Nhìn lại thị trường thương mại điện tử 2022: Năm bước ngoặt cho tăng trưởng bền vững
Sau sự bùng nổ của thị trường thương mại điện tử Việt Nam giai đoạn năm 2020-2021, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử trong năm 2022 đang dần bình ổn lại. Trước tình hình đó, bài toán cạnh tranh của các doanh nghiệp thương mại điện tử sẽ ra sao và ai sẽ là người trụ lại trên đường đua này?
Cú “hãm đà” mang tên lạm phát
Theo báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á lần thứ 7 với chủ đề “Vượt qua sóng cả, vươn mình ra biển cơ hội”, được Google, Temasek và Bain & Company công bố vào tháng 10/2022 cho thấy, nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa dự kiến tăng 28%, từ 18 tỷ USD trong năm 2021 lên 23 tỷ USD. Trong đó, thương mại điện tử có đóng góp lớn với tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực (tăng 26%) so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, hệ quả từ tình cảnh kinh tế chung khi lạm phát đang ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ vừa qua (theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed) đã khiến sức tăng trưởng của thương mại điện tử chậm lại, giá trị doanh thu trên toàn thế giới chỉ tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Hơn nữa, sau một giai đoạn tăng trưởng nhanh trong giai đoạn giãn cách xã hội, tốc độ phát triển của thương mại điện tử đang được điều chỉnh lại phù hợp với tình hình thực tế.
Khi mà toàn bộ guồng máy của thị trường thương mại điện tử đang dần lấy lại được nhịp ổn định, thì những doanh nghiệp đang dồn sức tăng trưởng nóng tất nhiên sẽ bị lỡ trớn và hụt hơi – đó cũng chính là bức tranh chung của nhiều doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam và trên toàn cầu. Không còn chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng, tình trạng lạm phát cao và lãi suất tăng nhanh chóng đẩy nhiều công ty công nghệ đứng trước nguy cơ khủng hoảng tài chính. Chỉ trong vài tháng qua, không ít doanh nghiệp đã thông báo cắt giảm hoặc đóng băng tuyển dụng, thậm chí “rút quân” khỏi một số thị trường.
Nhiều chuyên gia nhận định, sau Covid-19 thì lạm phát chính là “kỳ thi sát hạch” tiếp theo cho sức khỏe doanh nghiệp. Những bài kiểm tra này đã chứng minh được trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến chuyển hiện nay, sự cạnh tranh của thị trường ngày càng gay gắt, không chỉ còn là những con số trên bảng xếp hạng, mà là câu chuyện ai là kẻ trụ lại sau cùng.
Sống sót trong “bão giông”: Đừng chi tiêu nhiều, hãy chi tiêu thông minh
Thực tế đã chứng minh, càng trong những giai đoạn thị trường nhiều biến chuyển thì các doanh nghiệp càng cần phải có một chiến lược phát triển bền vững. Chiến lược này đòi hỏi các doanh nghiệp tập trung vào năng lực cốt lõi của mình và xây dựng được những giá trị cho khách hàng, thay vì chỉ mang đến những lợi ích ngắn hạn, mà đối với thương mại điện tử có thể hiểu chính là những ưu đãi giảm giá đơn thuần.
Doanh nghiệp nổi bật theo đuổi chiến lược này tại Việt Nam có thể kể đến là Lazada. Thực tế, Lazada không phải nền tảng “ồn ào” trên các kênh truyền thông, họ cũng không phải đơn vị tập trung tăng trưởng về quy mô dịch vụ của mình sang quá nhiều mảng mới, nhưng có thể nói Lazada là doanh nghiệp có những bước đi vững vàng trong các thời điểm khó khăn, dù là Covid-19 hay giai đoạn nhiều thăng trầm hiện nay của nền kinh tế – khi mà các “tay chơi” còn lại của thị trường thương mại điện tử Việt đều đang ít nhiều gặp khó.
Năm 2022 của Lazada có thể được định nghĩa trong chữ “mới” khi nền tảng này liên tục cho ra mắt những hoạt động mới: khai trương văn phòng mới, mở thêm dịch vụ giao nhận đa kênh, mua 100 xe máy điện để bổ sung vào đội ngũ giao hàng và theo một nguồn tin nền tảng này cũng đang chuẩn bị đưa vào sử dụng một trung tâm phân loại hàng hóa có quy mô lớn ở Bình Dương trong năm 2023.
Có thể thấy, trong bối cảnh toàn xã hội, kể cả người tiêu dùng đều đang “thắt lưng buộc bụng” thì Lazada lại đang cho thấy một xu hướng ngược lại, nhưng nếu phân tích kỹ, chúng ta có thể thấy những khoản đầu tư này của Lazada đều là những chi phí dài hạn, mang đến hiệu quả kinh doanh bền vững:
Tập trung mang đến giá trị cho người tiêu dùng
Đối với thương mại điện tử những năm trước, ưu đãi giảm giá là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để thu hút khách hàng. Nhưng ở bối cảnh hiện nay, thói quen mua sắm của người tiêu dùng ngày càng được phân hóa thành nhiều nhu cầu khác biệt.
“Trong bối cảnh hiện tại, thay vì chỉ tập trung vào việc đưa ra thật nhiều voucher, chúng tôi dành nhiều nguồn lực để tìm hiểu sâu hơn tâm lý và hành vi mua sắm của khách hàng” – đại diện Lazada Việt Nam cho biết. Việc thấu hiểu những thay đổi trong nhu cầu tâm lý của khách hàng cho phép Lazada tinh chỉnh các hoạt động ưu đãi cho phù hợp, ví dụ như cùng là voucher giảm giá nhưng trong Lễ hội mua sắm 12.12 “Tiệc Sale bung xõa” diễn ra từ ngày 12 - 14/12, nền tảng này mang đến 6 tầng giảm giá, nhằm đánh trúng những “tầng” nhu cầu khác nhau của người tiêu dùng như mã giao hàng miễn phí 0đ, hoàn tiền tối đa hay càng tích lũy voucher càng giảm được nhiều chi phí.
“Chúng tôi hiểu rằng trên tất cả, mua sắm là niềm vui. Vì vậy, chúng tôi muốn mỗi đơn hàng đều mang lại cảm xúc đáng nhớ của người tiêu dùng, bất kể giá trị đơn hàng họ mua sắm là bao nhiêu. Đó chính là yếu tố quan trọng giúp duy trì sợi dây kết nối với khách hàng”, đại diện Lazada chia sẻ thêm.
Tập trung phát triển năng lực lõi cho doanh nghiệp
Khác với nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử khác, Lazada không tập trung mở rộng theo chiều ngang với nhiều dịch vụ khác nhau. Thay vào đó, nền tảng này kiên định đào sâu vào năng lực cốt lõi của mình với hệ sinh thái thương mại điện tử, trong đó logistics được xem là một trong những mảnh ghép quan trọng nhất.
Trong nửa cuối năm 2022, mảng logistics của Lazada tiếp tục cho thấy các bước phát triển mạnh mẽ khi lần lượt cho ra mắt nhiều dịch vụ và tính năng mới, đặc biệt là giải pháp giao hàng đa kênh, phục vụ mọi nhu cầu của nhà bán hàng không chỉ trên sàn Lazada, mà còn trên các nền tảng mạng xã hội, trang web ngoại sàn. Điều này cho thấy rõ hơn mục tiêu dẫn đầu thị trường giao nhận tại Việt Nam của Lazada.
Tập trung nâng cao hiệu suất vận hành nhờ công nghệ
Điểm nổi bật cuối cùng, và cũng là quan trọng nhất trong chiến lược phát triển bền vững của Lazada chính là việc tận dụng Công nghệ để tối ưu hóa hiệu suất vận hành của nền tảng này.
Nhờ có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Tập đoàn Alibaba, công nghệ được xem như DNA của nền tảng này, và được Lazada ứng dụng linh hoạt trong mọi quy trình vận hành của doanh nghiệp, từ việc cung cấp các trải nghiệm được cá nhân hóa cho người tiêu dùng trên ứng dụng đến việc tối ưu hóa tuyến đường giao hàng của shipper sao cho nhanh chóng và tiết kiệm chi phí.
Chính vì vậy, nền tảng này không ngừng mạnh tay đầu tư để có thể nâng cao được hiệu quả của các công nghệ hiện đại. “Công nghệ có mặt trong mọi hoạt động của chúng tôi để giúp ghi nhận, xử lý và đưa ra các quyết định quan trọng dựa trên nguồn dữ liệu lớn. Nhờ vậy, chúng tôi học nhanh, thay đổi nhanh và phát triển nhanh hơn. Mọi khoản đầu tư vào công nghệ đều xứng đáng!” – đại diện Lazada nhấn mạnh.
Nhìn từ trường hợp của Lazada, có thể thấy trong bối cảnh hiện tại, cuộc đua thị phần trên thương mại điện tử sẽ không dễ dàng ngã ngũ bởi tiềm lực tài chính mạnh, mà quan trọng là doanh nghiệp nào có chiến lược đầu tư đúng và bền vững vào các năng lực lõi để mang đến quyền lợi cao nhất, dù là hữu hình hay vô hình, cho người tiêu dùng. Đó chính là chìa khóa để các doanh nghiệp có thể vững vàng vượt qua các bài kiểm tra của thị trường, và trở thành “người chiến thắng sau cùng” trên đường đua cạnh tranh thương mại điện tử.