Thứ ba 19/11/2024 12:32

Nhập khẩu thịt gà không phải nguyên nhân chủ yếu tác động tiêu cực đến ngành chăn nuôi trong nước

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khẳng định, việc nhập khẩu thịt gà thời gian vừa qua không phải là nguyên nhân chủ yếu tác động tiêu cực đến ngành chăn nuôi trong nước, gây giảm giá thịt gà tại Đông Nam Bộ.    

Nhập khẩu thịt gà giảm dần từ tháng 6 đến nay

Về tình hình nhập khẩu, theo số liệu công bố của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng năm 2019, cả nước nhập khẩu 215,7 nghìn tấn thịt gà các loại với kim ngạch đạt hơn 186 triệu USD, tăng 49% về lượng và 46% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018.

Lượng thịt gà nhập khẩu đã giảm dần từ tháng 6 đến nay

Theo dõi số liệu thống kê trong các tháng đầu năm 2019, so với năm 2018, có thể thấy lượng nhập khẩu thịt gà tăng trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6/2019 nhưng đã giảm dần từ tháng 6 đến nay. Giá nhập khẩu bình quân mặt hàng này là 861 USD/tấn, tương đương khoảng 19.800 đồng/kg (chưa tính thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, bảo quản kho lạnh...) và có xu hướng tăng khá mạnh từ tháng 6/2019 đến nay.

Cục Xuất nhập khẩu thông tin, việc quản lý nhập khẩu đối với các sản phẩm có nguồn gốc động vật trên cạn nói chung và thịt gà nói riêng hiện nay được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện như sau: Chỉ cho phép nhập khẩu từ các nước đã thỏa thuận và thống nhất với Việt Nam về yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch động vật đối với sản phẩm thịt xuất khẩu vào Việt Nam; Tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch và kiểm tra vệ sinh thú y, tiêu chuẩn và mức giới hạn cho phép đối với vi sinh vật có hại, tồn dư hóa chất độc hại đối với thịt nhập khẩu được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam.

Theo đó, các lô hàng thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu phải thực hiện lưu giữ tại khu vực cửa khẩu nhập, không cho phép đưa về bảo quản trong thời gian chờ kết quả kiểm dịch động vật, kiểm tra an toàn thực phẩm; được các cơ quan thú y cửa khẩu kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ, ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn nhiệt độ bảo quản... Sau khi kiểm tra đạt yêu cầu và được thông quan, các doanh nghiệp nhập khẩu có thể bán trực tiếp thịt nhập khẩu cho các cơ sở kinh doanh, nhà hàng… hoặc vận chuyển về kho bảo quản bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y để tiêu thụ dần.

Nhập khẩu không phải nguyên nhân gây giảm giá

Về nguồn cung thịt gia cầm phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước, tốc độ tăng trưởng sản lượng thịt gà các loại sản xuất trong nước giai đoạn 2015 - 2018 đạt 5,6%/năm, tính đến hết tháng 9/2019, tổng đàn gia cầm của cả nước đã tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2018 (chỉ riêng quý III/2019 đã tăng 19,2% so với quý III/2018).

Đối với tỉnh Đồng Nai - là địa phương chăn nuôi trọng điểm của cả nước, khi dịch bệnh tả lợn châu Phi lan rộng, nhiều cơ sở chăn nuôi lợn ở tỉnh Đồng Nai nói riêng và khu vực Đông Nam Bộ nói chung đã chuyển sang chăn nuôi gà. Tính đến hết tháng 9/2019, tổng đàn gà của riêng tỉnh Đồng Nai đạt hơn 24,8 triệu con, đã tăng 16,8% so với thời điểm tháng 4/2019.

Vào thời điểm ngày 22/10/2019, giá thịt gà công nghiệp (lông trắng, lông mầu) tại các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ - nơi tập trung các trang trại chăn nuôi gia cầm, gia súc lớn của cả nước ở mức 25.000 - 25.500 đồng/kg, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là mức giá đã tăng hơn nhiều so với thời điểm giữa tháng 9 năm 2019 (16.000 - 18.000 đồng/kg) - là giai đoạn các hộ chăn nuôi đang ồ ạt bán tháo cắt lỗ gây giá sụt giảm mạnh. Trong khi đó, tại các tỉnh phía Bắc, giá thịt gà nuôi công nghiệp dao động từ 35.000 - 37.000 đồng/kg, giá các loại thịt gà ta vẫn giữ mức giá ổn định, thậm chí nhiều nơi có mức giá tốt.

Như vậy, có thể thấy, trước tháng 8/2019, giá gà thịt trong nước tương đối ổn định, chỉ giảm cục bộ tại một khu vực với một chủng loại trong một thời điểm (giá thịt gà ta, gà công nghiệp tại phía Bắc gần như không có sự thay đổi, chỉ giảm giá thịt gà công nghiệp tại khu vực Đông Nam Bộ trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 9/2019). Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, nguyên nhân là do khi dịch tả lợn châu Phi lan rộng, nhiều hộ chăn nuôi lợn ở khu vực Đông Nam Bộ dự báo người tiêu dùng sẽ không ăn thịt lợn, vì vậy đã chuyển sang chăn nuôi gà công nghiệp ồ ạt, làm tăng đàn tự phát, thiếu kiểm soát. Việc phát triển “nóng” ngành chăn nuôi gà tại khu vực này đã gây sức ép cho các hộ, các cơ sở chăn nuôi bán giảm giá để cắt lỗ, thu hồi vốn. Có thời điểm mỗi tuần, khu vực Đông Nam Bộ cho xuất chuồng đến 2,5 triệu con gà. Đây là những nguyên nhân chính đẩy giá gà công nghiệp tại khu vực Đông Nam Bộ giảm sâu trong thời gian tháng 8 và tháng 9 năm 2019.

Các số liệu về nhập khẩu thịt gà cho thấy lượng nhập khẩu có xu hướng tăng trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 để bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung thịt lợn trong nước do dịch tả lợn châu Phi. Tốc độ nhập khẩu thịt gà từ giai đoạn tháng 6 đến nay có xu hướng giảm do giá nhập khẩu bình quân thịt gà bắt đầu tăng từ tháng 6 năm 2019, cộng thêm nguồn cung sản xuất trong nước tăng liên tục, đặc biệt là tại khu vực Đông Nam Bộ. Số liệu thống kê chứng minh, vào thời điểm giá gà tại khu vực Đông Nam Bộ sụt giảm mạnh (trong tháng 8 và tháng 9) thì lượng thịt gà nhập khẩu cũng đã giảm từ trước đó mấy tháng (giảm dần từ tháng 6).

Giá thịt gà nhập khẩu trong giai đoạn tháng 8 đến đầu tháng 9/2019 luôn cao hơn giá thịt gà công nghiệp sản xuất trong nước tại khu vực Đông Nam Bộ. Giá nhập khẩu bình quân thịt gà tháng 8 là 910 USD/tấn, tương đương 21.500 đồng/kg, tháng 9 là 857 USD/tấn, tương đương 20.000 đồng/kg (chưa tính thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, chi phí, thủ tục nhập khẩu, bảo quản kho lạnh...), trong khi vào thời điểm giữa tháng 9 năm 2019, giá thịt gà công nghiệp tại Đông Nam Bộ là 16.000 - 18.000 đ/kg. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ trong nước đối với thịt gà vẫn không tăng dù có dịch tả lợn châu Phi do sự chuyển đổi thói quen sử dụng từ thịt lợn sang thịt gà vẫn hạn chế, nhập khẩu thịt gà chủ yếu để thực hiện các hợp đồng cung ứng phục vụ các ngành chế biến thực phẩm và bếp ăn công nghiệp.

Như vậy, có thể thấy, việc nhập khẩu thịt gà trong thời gian qua có thể cũng tác động một phần nào nhưng không phải là nguyên nhân chủ yếu tác động tiêu cực đến ngành chăn nuôi trong nước, gây giảm giá thịt gà tại Đông Nam Bộ. Dự kiến trong thời gian từ nay đến cuối năm, giá thịt gà công nghiệp vẫn duy trì ở mức thấp, đặc biệt là tại khu vực Đông Nam Bộ do nguồn cung ứng trong nước vẫn dồi dào.

Trước tình hình này, Bộ Công Thương khuyến cáo các hộ, các cơ sở chăn nuôi cân nhắc việc tăng đàn, tránh tự phát, ồ ạt; các địa phương chăn nuôi gà trọng điểm tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền đến các hộ, các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn nhằm kiểm soát tình hình chăn nuôi, đáp ứng đúng quy hoạch, tránh dẫn đến nguồn cung quá lớn, làm giảm giá bán. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi sát tình hình chăn nuôi gia cầm, gia súc các loại, tái cơ cấu ngành chăn nuôi với mô hình tập trung và hiện đại, đảm bảo sản xuất theo đúng quy hoạch, tránh tình trạng dư thừa, thiếu hụt nguồn cung cục bộ, ảnh hưởng tiêu cực đến giá trong nước, đồng thời tiếp tục đàm phán với cơ quan hữu quan các nước để mở cửa thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình giá tại thị trường trong nước đối với các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt thịt các loại nhập khẩu, kịp thời có giải pháp phù hợp khi có những diễn biến bất thường về giá hoặc lượng tiêu thụ; đồng thời chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm soát hoạt động vận chuyển, lưu thông nhằm phòng chống hiện tượng buôn lậu và gian lận thương mại phát sinh.

Lan Phương

Tin cùng chuyên mục

Điện Biên sẽ sớm có cửa khẩu song phương A Pa Chải (Việt Nam) – Long Phú (Trung Quốc)

Cơ hội nào cho xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2025?

Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ tăng trưởng trung bình 16% mỗi năm

Xuất khẩu tăng trưởng 2 con số, doanh nghiệp dệt may kỳ vọng vào diễn biến mới

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo triển khai nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc

Tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt trên 647 tỷ USD

Xuất khẩu phân bón sang Hàn Quốc tăng mạnh về lượng và kim ngạch

Xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn đạt trên 950 triệu USD, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính

Bộ Công Thương tìm giải pháp tăng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc

Chuyên gia nêu 4 đề xuất quan trọng thúc đẩy phát triển toàn diện Khu thương mại tự do Đà Nẵng

Xuất khẩu hàng hóa: Dồn lực trong chặng đường về đích

Xuất khẩu mây, tre, cói, thảm mang về cho Việt Nam 594,8 triệu USD

Xuất khẩu hàng hóa ghi nhận mức tăng trưởng khá cao so với một số nước

Doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ thông tin về thị trường xuất khẩu

Việt Nam chi 2,89 tỷ USD nhập khẩu hạt điều

Xuất khẩu sầu riêng: Nhận định nào về đối thủ cạnh tranh?

Cơ hội nào cho thủy sản xuất khẩu sang Mỹ sau bầu cử Tổng thống mới?

Xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường Trung Quốc dự báo sẽ tăng mạnh vào đầu năm 2025

Giá cà phê xuất khẩu bình quân tăng kỷ lục, 10 tháng Việt Nam thu về 4,6 tỷ USD

'Rộng cửa' xuất khẩu giày dép sang thị trường Chile