Những điển hình tiên tiến góp sức đưa chỉ số sản xuất công nghiệp của Quảng Nam tăng
5 tháng đầu năm, chỉ số tiêu thụ ngành chế biến, chế tạo tăng hơn 28%, trong đó sản xuất xe có động cơ tăng 95,78%, sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 26%, sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng hơn 2,5 lần. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/6/2015 giảm 8,9% so với cùng thời điểm năm 2014.
Một số sản phẩm công nghiệp “thương hiệu Quảng Nam“ tăng cao so với cùng kỳ năm 2014 như sản xuất ôtô tại Khu công nghiệp (KCN) Chu Lai tăng 81,2%, đạt hơn 32.500 chiếc; chíp điện tử tăng gần 27%; tinh bột sắn tăng hơn 53%; gạch đá xây dựng tăng gần 56%; gạch men tăng hơn 91%; dây cáp điện tăng gần 77%.
Về thu hút đầu tư, thu hút được 18 dự án, trong đó Khu kinh tế mở Chu Lai có 5 dự án, KCN Điện Nam Điện Ngọc 3 dự án. Đặc biệt, Dự án Khu liên hợp sợi - dệt - nhuộm - may có vốn đầu tư lớn nhất do Tập đoàn Dệt may đầu tư tại huyện Quế Sơn đã tổ chức lễ động thổ, với tổng vốn đầu tư khoảng 2.235 tỷ đồng, quy mô 20 ha khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động, ước đạt doanh thu 2.000 tỷ đồng/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 40 triệu USD/năm.
Hiện, toàn tỉnh có 87 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích gần 1.562 ha, trong đó có 6 CCN bổ sung quy hoạch với tổng diện tích gần 54,5 ha, chủ yếu chú trọng phát triển tại các huyện miền núi như CCN Quế Thọ 3 (huyện Hiệp Đức) 18 ha, CCN Bhalêê 2 ha & CCN R'bhướp (huyện Tây Giang) 4 ha. 6 tháng đầu năm đã thành lập mới 2 CCN, thẩm định 5 CCN, nguồn vốn đầu tư hạ tầng các CCN 6 tháng đầu năm là 21,5 tỷ đồng, thu hút 12 dự án đăng ký đầu tư vào các CCN, với tổng diện tích đất thuê và đăng ký thuê 39,785 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký theo dự án 1.138,1 tỷ đồng, tổng số lao động đăng ký theo dự án 2.262 người. Tỉ lệ lấp đầy bình quân của các CCN đã đi vào hoạt động là 55%.
Về sức tiêu thụ hàng hóa, 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 16.183,000 tỷ đồng, tăng 16,31% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh những tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ năm 2014, một số ngành công nghiệp có chỉ số giảm mạnh như ngành khai khoáng giảm 63,21% (năm 2014 tăng 8,4%). Trong đó, sản phẩm đặc thù của Quảng Nam giảm mạnh là tinh quặng vàng, giảm hơn 88% do 2 dự án khai thác lớn nhất tạm dừng hoạt động.
Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm giảm 1,87% so với cùng kỳ, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 247,38 triệu USD. Các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhưng giảm so với cùng kỳ là giày da các loại ước đạt 80,7 triệu USD (chiếm tỷ trọng 32,6% và giảm 25,77%), sản phẩm từ sắt thép (chiếm 4,3% và giảm 18,4%)...
6 tháng cuối năm, ngành Công Thương Quảng Nam tập trung đẩy mạnh hoạt động khuyến công; chú trọng công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; thực hiện phương án bình ổn giá, tiếp tục đưa hàng hóa đến thị trường nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút dự án vào các KCN, CCN... |