Tận dụng RCEP, thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định, bền vững Hiệp định RCEP: Góp phần gia tăng kim ngạch thương mại Việt Nam – Nhật Bản Giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế |
Đây là nhận định của bà Ee-Hui Tan, Giám đốc Điều hành FedEx Express Campuchia và Việt Nam. Theo bà Ee-Hui Tan, trong vài thập kỷ trở lại đây, sản xuất xuất khẩu là động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội của Đông Nam Á, tạo điều kiện cho khu vực này trở thành khu vực kinh tế lớn thứ 5 thế giới.
Với lợi thế sở hữu một lực lượng lao động với chi phí hiệu quả, khu vực này đã trở thành điểm đến thu hút các nhà sản xuất tới thiết lập hoạt động. Ngoài việc sản xuất các thiết bị điện tử, máy tính và linh kiện máy tính tại Việt Nam, Đông Nam Á còn là nơi tập trung các cụm sản xuất lâu đời, từ ô tô đến thực phẩm đóng gói, thiết bị y tế và linh kiện hàng không vũ trụ.
Đông Nam Á còn đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường kết nối thương mại nội Á, cũng như giữa châu Á và châu Âu. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN (AFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã góp phần đáng kể cho việc tạo điều kiện tiếp cận thương mại trong khu vực châu Á và kết nối khu vực này với thị trường toàn cầu, nâng cao tính năng động kinh tế và tiềm năng thương mại quốc tế.
Tận dụng lợi thế RCEP, Việt Nam đang dần trở thành trung tâm logistics tại Đông Nam Á |
Vai trò của Việt Nam trong việc nâng tầm Đông Nam Á
Trong bối cảnh Đông Nam Á có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, Việt Nam nổi lên với tiềm năng tăng trưởng đáng kể, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao vị thế của khu vực với chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
Nằm ở vị trí chiến lược giữa Bắc Á và phần còn lại của Đông Nam Á, cùng với việc tận dụng lợi thế từ Hiệp định RCEP, Việt Nam đang dần trở thành trung tâm của các hoạt động hậu cần (logistics). Mức độ hội nhập toàn cầu sâu sắc của Việt Nam được thể hiện rõ khi thặng dư thương mại đạt hơn 21,68 tỷ USD vào tháng 9/2023, tăng đáng kể so với mức 6,9 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Điều này phản ánh khả năng quản lý xuất khẩu hiệu quả và sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Việt Nam. Bên cạnh việc đa dạng hóa nền kinh tế, GDP của Việt Nam dự kiến sẽ tăng từ 327 tỷ USD vào năm 2022 lên mức 760 tỷ USD vào năm 2030.
Song song với việc duy trì thế mạnh ngành dệt may, Việt Nam đang có sự chuyển dịch đáng chú ý sang sản xuất công nghiệp nặng, đặc biệt là điện tử, máy móc và thiết bị vận tải. Đáng chú ý, hệ sinh thái bán dẫn đang phát triển nhanh chóng tại đây cũng góp phần nâng tầm vai trò trung tâm sản xuất toàn cầu. Nhờ những chính sách và sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ, Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng xuất khẩu công nghệ không nhiều quốc gia châu Á sánh bằng. Năm 2020, tỷ lệ hàng hóa công nghệ cao trong xuất khẩu của Việt Nam tăng lên 42%, nhảy vọt đáng kể so với mức 13% vào năm 2010. Bước tiến này được thúc đẩy bởi lực lượng lao động năng động gồm hơn 30.000 kỹ sư và kỹ thuật viên tay nghề cao.
Những diễn biến gần đây nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế và thương mại với Hoa Kỳ được kỳ vọng sẽ càng góp phần tăng cường khả năng phục hồi và đảm bảo tăng trưởng cho ngành bán dẫn của Việt Nam. Quan hệ đối tác này, cùng với nhiều FTA khác như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), cho thấy Việt Nam đang có những đóng góp lớn trong việc định hình bối cảnh kinh tế của Đông Nam Á.
Vai trò của việc giao hàng nhanh chóng khiến các doanh nghiệp hậu cần ở Việt Nam phải tăng cường đầu tư các dịch vụ |
Giải quyết những thách thức về hậu cần để tăng trưởng
Hành trình phát huy tối đa tiềm năng của Việt Nam không phải là không có thách thức. Đối với các nhà sản xuất hàng cao cấp ở Đông Nam Á, hậu cần đã trở thành một thách thức kinh doanh ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận. Tại Việt Nam, chi phí hậu cần ước tính chiếm 20% GDP vào năm 2021. Theo báo cáo năm 2021 của Công ty Nghiên cứu và Tư vấn công nghiệp Việt Nam, con số này cao hơn mức trung bình 12,9% ở châu Á và 10,8% trên toàn cầu. Để giảm thiểu tỷ lệ này, giải quyết các rào cản cạnh tranh trong chuỗi cung ứng là tối cần thiết.
Từ góc độ cơ sở hạ tầng cứng, đầu tư vào đường cao tốc, sân bay và cảng biển sẽ làm giảm chi phí hậu cần. Mặt khác, các doanh nghiệp có thể tối ưu hóa hoạt động hậu cần của mình đồng thời tiết kiệm chi phí bằng cách hợp tác với các đối tác hậu cần đáng tin cậy, sở hữu những giải pháp vận chuyển thông minh, chẳng hạn như các tùy chọn vận chuyển xuyên biên giới đa dạng và công cụ kỹ thuật số giúp đơn giản hóa và hợp lý hóa quy trình vận chuyển trong nền kinh tế kỹ thuật số ngày nay.
Trong bối cảnh thị trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh, vai trò của việc giao hàng nhanh chóng ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt đối với các nhà xuất khẩu tại Việt Nam. Để đáp ứng được nhu cầu này, các doanh nghiệp hậu cần ở Việt Nam phải đầu tư tăng cường các dịch vụ xuyên lục địa giữa các thị trường Đông Nam Á và phần còn lại của thế giới. Ví dụ như tiêu chuẩn hiện nay là vận chuyển bưu kiện trong khu vực châu Á chỉ trong một ngày làm việc và tới các điểm đến lớn ở châu Âu trong vòng hai ngày làm việc, hay việc FedEx Express bổ sung các dịch vụ bay mới cũng là một giải pháp để giải quyết nhu cầu tăng cường năng lực vận chuyển và đẩy nhanh thời gian vận chuyển, đặc biệt là đối với ngành công nghệ.
"Trong khi lực lượng lao động toàn cầu đang đạt được trình độ kỹ năng cao hơn và năng lực sản xuất tiến bộ hơn nhờ việc áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, Việt Nam không được ngủ quên trên chiến thắng mà cần tiếp tục phát triển mạng lưới hậu cần của mình. Bên cạnh việc giải quyết những thách thức hiện tại, Việt Nam còn cần phải cải thiện hiệu suất hậu cần nói chung để theo kịp sản lượng sản xuất khổng lồ của quốc gia. Chỉ bằng cách đó, Việt Nam mới có thể phát huy hết tiềm năng của mình và đảm nhận vai trò quan trọng hơn trong nền kinh tế đang lên của Đông Nam Á" - bà Ee-Hui Tan cho biết.
Theo ông Jonathan Mummery, nhà phân tích hàng hải tại Dynamar, RCEP có thể tạo ra thêm 2,2 triệu TEU nhu cầu vận chuyển mới cho các tuyến nội Á, chưa tính đến tốc độ phát triển rất nhanh tại khu vực này. “Con số này tương ứng với khoảng 5,2% sản lượng nội Á năm 2019 là 42,7 triệu TEU”. Về tổng thể, Hiệp định RCEP sẽ tăng tổng khối lượng container toàn cầu lên gần 2%, tương đương 3,3 triệu TEU vào năm 2030, theo ước tính của Dynamar. Một tỷ lệ khá lớn so với tổng sản lượng toàn cầu 169 triệu TEU trong năm 2019. Tính đến nay, nội Á đang là thị trường vận tải container lớn nhất trên thế giới, với sản lượng tăng từ 31,6 triệu TEU năm 2014 lên 42,7 triệu TEU vào năm 2019. Bao gồm 10 quốc gia ASEAN, RCEP trở thành hiệp định thương mại đa phương lớn nhất trên thế giới. |