Giá bán lẻ thịt gà, thịt vịt hiện nay chưa thấy giảm tương ứng so với giá bán tại các trại chăn nuôi.Cho dù giá gà, vịt tại các trại chăn nuôi giảm mạnh tới hơn 30% so với thời điểm cách đây 1 tháng nhưng giá các mặt hàng thịt gà, thịt vịt đang bán ở các siêu thị, chợ dân sinh vẫn rất cao.
Trang trại gà thả vườn tại Nghệ An giảm mạnh, khiến người chăn nuôi rơi vào thua lỗ. |
Ngay từ cuối tháng 3/2020, giá gà xuất chuồng tại các trang trại chăn nuôi trên địa Nghệ An bắt đầu giảm mạnh. Tại một số địa phương nơi tập trung nhiều trang trại gà như ở huyện Yên Thành, Diễn Châu… Giá gà lao dốc một cách thê thảm, khiến người chăn nuôi lỗ nặng. Ông Đậu Ngọc Hòa – Giám đốc HTX Chăn nuôi gà VietGAP Diễn Trung (Diễn Châu) cho biết: Từ đầu tháng 3 đến nay, giá gà trại hạ xuống 45.000 đồng/kg, giảm 20.000 đồng/kg so với trước đó.
Còn tại huyện Tân Kỳ, giống gà lai chọi, nuôi theo hình thức bán thả đồi, hiện có giá rất thấp 65.000 đồng/kg; loại gà cỏ nuôi thả đồi có giá 85.000 đồng/kg (giảm khoảng 30 ngàn đồng/kg).
Một thực tế là giá gà tại các trang trại thì rẻ, người nuôi thua lỗ, còn giá thịt gà ở các siêu thị, chợ vẫn ở mức cao. Nguyên nhân của sự chênh lệnh giánày vẫn được cho là do quá nhiều khâu trung gian mua đi bán lại khi đến tay người tiêu dùng vẫn ở mức cao.
Ghi nhận của PV tại các chợ dân sinh ở TP Vinh, giá thịt gà vẫn ở mức khá cao. Cụ thể, giá gà lai thả vườn có giá 100.000 đồng/kg; gà công nghiệp 60.000 đồng/kg, gà mía ta giá 120.000 đồng/kg. Riêng gà công nghiệp đã mổ sẵn, bán theo phần lườn ức và đùi có giá từ 60-65.000 đồng/kg.
Ở nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm, giá gà thịt đã giết mổ cũng neo mức cao. Cụ thể, giá gà ta CP có giá 104.000 đồng/kg (nguyên con); gà nhập khẩu (chia theo bộ phận: Đùi gà, cánh gà, cổ gà, sụn gà, ức gà) có giá từ 58.000 đồng – 90.000 đồng/kg.
Giá thịt gà, vịt tại chợ, siêu thị cao gấp hai, gấp ba lần ở trại |
Còn theo các chủ trại chăn nuôi, việc giảm giá thịt gia cầm không chỉ dựa vào mỗi trang trại chăn nuôi mà phải có biện pháp đồng bộ từ chuồng trại tới siêu thị, chợ bán lẻ, như vậy mới có hiệu quả trong việc giảm giá. Những trại gà chăn nuôi quy mô lớn thường xuất bán với số lượng lớn cho các nhà hàng, khách sạn, quán ăn lớn mới giảm giá do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Còn với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nhà dăm ba con, không sử dụng thức ăn công nghiệp, chất lượng thịt đảm bảo, chủ yếu bán cho người nội trợ thì giá bán vẫn ở mức cao và tiêu thụ ổn định.
Bà NguyễnThị Châu - một tiểu thương bán thịt gà ở chợ Vinh Tân (TP Vinh) cho biết, dù giá gà giảm nhưng trên thực tế, chi phí vận chuyển, chi phí hao hụt từ các đầu mối cung cấp vẫn qua nhiều khâu... nên giá thịt gà các tiểu thương nhập bán vẫn cao.
Theo một số thương lái bán lẻ, các loại phụ phí như: phí nhân công, vận chuyển, hao hụt vẫn chưa giảm. Điều này sẽ kéo theo giá gà thành phẩm từ các nhà cung cấp khó có thể giảm sâu ngay được. Còn tại các siêu thị trên địa bàn thì cho biết, sẽ làm việc thêm với các đối tác cung ứng thịt gà để có phương án giảm giá phù hợp trong thời gian tới. Và các siêu thị cũng trong tình trạng tương tự khi phụ thuộc vào doanh nghiệp cung ứng hàng hóa khi nguồn cung vẫn giữ giá cao thì siêu thị khó có thể bán rẻ.
Thêm một thực tế được chỉ ra là tại các trang trại, gia trại chăn nuôi lớn đã giảm giá đầu ra nhưng thương lái hầu như không tiếp cận được nguồn giá gốc này mà phải thông qua một “đầu nậu”. Người nuôi bán rẻ nhưng người tiêu dùng lại phải mua với giá cao hơn gấp nhiều lần chủ yếu do các khâu trung gian đẩy giá. Trong đó có nguyên nhân việc quản lý ở các khâu này còn nhiều kẽ hở.