Lịch sử hình thành, sáp nhập tỉnh Bình Thuận Ninh Thuận quyết tâm đẩy nhanh tiến độ dự án điện hạt nhân Ông Đỗ Hữu Huy được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận |
Tỉnh sở hữu gần 300km đường bờ biển
Tỉnh Thuận Hải được thành lập tháng 2/1976, hợp nhất từ ba tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, và Bình Tuy (địa danh Bình Tuy là phần đất rộng lớn phía Tây Nam của tỉnh Bình Thuận ngày nay tồn tại trong thời gian 20 năm (1956 - 1976). Tỉnh lỵ của tỉnh Thuận Hải ban đầu là thị xã Phan Rang, cho đến tháng 4/1977 thì chuyển qua thị xã Phan Thiết.
![]() |
Ninh Thuận và Bình Thuận cùng có di sản văn hoá Chăm, văn hoá Raglai. Ảnh: UBND tỉnh Bình Thuận |
Ninh Thuận có bờ biển dài hơn 105 km, nằm trung tâm vùng nước trồi với đa dạng chủng, loài hải sản, được thiên nhiên ban tặng nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng về sinh học và nhiều thắng cảnh nổi tiếng như: Bãi biển Bình Sơn - Ninh Chữ, Bình Tiên, Mũi Dinh, Cà Ná...
Bình Thuận có biển dài 192 km kéo dài từ mũi Đá Chẹt giáp Cà Ná thuộc tỉnh Ninh Thuận đến bãi bồi Bình Châu thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Như vậy, tỉnh Thuận Hải xưa có đường bờ biển dài 297km.
Về địa lý, tỉnh Thuận Hải có đặc điểm phía Bắc tiếp giáp tỉnh Khánh Hòa, phía Nam và đông tiếp giáp biển Đông, phía Tây tiếp giáp tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đồng Nai.
Năm 1982, huyện Bắc Bình được chia thành hai huyện mới là Bắc Bình và Tuy Phong, huyện Đức Linh cũng được tách thành Đức Linh và Tánh Linh; huyện Hàm Thuận được phân chia thành Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam.
Kể từ đó, tỉnh Thuận Hải gồm 2 thị xã là Phan Rang – Tháp Chàm và Phan Thiết (tỉnh lị) cùng với 11 huyện: Bắc Bình, Đức Linh, Hàm Tân, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Ninh Hải, Ninh Phước, Ninh Sơn, Phú Quý, Tánh Linh, Tuy Phong.
![]() |
Tỉnh Thuận Hải được thành lập tháng 2/1976, hợp nhất từ ba tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, và Bình Tuy. Ảnh: UBND tỉnh Bình Thuận |
Theo Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII kỳ họp thứ 10 ngày 26/12/1991 chia tỉnh Thuận Hải thành hai tỉnh lấy tên là Ninh Thuận và Bình Thuận. Hai tỉnh này đi vào hoạt động từ tháng 4/1992.
Lúc mới tái lập, tỉnh Ninh Thuận có 4 đơn vị hành chính gồm: Thị xã Phan Rang - Tháp Chàm, 3 huyện: Ninh Sơn, Ninh Hải, Ninh Phước. Tỉnh lỵ là thị xã Phan Rang - Tháp Chàm.
Tỉnh Bình Thuận có 9 đơn vị hành chính là: Thị xã Phan Thiết, 8 huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh, Phú Quý. Tỉnh lỵ là thị xã Phan Thiết.
Phú Quý là huyện đảo thuộc tỉnh Bình Thuận, cách Phan Thiết khoảng 56 hải lý (hơn 100km) về hướng Đông Nam, cách quần đảo Trường Sa 540 km về hướng Tây Nam và cách Hoàng Sa khoảng 725 km.
Phú Quý được thiên nhiên ưu đãi không chỉ về tài nguyên, danh lam thắng cảnh với những bãi biển, những dãy đá san hô, những cụm đá đen nhấp nhô trên biển và khí hậu trong lành mát mẻ quanh năm, một ngư trường trù phú với nhiều hải đặc sản quý hiếm mà trên đảo còn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật độc đáo.
Nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng
Hiện Bình Thuận và Ninh Thuận cùng có những sản phẩm du lịch đặc trưng như: biển, rừng, di sản văn hoá Chăm, văn hoá Raglai… để thúc đẩy kinh tế.
Đồng thời, Ninh Thuận và Bình Thuận là 2 địa phương thuộc cụm tứ giác phát triển du lịch. Hai tỉnh có tài nguyên thiên nhiên, văn hóa khá đa dạng và khác biệt so với các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước.
![]() |
Ninh Thuận có diện tích trồng nho lớn nhất cả nước. Ảnh: UBND tỉnh Ninh Thuận |
Do vậy, khi liên kết, hợp tác sẽ tạo thành điểm đến có chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn, khác biệt, có sức cạnh tranh cao.
Ngoài ra, Bình Thuận được biết đến là một trong những vùng trồng nhiều thanh long nhất cả nước, với diện tích gần 30.000ha, sản lượng đạt hơn 600.000 tấn mỗi năm. Thanh long được trồng tập trung ở các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình. Đây là sản phẩm quan trọng giúp nâng cao thu nhập cho nông dân, tăng nguồn thu ngân sách địa phương.
Còn Ninh Thuận là tỉnh có khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng quanh năm, nhưng sự khắc nghiệt của vùng đất này lại là lợi thế phát triển cho cây nho. Ninh Thuận có diện tích trồng nho lớn nhất cả nước, tập trung ở các huyện Ninh Phước, Thuận Nam.
Năm 2024, diện tích trồng nho trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đạt hơn 1.200 ha. Mỗi năm tỉnh Ninh Thuận cung ứng cho thị trường khoảng 30.000 tấn nho tươi. Sản phẩm nho Ninh Thuận cũng đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý vào năm 2012.