Phát triển thị trường lao động: Mảnh ghép quan trọng để hoàn thiện, xây dựng thể chế kinh tế thị trường
Tận dụng thời cơ, không để tình trạng “chưa giàu đã già”
Ngày 20/8, tại hội nghị Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Phát triển thị trường lao động luôn được Đảng, Nhà nước coi là nhiệm vụ hết sức quan trọng, đột phá, chiến lược. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng xác định việc hoàn thiện thể chế phát triển thị trường lao động là mảnh ghép hết sức quan trọng xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng cả trong ngắn hạn để góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, cả trong dài hạn để thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Đồng thời, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng: Về hạn chế của thị trường lao động, việc phân bố lao động không đồng đều giữa các vùng miền, địa phương; chất lượng lao động thấp, chỉ có hơn 26% lao động qua đào tạo, có chứng chỉ, nhất là lao động quản lý, tay nghề cao rất thiếu, không đáp ứng cho thu hút đầu tư FDI công nghệ cao; năng suất lao động rất thấp, theo các đánh giá quốc tế. Cùng với đó, trong giai đoạn hiện nay có tình trạng mất việc làm, thiếu hụt lao động cục bộ một số địa phương và lĩnh vực.
Ngoài ra, tốc độ già hóa dân số nhanh hơn dự báo, trước đây Ngân hàng Thế giới dự báo Việt Nam bắt đầu già hóa dân số sau năm 2030 nhưng hiện nay đã diễn ra, làm giảm lực lượng lao động. Nếu chúng ta không tranh thủ, tăng tốc nhanh, với chính sách mạnh hơn để tận dụng thời cơ dân số vàng thì chúng ta "chưa giàu đã già".
Về giải pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị 5 giải pháp ngắn hạn và 6 giải pháp dài hạn.Cụ thể, về ngắn hạn: Theo dõi, nắm bắt nhu cầu lao động, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, cung ứng lao động cho quá trình phục hồi phát triển; phát triển hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động, làm tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học; giải quyết vấn đề khan hiếm lao động cục bộ; thực hiện tốt các quy định hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định 80/2021/NĐ-CP; tiếp tục triển khai hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để phục hồi sản xuất và kinh doanh sau đại dịch.
Phát triển thị trường lao động góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế xã hội (ảnh minh họa) |
Tiếp theo là 6 nhóm giải pháp dài hạn: Hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu lao động trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đáp ứng yêu cầu tình hình mới, huy động mạng lưới trí thức người Việt trong và ngoài nước;
Xây dựng chiến lược quốc gia phát triển nguồn nhân lực, thống nhất đầu mối quản lý đào tạo nhân lực, đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế;
Đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao năng lực tự chủ của các cơ sở đào tạo nhân lực, đa dạng hóa các hình thức liên kết đào tạo, nghiên cứu giữa các cơ sở đào tạo, hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, giải quyết việc làm; Có các chính sách để các cơ sở kinh tế phi chính thức chuyển sang khu vực chính thức; Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ thông tin để kết nối cung cầu lao động, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, xây dựng và phát triển kinh tế số, xã hội số.
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trong tham luận cho rằng, để thị trường lao động phát triển đúng phương châm nêu tại Hội nghị, trước mắt đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo triển khai quyết liệt chính sách hỗ trợ cho người lao động đã được ban hành trong thời gian qua theo những mốc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ấn định, bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả, cấp thiết của những chủ trương, chính sách nhân văn đã ban hành.
Cùng đó tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nghề, giúp cung cấp lượng lớn lao động có tay nghề kịp thời cho các doanh nghiệp thiếu hụt sau dịch, đặc biệt đối với những lĩnh vực: May mặc, giầy da, điện tử… Chú trọng đào tạo theo các đơn đặt hàng của các doanh nghiệp.
“Về lâu dài, đây là thị trường đặc biệt liên quan đến người lao động nên cũng phải tuân thủ theo các quy luật khách quan, bảo đảm sự can thiệp của Nhà nước vì liên quan đến người lao động, đối tượng rất đặc biệt trong thị trường”- ông Khang nói.
Còn Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công đề xuất, trước mắt, chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động khi gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 cần linh hoạt hơn trong cơ chế phối hợp giữa đơn vị sử dụng lao động với cơ sở giáo dục nghề nghiệp bảo đảm các phương án phù hợp với nhu cầu vị trí việc làm của doanh nghiệp.
“Quốc hội, Chính phủ xem xét có ưu đãi giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp thực hiện các chương trình đào tạo nội bộ tại doanh nghiệp đáp ứng đúng tiêu chuẩn về đào tạo nội bộ trong doanh nghiệp”- ông Công nêu đề xuất.
Ông Nguyễn Văn Thân- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ủng hộ ý kiến này theo đó xem xét, nghiên cứu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nếu chứng minh được việc thực hiện đào tạo, đào tạo lại cho người lao động (thay vì chứng minh chi phí bằng hóa đơn chứng từ phức tạp như hiện nay thì nên nghiên cứu cho doanh nghiệp được giảm thuế tương tự như trường hợp doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, lao động là người khuyết tật…). Hiện tại, Luật Giáo dục nghề nghiệp chỉ quy định các ưu đãi cho doanh nghiệp có thành lập trung tâm/trường/cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc doanh nghiệp và các cơ sở này phải hoạt động như một đơn vị đào tạo chuyên nghiệp.
Có giải pháp tạo thuận lợi cho dịch chuyển lao động trong nước và ngoài nước, khuyến khích lao động học nghề, đào tạo, xuất khẩu lao động ở nước ngoài về nước làm việc, phát triển nhà ở xã hội cho họ về nước an cư lạc nghiệp.
Cần có cơ chế để doanh nghiệp đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực
Tại hội nghị lần này, về phía các địa phương, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM cho rằng: TP. HCM là địa phương có quy mô về lực lượng lao động rất lớn với gần 5 triệu người lao động và trong 7 tháng đầu năm 2022 có những tín hiệu tích cực đó là có hơn 430.000 người lao động tăng lên so với năm 2021.
So với quý IV/2021, số lao động tham gia hoạt động kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 đã tăng hơn 518.000 người, trong đó lao động ở khu vực có quan hệ lao động tăng gần 120.000 người. Đây là tín hiệu tích cực đối với thị trường lao động trên địa bàn Thành phố.
Với việc phục hồi hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, nhu cầu thị trường lao động của doanh nghiệp cũng gia tăng mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Vấn đề gặp khó khăn trong thị trường lao động đã xảy ra trong những năm vừa qua, tập trung vào một số thời điểm.
Từ yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, Thành phố có một số đề xuất trước hết tiếp tục làm tốt các công tác quản lý và dự báo nhu cầu nguồn nhân lực; triển khai có hiệu quả các giải pháp kết nối cung cầu nhu cầu, trong đó đẩy mạnh liên kết vùng, điều tiết cung cầu lao động, phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Kết nối doanh nghiệp với hệ thống cơ sở dữ liệu nghề nghiệp, phát triển mô hình đào tạo song hành giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, tạo cơ hội cho sinh viên được học tập, thực hành trong doanh nghiệp từ đó tạo nguồn lao động cho tương lai.
Ban hành các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tài trợ, hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt với những ngành công nghệ cao.
Triển khai các giải pháp đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nhu cầu xã hội. Đào tạo lại, đào tạo nâng cao thường xuyên, liên tục cho người lao động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp và người lao động đang có việc làm trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Triển khai các giải pháp hỗ trợ người lao động yên tâm làm việc lâu dài ổn định như xây dựng các khu nhà ở, nhà lưu trú dành cho người lao động có thu nhập thấp để họ mua hoặc trả góp; xây dựng nhà trẻ, trường học cho con em người lao động; thực hiện tốt các chương trình bình ổn giá.
Phát triển thị trường lao động có tay nghề đang là nhu cầu bức thiết đối với sự phát triển nền kinh tế Việt Nam |
Về phía doanh nghiệp, cần quan tâm và chủ động có các chương trình bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho người lao động trong kế hoạch sử dụng nhân lực lâu dài. Thay đổi tư duy sử dụng nguồn nhân lực giá rẻ để đưa khoa học công nghệ, trang thiết bị hiện đại vào hoạt động sản xuất, hướng đến người lao động làm chủ công nghệ, nâng cao năng suất lao động, qua đó nâng cao mức lương chi trả cho người lao động. Chủ động tham gia đào tạo nghề cùng với các cơ sở đào tạo cho sinh viên, học sinh. Tích cực xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, nhân văn, thực hiện trách nhiệm xã hội với người lao động nhằm tạo sự gắn bó lâu dài với hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho rằng: Bắc Giang xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển thị trường lao động hội nhập là một trong các khâu đột phá. Chúng tôi chú trọng cả 5 khâu: Ban hành cơ chế chính sách về đào tạo nghề, giáo dục nghề nghiệp; phân luồng đào tạo; dạy nghề; dự báo kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động; bảo đảm các chính sách an sinh xã hội để sẵn sàng cho làn sóng lao động nhập cư.
Trong số hơn 300.000 lao động làm việc tại các khu công nghiệp, có tới 1/3 là lao động nhập cư nên tỉnh rất chú trọng các giải pháp để phát triển thị trường lao động hài hòa, bền vững.
Từ thực tế địa phương, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho rằng, để phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập cần chú trọng vào một số giải pháp trọng tâm. Trong đó, chú trọng phát triển hài hòa giữa giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp, phải có sự liên thông giữa hai lĩnh vực này. Giáo dục phổ thông đã đi vào chiều sâu nhưng giáo dục nghề nghiệp chưa được quan tâm phát triển đúng mức. Cơ chế chính sách cho đội ngũ giáo viên cũng cần tương đương nhau.
Cùng với đó, cần có chính sách đào tạo nghề cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu làm được sẽ đạt mục tiêu kép vì vừa nâng cao dân trí của đồng bào, tạo việc làm cho lao động nông thôn vừa xóa đói giảm nghèo bền vững.
“Tôi cho rằng, giữ thị phần lao động kỹ thuật trong nước cũng là một giải pháp rất quan trọng. Cần có quy định về tỉ lệ lao động kỹ thuật giữa lao động Việt Nam và lao động nước ngoài trong doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam đã đưa lao động của họ vào làm việc tại các khu công nghiệp” – Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nêu quan điểm.
Chính phủ cũng cần đầu tư mạnh mẽ hơn cho hệ thống các trường nghề, nhất là các trường nghề đào tạo trình độ cao đẳng. Trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, các trường nghề đào tạo trình độ cao đẳng đem lại hiệu quả cao và rõ ràng.
Ngoài ra, cần sớm có cơ chế để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, tham gia vào việc đào tạo cấp chứng chỉ đào tạo nghề cho người lao động. Thực tế các doanh nghiệp vẫn đào tạo cho người lao động tại doanh nghiệp nhưng cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện nên chưa có chứng chỉ được công nhận. Khi có cơ chế, các doanh nghiệp có công nghệ mới, kỹ thuật mới có thể tham gia đào tạo nghề cho lao động tại địa phương, tạo nên chuỗi giá trị bền vững.
Tham dự hội nghị lần này, bà Caitlin Wiesen, quyền Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP) tại Việt Nam cũng đưa ra 5 khuyến nghị đối với việc phát triển thị trường lao động tại Việt Nam. Cụ thể:
Về lao động: Có những chính sách tạo việc làm mới cũng như chuyển dịch lao động nhằm bảo vệ các nhóm bị tổn thương như người khuyết tật, dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em. Tạo thêm cơ hội cho lao động nữ, đặc biệt trong khu vực công vì phụ nữ hiện nay vẫn đang làm ở lĩnh vực có thu nhập thấp.
Đối với đầu tư công, thúc đẩy và tạo ra việc làm mới, đầu tư ứng phó với biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo sẽ mang lại lợi ích trong ngắn hạn và dài hạn.
Đào tạo nghề, đào tạo suốt đời mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội. Nên xây dựng thêm các Trung tâm đào tạo nghề để đáp ứng những nhu cầu mới trong lĩnh vực công nghiệp, đồng thời nên mời gọi các doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo.
Thu hẹp khoảng cách về giới, hỗ trợ thêm những chương trình bảo hiểm bởi đây là chương trình đóng vai trò quan trọng để hỗ trợ cho phụ nữ hoặc nam giới tạm thời nghỉ việc để chăm lo gia đình; có gói hỗ trợ cho người khuyết tật, dân tộc thiểu số…
Cần hỗ trợ cho những hộ gia đình dễ bị tổn thương trong khủng hoảng kinh tế hoặc chịu những cú sốc từ bên ngoài trong trường hợp họ tạm thời giúp việc, giúp duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững.