Nhìn lại thị trường điện cạnh tranh năm 2024
Năm 2024, có 112 nhà máy điện tham gia thị trường điện cạnh tranh
Ông Trần Việt Hoà - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (ĐTĐL) - cho biết, tính đến hết năm 2024, cả nước có 112 nhà máy điện trực tiếp tham gia chào giá trên thị trường điện cạnh tranh với tổng công suất đặt là 32.272,5 MW (chiếm khoảng 38% tổng công suất đặt toàn hệ thống) và 6 đơn vị mua điện trên thị trường giao ngay từ các nhà máy điện, trong đó EVN đóng vai trò mua điện chính trên thị trường và 5 Tổng công ty Điện lực: Miền Bắc, miền Trung, miền Nam, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Như vậy sau 12 năm vận hành thị trường điện cạnh tranh từ ngày 1/7/2012, số lượng nhà máy đã tăng lên đáng kể, tăng gần 4 lần so với lúc bắt đầu vận hành chính thức. Cụ thể, thời điểm năm 2012 mới có 31 nhà máy điện trực tiếp tham gia chào giá trên thị trường điện, với tổng công suất 9.212MW. Các nguồn điện trực tiếp tham gia chào giá trên thị trường rất đa dạng về loại hình doanh nghiệp, từ các nhà máy do tư nhân đầu tư đến các nhà máy theo hình thức vốn góp, cổ phần, liên doanh.
Để đảm bảo đúng quy định và tính hiệu quả, Cục ĐTĐL thường xuyên tổ chức họp giao ban thị trường điện đối với EVN, các đơn vị phát điện, đề xuất các biện pháp để xử lý các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.
Đặc biệt, năm 2024, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nghị định số 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA) với 2 hình thức mua bán: Qua đường dây kết nối riêng (cho các nguồn phát điện gần nơi tiêu thụ) và qua lưới điện quốc gia (cho các nguồn phát xa nơi tiêu thụ).
Nhiều chuyên gia đánh giá, đây là một trong các bước đi quan trọng để tăng cường sự tham gia của các bên trong thị trường bán buôn điện cạnh tranh và là bước đệm hướng đến việc triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam.
Trung tâm điều độ hệ thống điện miền Bắc. Ảnh: Đình Dũng |
Chuẩn bị cho thị trường bán lẻ
Về thị trường điện năm 2025, ông Trần Việt Hoà thông tin, năm 2024, ngày 27/12/2024, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3621/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt Kế hoạch vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh năm 2025 trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các đơn vị tham gia thị trường điện, tạo động lực và nguồn lực phục vụ công tác chuẩn bị nhiên liệu của các nhà máy điện tham gia thị trường điện để góp phần đáp ứng an ninh cung cấp điện trong bối cảnh năm 2025 nhu cầu phụ tải được dự báo tăng cao.
Trên cơ sở kết quả đạt được thời gian qua, Cục sẽ tiếp tục rà soát các quy định liên quan đến vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh để kịp thời ban hành đồng bộ với tiến độ có hiệu lực của Luật Điện lực năm 2024; xây dựng kế hoạch để rà soát, đánh giá toàn diện để có thể điều chỉnh lộ trình phát triển, thiết kế và các quy định của thị trường điện cạnh tranh. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện đề án Tái cơ cấu điện phục vụ thị trường bán lẻ cạnh tranh báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Giám sát vận hành thị trường điện, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, các vướng mắc, kiến nghị của các đơn vị tham gia thị trường điện; theo dõi, phối hợp với các bên liên quan trình hoặc thực hiện các đề án, đặc biệt là Hồ sơ đề nghị xây dựng nghị định quy định về cơ chế DPPA.
Năm 2025, bên cạnh thực hiện tốt công tác điều hành giá điện, Bộ Công Thương dự kiến ban hành các loại giá, khung giá năm 2025 như: Biểu giá chi phí tránh được, khung giá các loại hình phát điện, khung giá bán buôn điện cho các tổng công ty điện lực, giá truyền tải điện, giá dịch vụ phụ trợ; giá điều độ vận hành hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường điện lực và kiểm tra phương án giá điện các nhà máy điện. |