Lĩnh vực xuất nhập khẩu
Trên tạp chí Vnbusiness có bài: "Giá gạo tăng vọt tại Nhật Bản, cơ hội cho gạo Việt?"
Theo Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, giá trung bình của 5 kg gạo được bán từ ngày 24 - 30/03 tại các siêu thị trên toàn quốc của nước này đã tăng trong tuần thứ 13 liên tiếp, lên mức 4.206 Yên. Con số này cao gấp hai lần so với cùng kỳ năm ngoái.
![]() |
Giá gạo tại Nhật tăng cao gấp hai lần so với cùng kỳ năm ngoái. |
Thực trạng này diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Nhật Bản đã tổ chức 2 cuộc đấu giá gạo với tổng số 212.000 tấn thuộc kho dự trữ chiến lược, tương đương khoảng 1/5 kho dự trữ, và những bao gạo dự trữ đầu tiên này đã chính thức được bày bán trên các kệ tại các siêu thị từ cuối tháng 3 vừa qua.
Báo An ninh Thủ đô đăng tải thông tin: "Mỹ áp thuế cao, nông nghiệp Việt vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu 70 tỷ USD".
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy vừa ký ban hành kế hoạch hành động và mục tiêu phát triển của ngành năm 2025.
Theo đó, Bộ này phấn đấu cả năm nay giá trị gia tăng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4% trở lên.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2025 đạt 65 tỷ USD (cao hơn năm trước 2,5 tỷ USD), phấn đấu đạt 70 tỷ USD.
Một trong 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được Bộ Nông nghiệp và Môi trường đặt ra để hoàn thành mục tiêu đề ra là thúc đẩy phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đối với thị trường xuất khẩu, bộ sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường, đàm phán để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào thị trường truyền thống, các thị trường có tổng kim ngạch xuất khẩu lớn như Trung Quốc, Mỹ, EU, Nga, Brazil, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như thị trường thực phẩm Halal của các nước Hồi giáo, Trung Đông, châu Phi... với phương châm đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, góp phần từng bước giảm xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới phía Bắc…
Trên Báo Đầu tư ra ngày 9/4 có bài: "Kiểm soát chặt xuất xứ hàng hoá, tăng tốc tìm thị trường mới".
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã chỉ đạo Bộ Công Thương kiểm soát chặt chẽ xuất xứ hàng hoá, khai tăng tốc khai mở các thị trường xuất khẩu mới tại cuộc họp của Tổ công tác về tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Mỹ.
Ông đề nghị các thành viên của Tổ công tác và các cơ quan liên quan tiếp tục các biện pháp ngoại giao trên các kênh khác nhau để tác động tới các cơ quan của Mỹ có giải pháp phù hợp điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam và quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
![]() |
Bộ Công Thương được yêu cầu kiểm soát chặt xuất xứ hàng hóa, khai mở thị trường xuất khẩu mới. |
Liên quan đến thuế, Phó thủ tướng giao Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, hoàn thiện phương án giảm thuế nhập khẩu. Đồng thời phối hợp với các bộ, ngành trong việc xây dựng thỏa thuận song phương với Mỹ theo hướng nâng cấp Hiệp định thương mại song phương (BTA), trong đó có bổ sung nội dung về thuế và sở hữu trí tuệ.
"Đối với vấn đề phi thuế quan, các bộ, ngành được giao nhiệm vụ rà soát các quy định của pháp luật. Những nội dung bất hợp lý, dù áp dụng cho doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài, cần được xem xét loại bỏ, hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền loại bỏ", Phó thủ tướng yêu cầu.
Lĩnh vực phòng vệ thương mại
Trên báo Quân đội nhân dân ngày 7/4 đăng tải thông tin: "Hoa Kỳ áp thuế đối ứng 46%: Việt Nam ứng phó ra sao?"
Lắng nghe ý kiến tham vấn từ các doanh nghiệp; giảm thuế đối với một số nhóm mặt hàng, ngành hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam, rà soát để xem xét, gỡ bỏ các rào cản kỹ thuật; ứng phó với vấn đề chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; tăng cường nhập khẩu hàng hóa xuất xứ từ Hoa Kỳ… hàng loạt biện pháp Việt Nam đã và đang tích cực triển khai, nhằm sớm tìm được tiếng nói chung trong giải quyết vấn đề áp thuế nhập khẩu hàng hóa.
Lĩnh vực cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng
Trên tạp chí VnEconomy có bài: "Chuyển đổi xanh là "cuộc đua tiếp sức" của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị".
Với các doanh nghiệp, chuyển đổi xanh không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là yếu tố quyết định sự sống còn trong bối cảnh mới. Đánh giá về sự vào cuộc chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay tại một tọa đàm mới đây, TS. Nguyễn Quốc Việt, Giảng viên trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, khẳng định rằng với các doanh nghiệp Việt Nam, đây không còn là vấn đề nhìn nhận, do dự mà phải bắt buộc, thích ứng chuyển đổi. Nói cách khác đây là cuộc đua của tất cả các doanh nghiệp.
“Đây không phải cuộc đua cạnh tranh lẫn nhau trong nền kinh tế thị trường, mà với một tính chất mới, là cuộc đua tiếp sức giữa các thành phần kinh tế, giữa các doanh nghiệp khác nhau trong một chuỗi giá trị”, TS. Việt nói.
Đây cũng là cuộc đua tiếp sức của các cơ quan hoạch định chính sách, của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, của các nhà nghiên cứu khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học cùng hỗ trợ.
Trên báo Dân trí đăng tải thông tin: "Giá vé máy bay đến TP. Hồ Chí Minh tăng mạnh đợt nghỉ lễ 30/4".
Theo khảo sát của phóng viên báo Dân trí, các chặng bay đến TP. Hồ Chí Minh cũng tăng giá mạnh. Chặng Hà Nội đến TP. Hồ Chí Minh ngày 30/4, Vietnam Airlines báo giá vé rẻ nhất 3,7 triệu đồng, tăng 37% so với ngày trước đó.
Đối với Vietjet Air, chặng bay trên có giá 1,44 triệu đồng (chưa bao gồm thuế, phí) vào ngày 30/4, giảm 37% so với ngày trước đó. Giá vé ngày 29/4 mới là "cao điểm" của hãng này, tăng 60% và cũng là giá cao nhất trong 20 ngày cuối tháng 4.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, các hãng trong nước dự kiến thực hiện 7.536 chuyến bay, cung ứng khoảng 1,5 triệu ghế với trung bình 685 chuyến mỗi ngày, tăng hơn 20% so với ngày thường và cùng kỳ năm trước.