Phát triển cây quế hữu cơ: Hướng đi mới giảm nghèo bền vững ở vùng cao Nậm Lúc
Phát huy thế mạnh của cây quế
Tỉnh Lào Cai hiện có tổng diện tích quế đạt 48.580ha. Trong đó tại huyện Bắc Hà có 2.248ha tại 3 xã Nậm Lúc, Bản Cái và Nậm Đét, chiếm 64,1% diện tích quế hữu cơ toàn tỉnh, đặc biệt Nậm lúc là xã mới phát triển cây quế hữ cơ gần 3 năm qua, đã có gần 1.000ha, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống bà con nông dân địa phương.
Nhờ cây quế, đất nghèo Nậm Lúc xưa nay đã chuyển mình mạnh mẽ hình thành trung tâm cụm xã khu vực đông nam hạ huyện Bắc Hà |
Thời gian qua, cây quế đã góp phần xoá đói giảm nghèo, đảm bảo xây dựng nông thôn mới, đảm bảo gắn kết, tạo ra các hợp tác xã để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy huyện Bắc Hà đặt ra mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu mở rộng đạt diện tích 11.025ha tại các xã hạ huyện, trong đó tập trung phát triển vùng quế hữu cơ với diện tích trên 2.700ha, hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia. Gắn phát triển vùng nguyên liệu quế với thu hút, kêu gọi đầu tư các cơ sở chế biến sâu vỏ quế, có giá trị gia tăng cao.
Hiện toàn huyện Bắc Hà có khoảng 8.600ha quế, trong đó diện tích đến thời kỳ thu hoạch hơn 4.000ha; diện tích quế tập trung ở các xã khu vực 12 xã hạ huyện, chủ yêu là xã Nậm Đét, Nậm Lúc, Cốc Lầu, Bản Cái, Cốc Ly, sản lượng thu được 9 tháng đầu năm đạt trên 12.520 tấn, giá trị thu được trên 212,9 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng Phòng nông nghiệp huyện cho biết, tính đến năm 2022, cây quế được trồng tại Bắc Hà đã trải qua gần 50 năm. Đặc biệt, vùng nguyên liệu quế hữu cơ đã được công nhận là 2.248ha/3 xã (Nậm Lúc, Bản Cái, Nậm Đét), chiếm 64,1% diện tích quế hữu cơ toàn tỉnh. Có thể khẳng định, cây quế mang lại sự đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội các xã vùng thấp huyện Bắc Hà. Dự kiến đến hết năm 2022, sản lượng đạt 17.887 tấn, giá trị thu được từ quế đạt 304 tỷ đồng, chiếm 24,9% tổng giá trị ngành nông nghiệp. Đây là nguồn thu nhập rất lớn cho các hộ nông dân, không chỉ giúp bà con thoát nghèo, mà còn trở lên giàu có và không ít hộ thành tỷ phú.
Nậm Lúc là xã vùng III, khu vực hạ huyện, cách trung tâm huyện Bắc Hà 36km, có tổng diện tích tự nhiên 6.007,15ha, trong đó đất nông nghiệp 4.534,72ha; đất lâm nghiệp 2.190,2ha; đất phi nông nghiệp 156,76ha. Đến tháng 8/2022, dân số toàn xã 718 hộ với 3.509 nhân khẩu, thuộc 4 dân tộc Mông, Dao, Tày, Kinh. Hiện nay đây là xã điển hình tiêu biểu trong phát triển cây quế hữu cơ ở Bắc Hà.
Ông Sầm Phượng Long, Chủ tịch UBND xã Nậm Lúc cho biết, đến nay xã Nậm Lúc đã phấn đấu hoàn thành 14/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó đã sớm hoàn thành tiêu chí số 10 về thu nhập - một tiêu chí khó đối với các xã vùng cao. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 37,860 triệu đồng/người/năm, tăng gần 13 triệu đồng so với năm 2020. Đây thực sự là thành tích đáng tự hào với Nậm Lúc và để có kết quả này, xã đã biết khai thác tiềm năng, thế mạnh từ cây quế.
Bắt đầu từ nhiệm kỳ 2010 - 2015, xã Nậm Lúc đã xây dựng và triển khai Nghị quyết về phát triển cây quế và cao điểm là trong 2 năm 2014 - 2015, từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung tâm khuyến nông quốc gia, xã Nậm lúc đã trồng mới hơn 400ha cây quế; đến nhiệm kỳ 2015 - 2020, cây quế được coi là cây chủ lực giảm nghèo và thông qua thực hiện nghị quyết về phát triển cây quế, xã Nậm lúc đã trồng mới 929ha quế, hiện tổng diện tích quế 1.915ha.
Người dân thoát nghèo nhờ cây trồng giá trị
Nhiệm kỳ mới 2020 - 2025, xã Nậm Lúc tập trung phát triển cây quế hữu cơ, gắn với giao đất giao rừng cho nhân dân nhận khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng, phấn đấu trồng mới trên 400ha và ngay trong 2 năm đầu thực hiện Nghị quyết, bà con nhân dân trong xã đã trồng mới 800ha quế, nâng tổng diện tích quế toàn xã lên 2.800ha. Trong 9 tháng năm 2022, bà con nhân dân trong xã đã trồng mới 70ha quế; trong đó có 923,5 ha quế hữu cơ; đến nay Nậm Lúc đã trở thành xã trọng điểm thứ 2 sau Nậm Đét trồng nhiều diện tích cây quế nói chung và quế hữu cơ ở khu vực hạ huyện.
Khắp các nương đồi, ven các con đường đến các thôn, bản của xã vùng cao Nậm Lúc được phủ xanh bởi cây quế |
Hiện trên địa bàn xã Nậm Lúc có 01 hợp tác xã và 13 tổ hợp tác trồng quế tại 10/10 thôn, với 451 thành viên. Hoạt động của hợp tác xã và tổ hợp tác góp phần hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, giúp nhau giảm nghèo bền vững, phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, chủ động liên kết với doanh nghiệp thu mua sản phẩm cho người dân.
Thôn Nậm Kha 2 xã Nậm Lúc có 127 hộ với 591 khẩu, trong đó dân tộc Mông có 25 hộ, dân tộc Dao 71 hộ, còn lại là dân tộc Kinh. Đây cũng là điểm sáng phát triển kinh tế, giảm nghèo. Ông Trương Văn Tim, trưởng thôn Nậm Kha 2, xã Nậm Lúc tự hào cho biết; “Thời gian qua được Nhà nước quan tâm đầu tư, nhất là hỗ trợ giống quế, lúa lai, phân bón cho hộ nghèo có điều kiện vươn lên. Hiện trong thôn chủ yếu trồng cây quế hữu cơ là chủ lực giảm nghèo với diện tích hơn 200ha đã và đang cho thu hoạch đem lại nguồn thu cao, ổn định cho nhân dân”.
Gia đình anh Đặng Văn Tiếp, dân tộc Dao, thôn Nậm Kha 2 có hơn 2ha quế. Trước đây, gia đình và các hộ trong thôn thường phun thuốc trừ cỏ để giảm tiền thuê nhân công. Tuy nhiên, khoảng 3 năm nay, gia đình không phun thuốc trừ cỏ cho quế, thay vào đó là phát dọn thủ công. Anh Tiếp bộc bạch: Sau khi được tuyên truyền, hướng dẫn làm quế hữ cơ, chúng tôi ý thức được tác hại của thuốc diệt cỏ nên không sử dụng nữa. Thay vào đó, nhà nào cũng tự trang bị một máy phát cỏ cầm tay. Làm như vậy vừa tốt cho môi trường, không ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình, cộng đồng, lại nâng cao chất lượng sản phẩm quế.
Cũng từ năm 2018 đến nay, gia đình anh Tiếp đầu tư làm vườn ươm quế giống, trung bình mỗi năm gieo ươm trên 5 vạn bầu quế giống, xuất bán cho bà con trong thôn, xã. Nhờ trồng quế hữu cơ và gieo ươm giống quế, gia đình anh Tiếp thoát nghèo vươn lên khá giả trong thôn.
Nhờ có nguồn thu lớn từ cây quế người Mông, Dao, Tày, vùng cao Nậm Lúc có điều kiện đóng góp xây dựng nông thôn mới, đổ bê tông đường giao thông nông thôn |
Phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng mà trọng tâm là cây quế gắn với phong trào nông dân thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, giúp nhau thoát nghèo ngày một tạo sự lan tỏa sâu rộng ở vùng đất này. Qua đó ngày một xuất hiện thêm nhiều tấm gương sáng trở thành triệu phú từ cây quế, tích cực giúp dân thoát nghèo vươn lên và gia đình anh Trần Văn Tú, thôn Nậm Kha 1, xã Nậm Lúc - được công nhận, tôn vinh hộ sản xuất và kinh doanh giỏi tiêu biểu của huyện Bắc Hà, giai đoạn 2015- 2020 là một điển hình tiêu biểu khi đã nỗ lực vươn lên từ đôi bàn tay lao động chân chính, trồng quế và kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông - lâm sản, có nhiều đóng góp cho phong trào phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Anh Trần Văn Tú cho biết; “Những năm đầu khi mới gây dựng gia đình chủ yếu trồng sắn, thu nhập hạn chế, bắt đầu từ những năm 2010 trở đi, gia đình mình tập trung trồng quế. Hiện nhà có hơn 20ha cây quế đã và đang cho thu hoạch, hơn 6 năm qua thu hoạch, có năm thu 500 - 700 triệu đồng, còn lại, mỗi năm thu hoạch tỉa 300 - 400 triệu đồng. Khi có điều kiện, mình mở đại lý kinh doanh nông - lâm sản, cung ứng phân bón, thu mua sản phẩm quế. Đối với hộ nghèo, mình cho vay vốn không lấy lãi, cho mua phân bón trả chậm không tính lãi để bà con có điều kiện vươn lên”.
Cây quế đã và đang khẳng định là cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần giảm nghèo và làm giàu ở địa phương này. Đặc biệt, trong những năm gần đây, người dân trong xã đã thực hiện quy trình sản xuất quế hữu cơ, từ đó nâng cao giá trị cây quế cũng như sản phẩm quế của địa phương. Năm 2020, người dân trong xã thu từ quế hơn 24 tỷ đồng, tăng hơn 6 tỷ đồng; 9 tháng năm 2022, thu nhập các sản phẩm từ quế 17,334 tỷ đồng.
Nhờ cây quế, Nậm Lúc đã sớm hoàn thành tiêu chí thu nhập năm 2020 khi thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 36,860 triệu đồng/người/năm, năm 2022 dự kiến đạt trên 38 triệu đồng/người/năm. Đây thực sự là thành tích đáng tự hào với Nậm Lúc và để có kết quả này, xã đã biết khai thác tiềm năng, thế mạnh từ cây quế.
Ông Sầm Phượng Long, Chủ tịch UBND xã Nậm Lúc tự hào bảo Nậm Lúc đã và đang thực sự thành công từ phát triển vùng chuyên canh cây quế hữu cơ và trong thời gian tới, không chỉ tập trung nâng cao chất lượng vùng quế thông qua phát triển cây quế hữu cơ, xã Nậm Lúc còn chủ động phát triển các mô hình kinh tế mới phù hợp dưới tán rừng quế; phát triển chăn nuôi nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế đồi rừng.