản phẩm thực phầm và đồ uống của Việt Nam. Nhu cầu sản phẩm của thị trường Indonesia cũng rất đa dạng và Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng", ông Cường thông tin.
Người dân mua sắm tại siêu thị ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: AFP |
Cũng theo ông Phạm Thế Cường, Indonesia là thị trường dễ tính hơn so với Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và có văn hoá Á Đông gần gũi. Không những thế, khoảng cách địa lý gần cũng giúp doanh nghiệp Việt Nam giảm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh hàng hoá.
Đặc biệt, hàng hoá Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế tại Indonesia với giá trị kim ngạch xuất khẩu gia tăng; có lợi thế so sánh với nhiều nhóm hàng nông, thuỷ sản. Ngoài ra, hai nước cũng đã kết nối đường bay thẳng (Vietnam Airline, Vietjet Air) cũng là lợi thế để doanh nghiệp thâm nhập sâu hơn vào thị trường này.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Thế Cường, Indonesia cũng đặt ra một số thách thức nhất định. Indonesia là thị trường mang tính bảo hộ cao như hạn ngạch, giấy phép nhập khẩu; chứng nhận Halal (phải do cơ quan có thẩm quyền Indonesia cấp); tiêu chuẩn quốc gia (SNI), quy định về cảng nhập khẩu (một số nhóm hàng); thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Bên cạnh đó, Indonesia là quốc gia có nhiều đảo, địa hình chia cắt là gia tăng chi phí logistics hàng hoá. Sự cạnh tranh của hàng hoá các nước ASEAN khác và nhất là Trung Quốc, cơ cấu hàng hoá nhóm nông, thuỷ sản của Indonesia cũng khá tương đồng với Việt Nam. Đi kèm đó là chính sách hạ nguồn, hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô của Indonesia cũng tạo áp lực không nhỏ cho doanh nghiệp.
Vì vậy, để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, doanh nghiệp cần chủ động xin giấy chứng nhận Halal Indonesia, chứng nhận tiêu chuẩn quốc gia SNI. Cùng đó, chủ động liên hệ, phối hợp chặt chẽ với cơ quan hữu quan Việt Nam trong trường hợp Indonesia khởi xướng các biện pháp phòng vệ thương mại có liên quan tới sản phẩm của doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền lợi của mình.
Ngoài ra, để tránh rủi ro lừa đảo hay tranh chấp thương mại, ông Cường khuyến cáo doanh nghiệp cần thận trọng khi ký kết hợp đồng. Ông nhấn mạnh, cần yêu cầu đối tác cung cấp giấy tờ pháp lý đầy đủ như chứng nhận đăng ký kinh doanh và mã số thuế, không nên chuyển tiền đặt cọc vào tài khoản cá nhân và đảm bảo các điều khoản bảo vệ quyền lợi trong hợp đồng.