Trước đó, trên trang web của công ty TNHH 24Hmoney ông Đỗ Cao Bảo chia sẻ: Thực tế hàng hoá bán trên sàn Temu không có gì mới, nó vẫn là các hàng hoá đang bán trên các sàn thương mại điện tử ở Việt Nam từ nhiều năm nay.
Temu đang chi rất nhiều tiền cho truyền thông
Từ 10 năm trước các tiểu thương Việt Nam đã chào bán các mặt hàng tương tự trên các sàn Lazada, Tiki, Sendo, họ mua hàng từ Quảng Châu, Thâm Quyến, Thượng Hải (Trung Quốc) về. Cỡ 5 năm gần đây Lazada (Alibaba), Shopee bắt đầu xây dựng hệ thống logistics xuyên biên giới để các nhà sản xuất, bán lẻ Trung Quốc bán thẳng cho người tiêu dùng Việt Nam trên các sàn thương mại điện tử của mình (một hai năm gần đây có thêm TikTok và Shein).
Ông Đỗ Cao Bảo - Thành viên HĐQT Tập đoàn FPT (Ảnh: ĐCB) |
Ông cho rằng, về bản chất Temu là một sàn thương mại điện tử với hệ thống logistics xuyên biên giới, hàng hoá trên Temu giống như hàng hoá trên Lazada, Shopee, TikTok, Shein. Mô hình kinh doanh của Temu cũng giống như Lazada, Shopee, TikTok, Shein, cũng chỉ là cái chợ, là nơi người bán người mua thực hiện các giao dịch mua bán online mà thôi.
“Khác biệt lớn nhất của Temu là hàng hoá bán trên Temu chỉ dành cho các nhà sản xuất, không dành cho các nhà phân phối, bán lẻ”- ông Bảo nhấn mạnh.
Khác biệt tiếp theo là truyền thông, luật pháp và nộp thuế. Temu đang chi rất nhiều tiền cho truyền thông để tạo ra cơn sốt Temu, cú sốc Temu, bất chấp việc chưa làm thủ tục kinh doanh ở Việt Nam, không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Việt Nam.
“Chắc chắn các cơ quan chức năng, ngành thuế sẽ yêu cầu Temu tuân thủ luật pháp, đăng ký kinh doanh ở Việt Nam, các cơ quan chức năng bắt buộc các hãng bán hàng trên Temu phải khai báo và nộp thuế VAT, thuế nhập khẩu và các loại thuế, phí khác theo luật pháp Việt Nam”- ông Bảo khẳng định.
Hệ lụy từ hàng giá rẻ
Các chuyên gia kinh tế đã thẳng thắn chỉ ra hàng hóa trên Temu, Shein, 1688 xuyên biên giới tràn vào Việt Nam thường có giá thành rất thấp do có nhiều lợi thế từ quy mô sản xuất, công nghệ, logistics... nên khó có doanh nghiệp trong nước nào có thể cạnh tranh được về giá.
Hệ lụy tiếp theo, các doanh nghiệp trong nước buộc phải giảm giá để thu hút khách hàng nhưng đồng nghĩa lợi nhuận giảm sút, thậm chí bán hàng dưới giá thành. Khi lợi nhuận bị thu hẹp, bào mòn, doanh nghiệp khó có thể trụ vững trên thị trường, thậm chí phá sản, người lao động mất việc, ảnh hưởng rất lớn đến nhiều vấn đề kinh tế - xã hội.
Quy mô của thị trường thương mại điện tử của Việt Nam tăng cao trong những năm gần đây (Ảnh minh họa) |
Chưa kể không phải tất cả sản phẩm bán trên các sàn thương mại điện tử đều đảm bảo chất lượng. Việc mua quá nhiều hàng giá rẻ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ có thể gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng.
Các sàn thương mại điện tử được xem là hệ thống phân phối quan trọng cho doanh nghiệp. Hệ thống thương mại lớn mạnh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhanh hơn.
Nhưng với việc các sàn thương mại điện tử nước ngoài đang “làm mưa, làm gió” trên thị trường Việt Nam, cũng như doanh nghiệp Việt dần mất lợi thế bán hàng vì chiến lược hàng giá rẻ của doanh nghiệp ngoại bán hàng xuyên biên giới, về lâu về dài sẽ tác động không hề nhỏ đến hàng hóa sản xuất trong nước.
Vào cuối tuần qua, Bộ Công Thương đã ban hành Văn bản 8598/BCT-TMĐT ngày 26-10/2024 chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử. Trong đó nhấn mạnh sẽ nghiên cứu các phương án giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu lưu thông qua các sàn thương mại điện tử chưa tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” để thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt, thúc đẩy sản xuất trong nước.
Ở góc độ khác, các công ty Việt Nam cần có sự chủ động để bảo vệ mình trước sự cạnh tranh khốc liệt từ các sàn thương mại điện tử bán hàng hóa giá rẻ xuyên biên giới. Chẳng hạn, doanh nghiệp phải không ngừng cải tiến sản phẩm, tạo ra những sản phẩm có tính năng, mẫu mã độc đáo, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng, cũng như tạo dựng một thương hiệu mạnh, gắn liền với những giá trị cốt lõi, chất lượng và uy tín.
Đồng thời áp dụng công nghệ để tối ưu hóa quy trình sản xuất, phân phối, giảm chi phí, xây dựng website bán hàng chuyên nghiệp, tích hợp các tính năng thanh toán trực tuyến, giao hàng nhanh chóng.
Việc bảo vệ nền kinh tế trước cơn lốc hàng giá rẻ là một vấn đề cấp bách, đòi hỏi sự chung tay của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chỉ khi có những giải pháp toàn diện và hiệu quả mới có thể bảo vệ nền kinh tế, bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt phát triển bền vững.