Nhà ở xã hội: Khó tiếp cận, Bộ Xây dựng đề xuất giải pháp hỗ trợ giảm giá
Mới đáp ứng 40% nhu cầu nhà ở của công nhân
Hiện trên cả nước có 122 dự án nhà ở với diện tích 2,7 triệu m2 được thực hiện trong giai đoạn 2016-2021. Con số này mới đáp ứng 40% nhu cầu nhà ở của công nhân trên cả nước. Đây là số liệu được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đưa ra mới đây. Ông Sinh cũng thừa nhận đây là hạn chế trong thời gian qua, chưa đạt được mục tiêu đề ra trong chương tình phát triển nhà ở cho công nhân.
Anh Phạm Công Hùng - công nhận một công ty đóng trên địa bàn huyện Yên Dũng - Bắc Giang cho biết, anh quê trên huyện Hữu Lũng - Lạng Sơn. Xuống Yên Dũng làm công nhân đã được 7 năm. Dù đã lấy vợ và sinh con tại Yên Dũng nhưng hai vợ chồng anh đến nay vẫn đi thuê trọ. Với thu nhập khoảng 8 -10 triệu/tháng (tùy vào công việc có tăng ca hay không) cộng với thu nhập của vợ anh Hùng khoảng 6 - 7 triệu/tháng. Chi phí hàng tháng nuôi con nhỏ cộng với thuê nhà và các chi phí không tên khác, hai vợ chồng Hùng tiết kiệm lắm cũng chỉ để ra được 3-4 triệu đồng phòng khi có ốm đau.
Năm 2020-2021, cơn bão “sốt đất” quét qua Yên Dũng nói riêng và cả Bắc Giang nói chung khiến giá đất tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp ba trong một thời gian ngắn lại càng làm cho giấc mơ an cư lạc nghiệp của những người công nhân này trở nên xa vời.
Anh Hùng tâm sự, với giá đất ở Yên Dũng như hiện nay, không chỉ vợ chồng anh mà đại đa số công nhân trên địa bàn này đều không thể mua nổi. Tiếp cận vốn để vay mua nhà ở xã hội lại càng khó khăn. Chính vì thế, vợ chồng anh Hùng vẫn có ý định tích cóp và về quê hương Hữu Lũng - Lạng Sơn mua đất xây nhà. Còn những ngày tiếp theo, cả gia đình hai vợ chồng và một con nhỏ vẫn cố gắng trụ lại trong căn phòng trọ nhỏ hơn 10 mét vuông!
Đa phần công nhân vẫn ở trọ trong các khu nhà gần với khu công nghiệp, giấc mơ an cư vẫn còn xa vời do các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn ít và giá cao |
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết: Với tốc độ phát triển các khu công nghiệp, hiện Bắc Giang là một trong những địa phương có nhu cầu nhà ở cho công nhân lớn nhất cả nước. Về vấn đề xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, ông Thái cũng cho rằng, đối với các doanh nghiệp hiện nay, vấn đề vướng mắc nhất là quy định của Nghị định 100 về vấn đề thuê, thuê lại nhà ở, doanh nghiệp xây dựng nhà ở, nhưng người thuê phải trực tiếp ký hợp đồng với công nhân.
Ông Thái đưa ra con số cụ thể, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện nay có khoảng 600 doanh nghiệp ở các khu, cụm công nghiệp hoạt động, thu hút hơn 227 nghìn lao động. Trong số đó có gần 59 nghìn công nhân lưu trú tại các nhà trọ.
Lấy ví dụ, nếu một doanh nghiệp có 10 ha, giải quyết khoảng 20.000 công nhân có nhà ở. Doanh nghiệp ký từng hợp đồng với từng công nhân, tức là phải có tới 20.000 hợp đồng. Cùng với đó là việc công nhân ở không ổn định, có người thay đổi công việc trong vòng 6 tháng, 1 năm, di chuyển chỗ khác, nên rất khó khăn trong việc tổ chức thực hiện.
Theo ông Thái, việc xác định giá để thuê hiện nay, hướng dẫn của các bộ, ngành cũng chưa cụ thể. Về việc miễn giảm tiền thuê đất, Bắc Giang cũng như nhiều địa phương kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, thì sẽ tháo gỡ được những vướng mắc trong thực hiện triển khai nhà ở cho công nhân.
Đồng quan điểm với ông Dương Văn Thái, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho rằng vẫn còn có nhiều điểm vướng trong quá trình thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhất là một số quy định của các luật như Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh bất động sản. Ngoài ra, việc thu hút các doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân cũng rất khó khăn. Với Luật Đất đai, ông Khang cho rằng các quy định của luật này cho phép giao đất giải phóng mặt bằng để làm nhà ở xã hội, nhưng để thực hiện sẽ vướng về thủ tục khi doanh nghiệp, đơn vị đầu tư xây dựng phải đấu thầu. Với Luật Kinh doanh bất động sản, ông Khang cho rằng vướng mắc thuộc các quy định liên quan đến vận hành nhà sau khi xây dựng xong.
Một khó khăn chính khiến công nhân khó tiếp cận được nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp đó chính là chính sách siết tín dụng bất động sản. Ông Trần Khắc Thạch - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản tỉnh Bình Dương nhận định: việc rà soát tín dụng cũng cần có lộ trình và biện pháp phù hợp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính và người dân có nhu cầu chính đáng. Với những người lao động, đặc biệt là công nhân thu nhập thấp có nhu cầu thực về chỗ ở thì phải có biện pháp hỗ trợ họ tiếp cận nguồn vốn với lãi suất hợp lý. Bình Dương có tới quá nửa dân số là người lao động từ các nơi tới, mỗi năm dân số lại tăng thêm trên 100.000 người... nên nếu không có giải pháp tốt về tín dụng để thị trường bất động sản phát triển thì không biết đến bao giờ người lao động mới tiếp cận được giấc mơ về “an cư lạc nghiệp”.
Bộ Xây dựng đề xuất 4 giải pháp
Bộ Xây dựng cho biết, hiện trên cả nước đã có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với giá thành hợp lý như: Dự án Đầu tư xây dựng khu nhà ở công nhân và dịch vụ khu công nghiệp Yên Phong do Công ty Kinh doanh Bất động sản Viglacera là chủ đầu tư (diện tích 30 - 60m2; giá bình quân khoảng 9 triệu đồng/m2); dự án nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp Nhơn Trạch, do Công ty IDICO-URBIZ làm chủ đầu tư (diện tích 30 - 65m2, giá bán bình quân khoảng 5-8 triệu đồng/m2, giá thuê bình quân khoảng 1-2 triệu đồng/căn); dự án khu nhà ở an sinh xã hội Becamex tại Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương (diện tích 30 - 60m2 giá bán khoảng 150 - 300 triệu đồng/căn hộ)…
Tuy nhiên, con số này vẫn còn rất hạn chế trước nhu cầu rất lớn trong thời gian tới. Vấn đề nhà ở cho công nhân đã và đang là vấn đề nóng được cử tri và rất nhiều tầng lớp xã hội quan tâm. Mới đây nhất, trước kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Tháp và một số tỉnh thành khác về cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư phát triển nhà ở xã hội, Bộ xây dựng đã đề xuất 4 giải pháp để hỗ trợ.
Thứ nhất là tập trung triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, theo đó đề nghị các địa phương khẩn trương hướng dẫn các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà công nhân có nhu cầu vay vốn, có đủ điều kiện đăng ký và tổng hợp danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân gửi Bộ Xây dựng công bố để các ngân hàng thương mại có cơ sở cho chủ đầu tư dự án vay vốn ưu đãi 2% lãi suất theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Thứ hai là khi phê duyệt dự án nhà ở xã hội, nhà công nhân phải có cơ cấu sản phẩm nhà cho thuê phù hợp với nhu cầu của người lao động, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án xây dựng nhà ở xã hội ở đô thị và khu công nghiệp.
Thứ ba, Bộ Xây dựng đề xuất, căn cứ điều kiện thực tiễn, đặc thù riêng của các địa phương, triển khai ban hành các thiết kế mẫu, thiết kế điển hình đối với nhà ở xã hội, nhà công nhân; áp dụng các công nghệ mới trong việc đầu tư xây dựng nhà xã hội đáp ứng mục tiêu tiết kiệm chi phí, thời gian thi công, thích ứng môi trường, khí hậu…
Thứ tư là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện các chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; đặc biệt xử lý nghiêm vi phạm trong việc xác định giá bán, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.