Quảng Nam: Xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP miền núi
Xúc tiến thương mại hiệu quả thông qua các hội chợ, ngày hội OCOP
Giai đoạn 2018 – 2021, huyện miền núi Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) có 13 sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm OCOP gồm 1 sản phẩm OCOP 4 sao là Chè dây Ra Zéh (xã Tư); 12 sản phẩm OCOP 3 sao gồm Chè dây hoa hồng, chè dây Za Reh chè dây Za Reh túi lọc, trà xanh Quyết Thắng; Rượu Tà Vạc Đông Giang; Mâm Mây Bhơ Hôồng; Túi xách, khăn choàng thổ cẩm. Dự kiến trong năm 2022, huyện sẽ có thêm 6 sản phẩm OCOP mới được cộng nhận đạt chuẩn 3 sao trở lên, nâng cấp sản phẩm ớt A Riêu muối từ 3 sao lên 4 sao.
Các sản phẩm OCOP của huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) được giới thiệu trong Ngày hội sản phẩm OCOP Quảng Nam tại thành phố Đà Nẵng |
Ông Đỗ Hữu Tùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) cho biết, để hỗ trợ người dân, hộ sản xuất kết nối giao thương, tìm kiếm đối tác, trong thời gian qua, UBND huyện Đông Giang đã có nhiều nỗ lực để xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP của địa phương. Trong đó, nổi bật là đẩy mạnh xúc tiến thương mại qua kênh hội chợ, ngày hội OCOP.
Đưa sản phẩm rượu Tà Vạc Đông Giang đi tham gia các chương trình hội chợ trong tỉnh Quảng Nam và một số địa phương ngoài tỉnh, ông Đinh Văn Đới – chủ cơ sở sản xuất rượu Tà Vạc Đông Giang (thôn Ra Đung, xã A Ting, huyện Đông Giang) cho biết ông đã tìm được một số đối tác, đại lý sản phẩm. “Là đặc sản của miền núi, những sản phẩm như của cơ sở chúng tôi gặp khó khăn hơn trong thương mại hóa sản phẩm. Vì vậy, những chương trình kết nối giao thương, hội chợ rất cần thiết để sản phẩm của chúng tôi đến được nhiều hơn với người tiêu dùng”, ông Đới nói.
“Các Hội chợ triển lãm giúp ớt A Riêu quảng bá rộng rãi. Chúng tôi tìm được các đại lý và được nhiều người tiêu dùng mua sản phẩm dùng thử thông qua các chương trình này”, ông Alang Diên – Đại diện HTX nông nghiệp Mà Cooih (xã Mà Cooih, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ và cho biết thêm đơn vị sẽ tiếp tục tham gia các hội chợ triển lãm để tăng cường giao thương trong tỉnh và các địa phương trong cả nước, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Huyện Đông Giang tích cực hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP của địa phương thông qua các hội chợ, triển lãm (Ảnh: Khăn choàng thổ cẩm - Sản phẩm OCOP của tổ hợp tác thổ cẩm thôn A Reh- Đhơrôông, xã Tà Lu, huyện Đông Giang) |
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – ông Hồ Quang Bửu, các hội chợ triển lãm, ngày hội sản phẩm OCOP mang lại hiệu quả rất lớn cho các sản phẩm OCOP khu vực miền núi của tỉnh Quảng Nam. “Trong năm 2022, tỉnh Quảng Nam sẽ hỗ trợ các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh tiếp tục đi tham gia các hội chợ, chương trình kết nối giao thương để thương mại hóa hiệu quả các sản phẩm làm ra”, ông Bửu nói.
Đẩy mạnh đưa sản phẩm OCOP miền núi lên sàn thương mại điện tử
Ngoài quảng bá, kết nối giao thương trực tiếp, tỉnh Quảng Nam đang từng bước hỗ trợ các hộ sản xuất, hợp tác xã – chủ thể sản phẩm OCOP khu vực miền núi tiếp cận và đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 180 sản phẩm OCOP lên sàn điện tử Postmart.vn, 170 sản phẩm OCOP lên sàn Voso.vn. Trong đó, bước đầu đã có những sản phẩm OCOP miền núi.
Ngoài ra, các hợp tác xã, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP miền núi cũng đã chủ động tiếp cận với kênh bán hàng online, tận dụng hiệu quả các mạng xã hội để quảng bá và mở rộng tiêu thụ sản phẩm.
HTX nông nghiệp Mà Cooih đang đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm muối ớt A Riêu qua 2 kênh chủ lực là hội chợ triển lãm và thương mại điện tử |
Sản phẩm Muối ớt A Riêu của HTX nông nghiệp Mà Cooih là một trong những sản phẩm OCOP miền núi của huyện Đông Giang đưa lên sàn thương mại điện tử và đẩy mạnh bán hàng online qua các trang mạng xã hội.
Ông Alang Diên – Đại diện Hợp tác xã cho biết, thông qua các sàn thương mại điện tử và các mạng xã hội đã giúp quảng bá rộng rãi sản phẩm muối rớt A Riêu. “Chúng tôi đã có nhiều khách hàng đặt mua sản phẩm qua các mạng xã hội. Thông qua đó, chúng tôi cũng tiếp nhận các phản hồi, góp ý từ khách hàng để hoàn thiện chất lượng sản phẩm hơn”, ông Diên nói và cho biết thêm để phục vụ nhu cầu của thị trường ngoài việc hoàn thiện, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, sắp tới, hợp tác xã có kế hoạch sẽ mở rộng diện tích trồng ớt để đảm bảo nguồn hàng ổn định cung ứng ra ra thị trường.
“Các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh tại tỉnh, nhất là các hộ sản xuất sản phẩm OCOP miền núi đang làm quen với môi trường thương mại điện tử. Sau các hội chợ, chương trình kết nối giao thương trực tiếp thì thương mại điện tử chính là kênh thứ 2 giúp các giao dịch, giao thương của các hộ sản xuất sản phẩm OCOP tăng lên rất nhiều”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói.
Trong năm 2022, UBND huyện Đông Giang tổ chức thành công Hội chợ trưng bày, triển lãm, giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông lâm nghiệp đặc trưng của tỉnh với quy mô 20 gian hàng gồm 200 loại sản phẩm nông lâm thuỷ sản và thủ công mỹ nghệ mang những thương hiệu đặc trưng của các vùng, miền trong và ngoài huyện. Qua Hội chợ đã trao đổi kinh nghiệm trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hoá, góp phần nâng cao năng lực sản xuất của địa phương. |