Những thành quả không thể phủ nhận
Nhìn lại lịch sử của ngành điện Việt Nam, không ai có thể phủ nhận được những thành quả đã đạt được và đóng góp quan trọng của nó đối với nền kinh tế đất nước. Nếu như trước năm 1954, công suất nguồn điện của cả nước mới đạt 31,5MW, cùng hệ thống điện truyền tải, phân phối nhỏ lẻ, chắp vá. Cơ cấu nguồn điện chủ yếu là nhiệt điện than và thuỷ điện duy trì trong một thời gian rất dài. Thế nhưng đến cuối năm 2019, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 54.880 MW. Cơ cấu nguồn điện cũng đã có sự thay đổi đáng kể với nhiều nguồn điện khác nhau như nhiệt điện than, điện khí, thuỷ điện, điện năng lượng tái tạo. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng thứ 2 khu vực ASEAN (sau Indonesia) và thứ 23 thế giới.
Việc phát triển nhanh chóng nguồn điện, đặc biệt trong 10 năm trở lại đây, đã đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển của nền kinh tế đất nước trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống thời điểm 1954 chỉ đạt vài trăm triệu kWh, nhưng đến cuối năm 2019 đã đạt 231,1 tỷ kWh. Điện thương phẩm đạt 209,42 tỷ kWh.
Có được kết quả như trên, không thể không nhắc đến sự tham mưu, tư vấn của cơ quan quản lý ngành là Bộ Công Thương qua các thời kỳ được hiện thực hoá qua các Quy hoạch điện quốc gia. Các quy hoạch điện đều được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu khoa học, có sự kế thừa, kinh nghiệm; có tính toán dự báo, thậm chí điều chỉnh sao cho phù hợp với nhu cầu tăng trưởng kinh tế - xã hội; nguồn lực thực tiễn trong nước và bối cảnh, xu hướng phát triển của thế giới một cách phù hợp.
Trên cơ sở căn cứ các chủ trương của Đảng, các quyết định của Chính phủ, trong quá trình triển khai các Quy hoạch, chiến lược về năng lượng, Bộ Công Thương cũng tham mưu đề xuất nhiều giải pháp phù hợp, kịp thời khắc phục những tồn tại, phát huy những lợi thế, nguồn lực sẵn có.
Đơn cử như trong Quy hoạch điện VII, trước những tồn tại của thuỷ điện, thực hiện Nghị quyết 62/NQ-QH13 năm 2013 về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương, đưa ra khỏi quy hoạch 472 dự án thủy điện, 8 dự án thủy điện bậc thang, đồng thời loại bỏ 213 điểm tiềm năng phát triển thủy điện khỏi quy hoạch. Cho đến nay, công tác quản lý phát triển và huy động các nguồn thuỷ điện đã đi vào nề nếp, quy củ, phát huy được tác dụng to lớn của nó trong việc cung cấp điện cho phát triển kinh tế; điều tiết nước trong mùa cạn, cắt giảm lũ trong mùa mưa; đảm bảo cung cấp nước cho tưới tiêu nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân vùng hạ du…
Hay việc phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo, ngay sau khi Quy hoạch điện VII được điều chỉnh (năm 2016), Bộ Công Thương đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Quyết định 11/2017/QĐ-TTg năm 2017 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời và Quyết định 39/2018/QĐ-TTg năm 2018 về cơ chế khuyến khích phát triển điện gió tại Việt Nam. Nhờ đó chỉ trong vòng 3 năm, nguồn điện năng lượng tái tạo đã có sự phát triển đột phá, chiếm tỷ trọng khoảng 10% trong cơ cấu nguồn điện, không chỉ thu hút được nguồn vốn lớn từ khu vực kinh tế tư nhân, đóng góp sản lượng không nhỏ về nguồn điện, tạo động lực kinh tế công nghiệp địa phương phát triển, từng bước hình thành ngành công nghiệp năng lượng tái tạo và nhiều lợi ích khác…
Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các nguồn điện theo đúng tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị |
Phát triển nguồn điện, đa dạng hợp lý
Xác định năng lượng là nền tảng xương sống để phát triển kinh tế xã hội của đất nước một cách bền vững trong quá trình hội nhập, vì vậy trong Nghị quyết 55-NQ/TW, Bộ Chính trị đã khẳng định cần ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của cả hệ thống chính trị trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Đối với nguồn điện, Nghị quyết 55 cũng đã đưa ra định hướng khá rõ ràng là phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng; sử dụng nguồn nhiên liệu hoá thạch phù hợp; ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch; điện khí; có lộ trình giảm tỉ trọng điện than một cách hợp lý.
Bám sát quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết, trong quá trình xây dựng Quy hoạch Điện VIII, cơ cấu nguồn mỗi loại cũng đã được nghiên cứu phù hợp với khả năng thực tiễn dựa trên ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức khoa học, chuyên gia và người dân. Theo đó, đã dành ưu tiên cao cho phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, thúc đẩy phát triển các dự án điện khí hóa lỏng LNG và từng bước giảm dần việc phát triển các nhà máy sử dụng than trên toàn quốc.
Trong dự thảo, Bộ Công Thương đã đưa ra chương trình phát triển nguồn điện, kịch bản phát triển nguồn điện lựa chọn đáp ứng tốt tiêu chí an ninh cung cấp điện, thỏa mãn các cam kết với quốc tế về giảm ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất điện với chi phí sản xuất điện thấp, hài hòa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng điện. Đồng thời, đề cập đến 3 nhóm cơ chế và 13 giải pháp thực hiện quy hoạch một cách toàn diện khả thi như cơ chế thu hút vốn đầu tư, huy động vốn và cơ chế đảm bảo vận hành hệ thống điện và thị trường điện khi tích hợp cao nguồn năng lượng tái tạo. Các giải pháp về hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, nguồn vốn, giá điện, bảo vệ môi trường, khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, tổ chức thực hiện…
Cho đến nay, hầu hết các ý kiến đều đồng tình với dự thảo về phát triển nguồn điện của Bộ Công Thương đề xuất, tuy nhiên thời gian qua vẫn có một số tổ chức, cá nhân vẫn còn những quan điểm khác nhau nhưng mang tính “chủ quan”.
Cụ thể, đó là luồng quan điểm cho rằng, Bộ Công Thương vẫn còn “ngập ngừng” trong việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo, điện khí, để gián tiếp mở đường cho nhiệt điện than hay thuỷ điện có cơ hội phát triển. Một số quan điểm gây sự hiểu sai về chủ trương, định hướng trong dư luận nhân dân bằng những từ ngữ như “Không hợp xu thế”, “đi ngược”, “chưa phù hợp”, hay ra sức ủng hộ “năng lượng gió, mặt trời” một cách thái quá; đổ lỗi cho việc xây dựng lưới điện không kịp thời; công tác đầu tư, quản lý vận hành lưới điện chưa hợp lý gây khó khăn cho các nhà đầu tư năng lượng tái tạo…
Trên thực tế, Quy hoạch điện VIII vẫn kiên định với con đường phát triển năng lượng tái tạo một cách phù hợp theo định hướng của Đảng và Nhà nước. Theo dự thảo Quy hoạch, cơ cấu công suất nguồn điện có tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo (bao gồm thủy điện, điện mặt trời, điện gió, sinh khối, điện từ rác thải…) lên tới 43,9% vào năm 2030 và 51,1% vào năm 2045; tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo năm 2030 đạt tới 31,5%, năm 2045 tới trên 36,3%, trong đó điện mặt trời và điện gió có tỷ lệ lần lượt là 11% vào 2030 và 27,2% vào 2045.
Cần nhìn nhận một cách khách quan, khoa học
Việc phát triển nguồn điện cần phải đồng bộ với hệ thống lưới điện truyền tải và hệ thống điện thông minh để tích hợp các nguồn điện khác nhau, không phải ai không biết. Tuy nhiên, để đầu tư hệ thống đó, cần một lượng vốn khổng lồ, mỗi năm hàng chục tỷ đô, trong khi đó nguồn lực của đất nước còn có hạn.
Mặt khác, các nhà đầu tư tư nhân chỉ tham gia đầu tư vào những lĩnh vực nhiều tiềm năng, lợi ích của họ hơn là quan tâm đến các yếu tố xã hội, đặc biệt là giá điện. Rồi vấn đề xã hội hoá lưới điện truyền tải đã từng nêu ra, nhưng nhận được rất ít sự quan tâm của các nhà đầu tư và chỉ có một số ít doanh nghiệp đầu tư thực hiện vài chục km (chiếm tỷ lệ không đáng kể trong hệ thống) để phục vụ chuyển tải tối đa nguồn điện cho chính các nhà máy của họ. Khi nhu cầu tiêu thụ điện không cao, dẫn đến thừa nguồn ở một số thời điểm, phải cắt giảm công suất, một số doanh nghiệp đã vội lên tiếng đổ lỗi cho hệ thống.
Hoặc khi không có cơ chế khuyến khích, nguồn năng lượng tái tạo cả chục năm nằm im, những tiếng nói “hội đồng” đòi hỏi phải có cơ chế. Khi có cơ chế, nguồn năng lượng tái tạo bùng nổ thì lại quay lại mang ý trách cứ “phá vỡ quy hoạch”.
Trong một xã hội dân chủ, văn minh, các ý kiến đồng thuận hay trái chiều là điều cần thiết nhưng phải nhìn vào thực tế và mang tính xây dựng. Năng lượng là an ninh quốc gia, do đó việc phát triển các nguồn điện nói riêng hay cả hệ thống điện nói chung cần xem xét khách quan, toàn diện, khoa học và ở nhiều yếu tố vĩ mô và vi mô. Quan trọng hơn nó phải phù hợp với thực tiễn, đặt lợi ích quốc gia và dân tộc lên trên hết, trước hết; đảm bảo sự phù hợp giữa các vùng miền, tránh để lãng phí nguồn lực xã hội.