Quản lý an toàn đập, quy trình vận hành hồ chứa thuỷ điện đã đi vào nền nếp
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa thuỷ điện
Theo Bộ Công Thương, thực hiện quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa (Đ-HC) , Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND các tỉnh có công trình thủy điện rà soát và trình Thủ tướng ban hành Quyết định số 470/QĐ-TTg ngày 26/4/2019 ban hành Danh mục Đ-HC thuộc loại đập, hồ chứa quan trọng đặc biệt thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 472/QĐ-BCT ngày 05/3/2019 ban hành Danh mục Đ-HC lớn, vừa, nhỏ xây dựng trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Công Thương làm cơ sở pháp lý thực hiện công tác quản lý an toàn Đ-HC theo loại Đ-HC.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 62/2013/QH13 trong lĩnh vực thủy điện (Ảnh minh hoạ) |
Cũng trong năm 2019, Bộ Công Thương đã tổ chức thanh, kiểm tra chuyên ngành theo kế hoạch tại 07 công trình thủy điện, kết quả cho thấy, hầu hết các đơn vị đều có vướng mắc trong việc triển khai xây dựng các phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, phương án bảo vệ đập; hiệu chỉnh quy trình vận hành hồ chứa... theo quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP. Những vướng mắc này đã được Bộ Công Thương hướng dẫn kịp thời và hiện đã được quy định cụ thể tại Thông tư số 09/2019/TT-BCT ngày 08/7/2019 của Bộ Công Thương quy định về quản lý an toàn Đ-HC.
Báo cáo chi tiết việc thực hiện các quy định về quản lý an toàn Đ-HC của các chủ sở hữu, Bộ Công Thương cho biết, đến nay, cả 401/401 hồ chứa trong cả nước đã thực hiện đăng ký an toàn đập, báo cáo hiện trạng an toàn đập và xây dựng trình cơ quan có thẩm quyền hoặc tự phê duyệt quy trình vận hành hồ chứa. Có 350/401 Đ-HC đã xây dựng phương án ứng phó thiên tai; 135/401 Đ-HC đã xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp; 180/401 Đ-HC xây dựng phương án bảo vệ đập và 180/401 Đ-HC có phương án bảo vệ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
“Kết quả xây dựng các phương án ứng phó thiên tai; ứng phó với tình huống khẩn cấp; bảo vệ Đ-HC hiện còn thấp do các quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP chưa được cụ thể, chi tiết” – Báo cáo của Bộ Công Thương đánh giá và cho biết, để khắc phục những khó khăn này, Bộ Công Thương bàn hành Thông tư số 09/2019/TT-BCT quy định chi tiết các nội dung trên.
Cùng đó, thực hiện chức năng, nhiệm vụ về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện, Bộ Công Thương đã tổ chức 02 hội nghị hướng dẫn thực hiện Nghị định số 114/2018/NĐ-CP và Thông tư số 09/2019/TT-BCT cho các chủ sở hữu Đ-HC và Sổ Công Thương các địa phương.
Siết chặt công tác lập và thực hiện Quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa
Thực hiện nghiêm các quy định về xây dựng và thực hiện Quy trình vận hành (QTVH) hồ chứa, hiện nay, cả 401/401 hồ chứa đã có QTVH được thẩm định, phê duyệt.
Các QTVH đều đã quy định cụ thể về công tác chuẩn bị phòng, chống lụt bão cũng, như: quan trắc, bão dưỡng để đảm bảo công trình vận hành chống lũ an toàn. Việc thông báo cho chính quyền và nhân dân địa phương sinh sống tại khu vực hạ lưu công trình trước khi xả lũ cũng được quy định cụ thể trong QTVH với nhiều hình thức như hiệu lệnh còi, văn bản, điện thoại, fax, thư điện tử,... cho từng trường hợp vận hành.
Ngoài ra, QTVH cũng quy định cụ thể trách nhiệm phối hợp giữa chủ đập và chính quyền địa phương, đặc biệt là cơ quan Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tại địa phương trong quá trình vận hành xả lũ.
Đánh giá việc thực hiện vận hành hồ chứa thủy điện, Bộ Công Thương cho biết cơ bản đã phù hợp với pháp luật hiện hành, với thực tế và điều kiện khí tượng thủy văn, địa hình hành lang thoát lũ,... Theo đó, các chủ đập thủy điện đã tuân thủ về nguyên tắc xả lũ, thao tác, phương thức vận hành các cửa van đập tràn, công tác chuẩn bị phòng, chống lụt, bão và chế độ thông tin, báo cáo cho địa phương. Các chủ đập cũng đã phối hợp chặt chẽ với địa phương xây dựng các quy định về cách thông báo và ứng xử với từng trường hợp cụ thể, thiết lập hệ thống cảnh báo xả lũ dọc sông tại các vị trí cần thiết, chủ động đề xuất để tham gia vào Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão của địa phương và mời đại diện của địa phương tham gia Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão của nhà máy (Điển hình, như: các hồ A Vương, Sông Tranh 2 trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn; các hồ Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Srêpôk 3 trên lưu vực sông Srêpôk,..).
Trong khi đó, trên cùng lưu vực sông lớn, các chủ đập đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương cùng xây dựng và thống nhất Quy chế phối hợp, chương trình hành động và quy chế chung trong công tác vận hành xả lũ, tổ chức dự báo và đo đạc các yếu tố khí tượng, thủy văn phục vụ công tác vận hành hồ. Các hồ chứa lớn cơ bản đã lắp đặt và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo hạ du khi điều tiết lũ, phát điện. Phần lớn các đơn vị đã xây dựng quy chế chia sẻ thông tin giữa các công trình trên cùng bậc thang và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của tỉnh.
Ngoài ra, phần lớn các hồ chứa thủy điện lớn ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã lắp đặt hệ thống tự động thu thập thông tin vận hành truyền về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của tỉnh, giúp cho địa phương chủ động điều hành việc điều tiết các hồ trên địa bàn giảm lũ có hiệu quả.
Hầu hết các vị quản lý vận hành các hồ chứa thủy điện đã nghiêm túc vận hành theo quy trình đã được phê duyệt, đảm bảo an toàn hồ đập, góp phần nâng cao hiệu quả chống lũ, giảm lũ cho hạ du, cấp nước cho sản suất nông nghiệp và sinh hoạt, góp phần quan trọng trong hiệu quả phát điện.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong các QTVH và thực hiện vận hành hồ chứa thủy điện. Cụ thể, số liệu dự báo của các Đài khí tượng thủy văn khu vực và địa phương còn chưa kịp thời hoặc độ chính xác chưa đảm bảo nên việc chỉ đạo,vận hành xả lũ và chủ động chống lũ cho hạ du còn hạn chế.
Hơn nữa, công tác tổ chức tập huấn và tuyên truyền cho nhân dân ở những khu vực bị ảnh hưởng phía hạ lưu về những quy định xả lũ để hiểu và chủ động phòng tránh thiệt hại chưa được chú trọng đúng mức ở nhiều công trình thủy điện. Năng lực của cán bộ vận hành công trình và cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương còn hạn chế, tại một số công trình thủy điện còn thiếu cán bộ vận hành có kinh nghiệm hoặc chưa được trang bị đầy đủ kiến thức vận hành…
Đặc biệt, một số nhà máy thuỷ điện còn có thời điểm chưa tuân thủ đúng các quy định vận hành (xả lưu lượng tối thiểu cho hạ du; thực hiện việc thông tin, thông báo; lắp đặt hệ thống thông báo, cảnh báo xả lũ, xả nước phát điện, lắp đặt hệ thống quan trắc mưa, lưu lượng,...), như: thuỷ điện Hố Hô, Vĩnh Sơn 5, Nà Loà, Bắc Khê 1, Đăk Mi 4,... Bộ Công Thương đã phối hợp với địa phương chỉ đạo các nhà máy này thực hiện nghiêm túc, kịp thời theo đúng quy định.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 62/2013/QH13 trong lĩnh vực thủy điện và kiên quyết chỉ đạo, xử lý các trường hợp vi phạm hoặc không thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành về vận hành hồ chứa theo đúng quy định.