Thứ tư 16/04/2025 06:53

Kinh tế tư nhân và thách thức trong ngành năng lượng

Kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong xã hội hóa ngành năng lượng nhưng vẫn đối mặt nhiều thách thức, đòi hỏi giải pháp đồng bộ để thúc đẩy phát triển.

Dưới tác động của Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị, ngành năng lượng Việt Nam đang chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ với sự tham gia ngày càng sâu rộng của khu vực kinh tế tư nhân.

Tham luận tại Diễn đàn Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 diễn ra tháng 12/2024, ThS. Hoàng Phương Linh (Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì) cho rằng, Nghị quyết số 55-NQ/TW đã xác định chiến lược phát triển ngành năng lượng theo hướng xã hội hóa, trong đó nhấn mạnh vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân trong đầu tư, khai thác và phát triển nguồn năng lượng.

Động lực quan trọng trong phát triển ngành năng lượng

Việc mở rộng cánh cửa cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào lĩnh vực này không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo tính bền vững mà còn củng cố an ninh năng lượng quốc gia. Quan điểm này được cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, khi khẳng định rằng kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng của nền /chu-de/kinh-te-thi-truong.topic định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước luôn khuyến khích mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân, tham gia phát triển ngành năng lượng, đồng thời kiên quyết loại bỏ tình trạng bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh và thiếu minh bạch.

Kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong xã hội hóa ngành năng lượng nhưng vẫn đối mặt nhiều thách thức, đòi hỏi giải pháp đồng bộ để thúc đẩy phát triển. Ảnh: CT

Trên thực tế, nền kinh tế năng lượng Việt Nam đang từng bước hiện thực hóa chủ trương này thông qua hệ thống chính sách pháp luật hoàn chỉnh. Cơ sở pháp lý cho sự tham gia của kinh tế tư nhân vào lĩnh vực năng lượng được quy định rõ ràng trong Nghị quyết số 55-NQ/TW, Luật Điện lực, Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn. Luật Điện lực sửa đổi năm 2018 đã tạo cơ chế thị trường điện cạnh tranh, khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo và nâng cao vai trò của thị trường trong điều tiết cung - cầu.

Luật Đầu tư sửa đổi năm 2020 tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, đơn giản hóa thủ tục, mở rộng cơ hội cho các nhà đầu tư tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, hệ thống các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành cũng đóng vai trò quan trọng trong việc minh bạch hóa cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân triển khai dự án.

Những cải cách mạnh mẽ trong chính sách pháp luật đã thúc đẩy sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân vào thị trường năng lượng. Kinh tế tư nhân không chỉ đóng góp nguồn vốn đầu tư lớn cho ngành điện mà còn góp phần đa dạng hóa nguồn cung, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch. Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao, sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân giúp đẩy nhanh tiến độ phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời và năng lượng sinh khối, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển năng lượng bền vững.

Không chỉ dừng lại ở việc đầu tư, các doanh nghiệp tư nhân còn tham gia sâu vào hoạt động khai thác và phát triển nguồn năng lượng từ dầu khí, khí tự nhiên đến năng lượng tái tạo, góp phần nâng cao năng lực sản xuất điện của quốc gia. Ngoài ra, khu vực tư nhân còn cung cấp các dịch vụ liên quan như tư vấn, thiết kế, thi công, vận hành và bảo trì hệ thống điện, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và tối ưu hóa hiệu quả vận hành.

ThS. Hoàng Phương Linh cũng cho rằng: "Trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng toàn cầu, doanh nghiệp tư nhân đang dần trở thành động lực chính thúc đẩy sự phát triển của ngành điện Việt Nam theo hướng xanh, sạch và hiệu quả".

Những lĩnh vực trọng tâm mà khu vực tư nhân tập trung đầu tư bao gồm năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, thủy điện nhỏ, cùng với các giải pháp tiết kiệm năng lượng và ứng dụng công nghệ tiên tiến. Các công nghệ năng lượng mới như năng lượng hydro, địa nhiệt, sóng và thủy triều cũng đang nhận được sự quan tâm ngày càng lớn từ khối doanh nghiệp tư nhân. Những nỗ lực này không chỉ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững mà còn tạo động lực mạnh mẽ để ngành năng lượng vươn lên hội nhập với xu hướng toàn cầu.

Việc huy động sức mạnh của khu vực kinh tế tư nhân trong lĩnh vực năng lượng là một bước đi tất yếu, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, để phát huy tối đa hiệu quả của mô hình này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước và doanh nghiệp nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng và thực hiện công bằng xã hội.

Nhà nước vẫn đóng vai trò then chốt trong việc quy hoạch, điều tiết và quản lý vĩ mô, trong khi khu vực tư nhân đảm nhận vai trò đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả sản xuất và cung cấp dịch vụ chất lượng cao. Với sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các thành phần kinh tế, ngành năng lượng Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển vững chắc, đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện của nền kinh tế trong dài hạn.

Kinh tế tư nhân trong xã hội hóa ngành năng lượng

Xã hội hóa ngành năng lượng tại Việt Nam đang tạo ra những chuyển biến quan trọng khi kinh tế tư nhân ngày càng đóng vai trò lớn trong đầu tư và phát triển hạ tầng.

Tuy nhiên, theo ThS. Hoàng Phương Linh, các doanh nghiệp tư nhân vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những trở ngại lớn nhất là vốn đầu tư, bởi các dự án năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, trong khi khả năng tiếp cận tài chính của doanh nghiệp tư nhân vẫn còn hạn chế.

Bên cạnh đó, khung chính sách về đầu tư, khai thác và phát triển năng lượng chưa hoàn thiện, còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi muốn mở rộng hoặc tham gia thị trường. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ mới trong ngành năng lượng đòi hỏi sự đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu, phát triển và đào tạo nguồn nhân lực, điều mà không phải doanh nghiệp tư nhân nào cũng có đủ nguồn lực để thực hiện. Cạnh tranh trong lĩnh vực này cũng ngày càng gay gắt, buộc các doanh nghiệp phải liên tục nâng cao năng lực nếu muốn tồn tại và phát triển bền vững.

"Để thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào ngành năng lượng, việc hoàn thiện cơ chế chính sách là yêu cầu cấp thiết. Điều này bao gồm việc xây dựng một khung pháp lý rõ ràng, minh bạch, ổn định và có tính dự báo cao nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong đầu tư, khai thác và phát triển năng lượng", ThS. Hoàng Phương Linh nhận định.

Đồng thời, cần có các chính sách hỗ trợ tài chính cụ thể, chẳng hạn như ưu đãi thuế, vay vốn lãi suất thấp, bảo lãnh tín dụng hoặc mô hình hợp tác công - tư nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Một yếu tố quan trọng khác là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là các chuyên gia về năng lượng tái tạo và công nghệ tiên tiến. Song song với đó, việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng, đặc biệt là các công trình hỗ trợ cho dự án năng lượng tái tạo, cũng cần được đẩy mạnh để đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững cho ngành.

Thực tế cho thấy, xã hội hóa ngành năng lượng đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Tổng vốn đầu tư vào ngành từ năm 2021 đến tháng 5/2024 ước đạt khoảng 29,8 tỷ USD, tương đương 63% so với kế hoạch đề ra trong Quy hoạch điện VIII. Trong đó, doanh nghiệp nhà nước đóng góp 16,9 tỷ USD, bao gồm các công trình điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và dự án điện khí thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Khối tư nhân đầu tư khoảng 8,1 tỷ USD vào điện gió và điện mặt trời, cùng với 4,8 tỷ USD từ 3 dự án nhiệt điện than lớn theo mô hình BOT, gồm Nhà máy Nghi Sơn (đã vận hành tháng 7/2022), Vân Phong (tháng 3/2024) và Vũng Áng 2 (dự kiến vận hành tháng 6/2025). Dòng vốn này không chỉ giúp tăng cường nguồn cung năng lượng mà còn giảm sự phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch, qua đó góp phần nâng cao an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.

ThS. Hoàng Phương Linh cũng cho rằng: "Sự tham gia của khu vực tư nhân cũng tạo ra những thay đổi đáng kể về cơ cấu nguồn cung. Cùng với sự gia tăng của năng lượng tái tạo, hệ thống điện Việt Nam đang ngày càng đa dạng, giúp đảm bảo an ninh năng lượng và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường".

Hiệu quả hoạt động của ngành năng lượng cũng được nâng cao nhờ ứng dụng công nghệ mới và sự ra đời của nhiều sản phẩm, dịch vụ tiên tiến. Quan trọng hơn, ngành năng lượng đang trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo ra hàng loạt cơ hội việc làm mới, nâng cao thu nhập cho người lao động và đóng góp quan trọng vào mục tiêu phát triển bền vững.

Theo ThS. Hoàng Phương Linh (Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì), trong tương lai, kinh tế tư nhân sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc phát triển ngành năng lượng của Việt Nam. Với sự phát triển của công nghệ năng lượng mới, các doanh nghiệp tư nhân sẽ có nhiều cơ hội tham gia vào các lĩnh vực như năng lượng hydro, năng lượng địa nhiệt, năng lượng sóng và thủy triều, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.
Thế Duy
Bài viết cùng chủ đề: Bộ Chính trị

Tin cùng chuyên mục

Tập trung gỡ vướng các dự án điện năng lượng tái tạo

Công nghệ BESS giúp quản lý, sử dụng năng lượng hiệu quả

Vĩnh Phúc thực hiện Nghị quyết 55- Bài 1: Tiết kiệm năng lượng không chỉ là khẩu hiệu

Việt Nam tái khởi động điện hạt nhân: Quyết định đúng đắn, kịp thời

Phụ tải điện tăng, ngành điện miền Nam chủ động ứng phó

Điểm sáng hợp tác năng lượng giữa Việt Nam – Trung Quốc

Bộ Công Thương tổ chức cuộc thi tuyên truyền viên tiết kiệm điện: Mạng xã hội sẽ 'dậy sóng' xanh

Thể lệ Cuộc thi 'Tuyên truyền viên tiết kiệm điện năm 2025'

Bộ Công Thương phát động Cuộc thi 'Tuyên truyền viên tiết kiệm điện năm 2025'

Ai Cập tăng giá nhiên liệu lần đầu năm 2025

Tương lai điện hạt nhân phụ thuộc vào nước?

Giá LNG giao ngay tại châu Á thấp nhất trong 8 tháng

Phải hoàn thành đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên vào tháng 9/2025

Tăng liên kết điện khí: Giải mã từ NSMO và PV GAS

Bộ Công Thương thúc đẩy sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả

Ra mắt Tổ chuyên trách Hệ thống Pin lưu trữ Năng lượng

Bộ Công Thương phê duyệt khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời

Bộ Công Thương ban hành khung giá phát điện cho thủy điện và nhiệt điện tua bin khí

Khi các “ông lớn” năng lượng thay tên, đổi chiến lược

Chuyên gia chia sẻ giải pháp thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch