Nông sản Sơn La về Hà Nội: Cần những doanh nghiệp “đầu tàu”
Nông sản Sơn La được chào đón
Hà Nội được coi là thị trường hấp dẫn của nông sản vùng miền, với nhu cầu tiêu thụ 50 - 60% sản phẩm từ các địa phương khác. Những năm qua, để đáp ứng nhu cầu, Hà Nội đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nhiều địa phương như Ninh Bình, Nam Định, Sơn La…
So với nhiều địa phương khác, nông sản của Sơn La được người tiêu dùng Thủ đô dành khá nhiều thiện cảm. Bằng chứng là 2 kỳ Tuần hàng Sơn La tại Hà Nội được tổ chức trong năm 2016 đã thu hút rất đông người tiêu dùng; lượng hàng hóa được tiêu thụ tương đối khả quan, đặc biệt là các sản phẩm như mật ong, đồ khô, rau, củ, quả sạch, thủy sản… Ngoài ra, Sơn La còn có nhiều đặc sản được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến là chè, sữa bò Mộc Châu…
Nhận thức được tiềm năng của nông sản an toàn Sơn La, nhiều DN Hà Nội đã ký kết những hợp đồng lớn nhằm tiêu thụ các sản phẩm trong hệ thống siêu thị Hà Nội như Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) ký kết tiêu thụ quả táo mèo làm rượu với giá trị 200 – 300 triệu đồng/năm; tiêu thụ chè xanh, chè đen của hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hà Anh với giá trị 1 tỷ đồng/năm; Công ty CP Nhất Nam kết nối tiêu thụ rau, củ, quả an toàn của HTX rau an toàn Tự Nhiên - Mộc Châu… Tuy vậy, sản lượng này chưa thấm vào đâu so với tiềm năng lớn của Sơn La cũng như nhu cầu của người dân Thủ đô.
Xây dựng những DN “đầu tàu”
Tiềm năng lớn, nhu cầu của người tiêu dùng khá cao nhưng theo các chuyên gia, nông sản Sơn La chưa “chắc chân” ở thị trường Hà Nội là người tiêu dùng còn khó khăn trong phân biệt sản phẩm chính gốc. Bên cạnh đó, nông sản Sơn La chủ yếu được sản xuất bởi các hộ gia đình, HTX quy mô nhỏ, sản lượng bấp bênh, khó đáp ứng được các đơn hàng lớn khi có nhu cầu.
Theo ông Ngô Đại Ngọc - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, để đưa nông sản Sơn La về Hà Nội tiêu thụ ổn định, lâu dài, cần phải xây dựng được quy trình sản xuất nông sản theo hướng áp dụng khoa học công nghệ, bảo đảm an toàn, chất lượng; áp dụng công nghệ đóng gói giúp người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng Thủ đô. Muốn làm được điều này, cần có được những DN đủ mạnh, có vai trò dẫn dắt, là đầu mối thu gom sản phẩm, định hướng người nông dân sản xuất theo nhu cầu thị trường cũng như kết nối với các kênh phân phối của Thủ đô.
Đại diện Hapro cho biết thêm, Sơn La cần chọn ra một số sản phẩm nông sản tiêu biểu, mang đặc trưng riêng để giới thiệu với người tiêu dùng Thủ đô. Hapro sẽ hỗ trợ tối đa Sơn La trong việc quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm này thông qua hệ thống siêu thị của Hapro trên địa bàn Thủ đô.
Thời gian tới, Sơn La định hướng xây dựng mô hình du lịch sinh thái, trong đó gắn kết các điểm du lịch nổi tiếng của Sơn La như Mộc Châu, Vân Hồ với các trang trại nông sản thực phẩm sạch... để quảng bá nông sản an toàn đến với khách du lịch. |