Ninh Thuận: Hướng tới trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của đất nước
Ninh Thuận được biết đến là vùng đất “thiếu mưa, thừa nắng và gió” quanh năm. Điều kiện khí hậu khắc nghiệt này giúp Ninh Thuận có được tiềm năng vô tận về năng lượng tái tạo.
Phát huy tiềm năng thế mạnh
Theo đánh giá của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tỉnh Ninh Thuận có tiềm năng dồi dào về nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng gió cả trên bờ, ven bờ và ngoài khơi; đồng thời có tiềm năng lớn nhất cả nước về thủy điện tích năng. Đây là yếu tố rất đặc hữu làm gia tăng giá trị của trung tâm năng lượng tái tạo mà không nơi nào có được tại Việt Nam.
Theo đó, tốc độ gió đạt từ 6,4-9,6m/giây (trung bình đạt 7,5m/s), lớn hơn so với cả nước, lượng gió thổi đều trong suốt 10 tháng, là điều kiện thuận lợi bảo đảm ổn định cho tuabin gió phát điện. Còn lượng bức xạ mặt trời từ 1.780 đến 2.015kWh/m2/năm; sự chênh lệch bức xạ giữa các mùa trong năm không nhiều; tổng số giờ nắng trong năm đạt từ 2.500 đến 3.100 giờ/năm, cao nhất cả nước, rất thuận lợi để phát triển hiệu quả các dự án điện mặt trời.
tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều quyết sách đúng đắn để thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo |
Với chính sách khuyến khích các loại hình điện năng lượng tái tạo và nhất là Nghị quyết số 115/NQ/CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ về một số cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế-xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023, trong đó Chính phủ chấp thuận chủ trương phát triển tỉnh Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước (điện gió, điện mặt trời), tạo điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển ngành kinh tế này.
Trong giai đoạn từ 2021-2030 và những năm tiếp theo, tỉnh Ninh Thuận xác định phát triển năng lượng là nhiệm vụ trọng tâm, tạo nguồn thu chiếm tỷ trọng lớn cho ngân sách tỉnh.
Những quyết sách táo bạo
Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tỉnh Ninh Thuận đã có bước đi táo bạo gắn với nhiều quyết sách đúng đắn để thu hút đầu tư.
Hiện nay, tỉnh Ninh Thuận là một trong những địa phương cơ bản đã lập đầy đủ quy hoạch phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và thu hút đầu tư phát triển nhiều dự án. Mục tiêu đến năm 2025, tổng công suất tăng thêm khoảng 3.000MW để đạt công suất tích lũy 6.500MW (điện mặt trời 3.440MW, điện gió trên bờ và gần bờ 1.200MW, thủy điện 360MW, điện khí thiên nhiên hóa lỏng-LNG 1.500MW); sản lượng điện sản xuất đạt gần 11,2 tỷ kWh.
Kế hoạch đến năm 2025, tỉnh Ninh Thuận cơ bản thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước. Trong đó, ngành năng lượng, năng lượng tái tạo đóng góp 22% GRDP và 29% tổng thu ngân sách của tỉnh; giải quyết 5,5% nhu cầu việc làm trong 4 ngành kinh tế trọng điểm; đạt 9-10% công suất lắp đặt trong cơ cấu toàn quốc; tiêu thụ đạt 20% sản lượng điện toàn tỉnh. Hạ tầng năng lượng phát triển đồng bộ, hiện đại, có khả năng kết nối cao với hệ thống lưới điện khu vực, quốc gia, phù hợp với định hướng phát triển quy hoạch và đáp ứng hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Thuận.
Đến năm 2030, điện gió trên đất liền phát triển khoảng 1.429MW; điện gió ven biển khoảng 4.380MW; điện gió ngoài khơi khoảng 2.000MW và đến năm 2045 phát triển khoảng 21.000MW; điện mặt trời khoảng 8.448MW. Cùng với đó, tỉnh Ninh Thuận cũng lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất của cấp huyện, thành phố đến năm 2030, trong đó có phân bổ quỹ đất để phát triển các dự án năng lượng tái tạo với tổng diện tích 8.146ha...
Nhờ đó, những năm qua, vùng đất “tiểu sa mạc” đã thu hút mạnh mẽ các “sếu đầu đàn” trong và ngoài nước đến đầu tư khai thác phát triển năng lượng tái tạo, từng bước trở thành địa phương thuộc nhóm đứng đầu cả nước về phát triển năng lượng tái tạo với tổng công suất lắp đặt 3.475 MW.
Theo Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận, tính đến tháng 4/2023, tỉnh Ninh Thuận đã kêu gọi đầu tư 46 dự án với tổng công suất khoảng 3.079MW (35 dự án điện mặt trời, tổng công suất khoảng 2.412MW và 11 dự án điện gió, tổng công suất khoảng 667MW). Sự phát triển điện gió, điện mặt trời đã góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương chuyển biến mạnh mẽ. Chỉ tính riêng 3 năm gần đây, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng lần lượt so với các năm trước, năm 2020: 39,4%; năm 2021: 24,6%; năm 2022: 9,3%. Hằng năm, Ninh Thuận đóng góp sản lượng điện vào hệ thống lưới điện quốc gia đều tăng, năm 2020 khoảng 6 tỷ kWh; năm 2021 đạt 6,822 tỷ kWh, năm 2022 gần 7 tỷ kWh.
Dự báo nhu cầu năng lượng quốc gia trong những năm tới sẽ tăng cao, nguy cơ thiếu điện càng cao. Vì vậy việc ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo cho khu vực có tiềm năng lợi thế lớn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận là thật sự cần thiết và luôn mang tính thời sự; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Thuận, tăng nguồn thu ngăn sách tỉnh, từng bước tự cân đối ngân sách địa phương.
Đồng thời, nguồn điện từ năng lượng tái tạo của Ninh Thuận cũng sẽ góp phần giải bài toán an ninh năng lượng quốc gia, góp phần hiện thực hóa mục tiêu Net Zero vào năm 2050 theo cam kết tại COP 26.