Thứ hai 16/12/2024 01:53

Nhà máy xử lý rác thải '4 không’ đầu tiên tại Việt Nam được khánh thành

Không khí thải, không tro xỉ thải, không nước thải, không phát tán mùi hôi, Nhà máy xử lý rác thải 4 không đầu tiên tại Việt Nam được khánh thành tại Bắc Giang.

Giải bài toán rác thải bằng công nghệ

Sau hơn 7 tháng khởi công, ngày 15/12/2024, dự án thí điểm Nhà máy chuyển hóa rác thải rắn sinh hoạt, công nghiệp thành năng lượng đã chính thức được khánh thành tại thị trấn Nham Biền, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.

Các đại biểu cắt băng khai mạc Nhà máy chuyển hóa rác thải rắn sinh hoạt, công nghiệp thành năng lượng. (Ảnh: Hồng Hà)

Với công nghệ sinh hóa nhiệt không phát thải (không khí thải, không tro xỉ thải, không nước thải, không phát tán mùi hôi...) dự án thí điểm được kỳ vọng sẽ không những giải quyết vấn đề môi trường tại huyện Yên Dũng nói riêng, tỉnh Bắc Giang nói chung mà còn giúp chuyển hoá chất thải sinh hoạt thành tài nguyên.

“Trong những năm công tác, đây là thời gian tôi cảm thấy hạnh phúc nhất, bởi tôi đã giải quyết được nỗi lo không chỉ cho cá nhân mà cả trên địa bàn huyện Yên Dũng và toàn xã hội”, ông Nguyễn Hữu Hưng – Quyền chủ tịch UBND huyện Yên Dũng – chia sẻ trong bài phát biểu của mình tại lễ khánh thành nhà máy.

Là một trong những huyện đi đầu trong công tác xử lý rác thải sinh hoạt tại tỉnh Bắc Giang, trong những năm qua, chính quyền huyện Yên Dũng cũng đã có chủ trương thu hút các doanh nghiệp đầu tư, lắp đặt lò đốt rác thải công nghệ tại khu xử lý rác thải tập trung của huyện và đã có những đơn vị đầu tư từ tháng 10/2020.

Tuy nhiên, sau 4 năm triển khai thực hiện, dù lò đốt hoạt động liên tục nhưng cũng không xử lý được hết lượng rác thải phát sinh. Trên địa bàn vẫn còn tồn tại lượng rác thải không nhỏ chưa được xử lý, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, lượng rác thải ngày càng phát sinh nhiều hơn, đa dạng thành phần, do công nghệ lò đốt không đáp ứng được yêu cầu về xử lý triệt để rác thải phát sinh trên địa bàn huyện. Vì vậy, việc thu hút đầu tư một công nghệ xử lý rác thải mới, không phát sinh phát thải, mang lại hiệu quả an sinh xã hội là biện pháp cấp thiết được huyện ưu tiên.

Ông Nguyễn Hữu Hưng – Quyền chủ tịch UBND huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang) – chia sẻ tại buổi lễ khánh thành nhà máy. (Ảnh: Hồng Hà)

“7 năm là lãnh đạo huyện phụ trách về môi trường, mỗi lần nghe tiếng kẻng là tôi nghĩ đến rác thải. Mỗi người dân bị bệnh hiểm nghèo tôi lại nghĩ là do rác thải. Và cứ đêm về thì tôi lại nghĩ là do tôi - người đứng đầu, được giao nhiệm vụ kêu gọi, thu hút doanh nghiệp xử lý rác thải, đảm bảo sức khỏe cho người dân Yên Dũng chưa hoàn thành nhiệm vụ”, ông Nguyễn Hữu Hưng chia sẻ.

Sau khi được giới thiệu về công nghệ của Công ty Live Again Group, tham quan mô hình demo của Công ty CP môi trường năng lượng xanh ASIAN, huyện đã cho phép doanh nghiệp xây dựng mô hình thử nghiệm theo Điều 78 Luật Bảo vệ Môi trường 2020.

Về phía địa phương sẽ cung cấp quỹ đất và đề nghị hỗ trợ 1 phần kinh phí xử lý. Tuy nhiên, nhà đầu tư chỉ xin quỹ đất mà không nhận kinh phí, lý do được đưa ra là nhà đầu tư sẽ thu từ sản phẩm đầu ra của rác và lấy đó làm kinh phí vận hành. Điều này khiến địa phương cũng có sự băn khoăn khi lần đầu tiên có doanh nghiệp từ chối kinh phí từ địa phương. Dù vậy, sau khi bàn đi bàn lại đã thống nhất một điều là phải tin tưởng vào doanh nghiệp. Những tin tưởng này đến hôm nay có thể thấy bước đầu đã thành công.

GS.TS Huỳnh Văn Hòa - Chủ tịch Công ty Live Again Group (chủ nhiệm đề tài xử lý rác thải bằng công nghệ sinh hóa nhiệt không phát thải) hạnh phúc khi những thành quả nghiên cứu của mình thành hiện thực. Từ rác thải đã tạo ra được năng lượng. (Ảnh: Hồng Hà)

“Vui mừng và tràn đầy cảm xúc khi đứng trước một công trình công nghệ mà tôi đã phải trải qua hơn 30 năm nghiên cứu (1992-2024) với bao nhiêu khó khăn, nghiệt ngã”, GS.TS Huỳnh Văn Hòa - Chủ tịch Công ty Live Again Group (chủ nhiệm đề tài xử lý rác thải bằng công nghệ sinh hóa nhiệt không phát thải) – chia sẻ và cho hay, đây là công nghệ 4 không gồm: không khí thải, không tro xỉ thải, không nước thải, không phát tán mùi hôi, bên cạnh đó, còn mang lại nguồn khí đốt, nhiên liệu cho nhà đầu tư.

Thành quả này có sự góp phần của chính quyền địa phương và người dân Yên Dũng, nhà đầu tư ASIAN và Live Again Group. Đây là 1 phần của giai đoạn 1, trong giai đoạn 2, chúng tôi sẽ phát triển một nhà máy lớn hơn để đáp ứng xử lý rác thải cho toàn tỉnh Bắc Giang.

GS.TS Huỳnh Văn Hòa - Chủ tịch Công ty Live Again Group (chủ nhiệm đề tài xử lý rác thải bằng công nghệ sinh hóa nhiệt không phát thải) đánh trống trong lễ khánh thành nhà máy. (Ảnh Hồng Hà)

“Một công trình xử lý rác thải với nhiệt độ thấp, chuyển hóa với động lực ion từ, cơ khí tự động, chuyển đổi chất thải rắn thành năng lượng và chất đốt tốt nhất khi không có ống khói và bảo vệ môi trường”, GS.TS Huỳnh Văn Hòa chia sẻ và cho biết, chúng tôi sẽ cung cấp một giải pháp công nghệ với nhiều lợi ích kép, thu nhập kinh tế cao, không phát thải, bảo vệ môi trường, thu hồi sản phẩm năng lượng xanh, sạch cho tất cả các đối tác.

Mong muốn nhân rộng ra cả nước

Về phía nhà đầu tư, bà Nguyễn Thị Phương Liên – Giám đốc điều hành Công ty CP môi trường năng lượng xanh ASIAN - cho biết, Nhà máy được khởi công vào ngày 30/4/2024, nhà máy với công suất thiết kết từ 120-150 tấn/ngày đêm theo độ ẩm từng mùa và dự kiến sẽ hoàn thành trong 165 ngày. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 Yagi nên nhà máy chính thức được khánh thành sau hơn 7 thi công, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc xử lý rác thải tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Phương Liên – Giám đốc điều hành Công ty CP môi trường năng lượng xanh ASIAN phát biểu tại lễ khánh thành nhà máy. (Ảnh: Hồng Hà)

Sự ra đời của nhà máy có sự đóng góp không nhỏ của chính quyền tỉnh Bắc Giang, huyện Yên Dũng và người dân thị trấn Nham Biền. Và đặc biệt là sự đóng góp của GS.TS Huỳnh Văn Hòa người đã dành hơn 3 thập kỷ nghiên cứu không ngừng để phát triển công nghệ chuyển hóa rác thải thành năng lượng sạch.

“Sự tận tâm, tầm nhìn, trí tuệ của ông là nền tảng để chúng tôi xây dựng nhà máy tiên phong về công nghệ xử lý rác thải không phát thải. Một nhà máy không chỉ là thành quả khoa học mà còn là kết tinh từ trái tim yêu môi trường và khát vọng cống hiến cho cộng đồng”, bà Nguyễn Thị Phương Liên chia sẻ và cho biết, lễ khánh thành nhà máy không chỉ đánh dấu cột mốc của một công trình mà còn mở ra một hành trình mới.

Đólaf cam kết không ngừng nỗ lực hợp tác với các đối tác để xây dựng thêm nhiều nhà máy xử lý rác thải không phát thải trên toàn quốc, góp phần làm sạch môi trường sống và xây dựng một tương lai xanh cho thế hệ mai sau.

Nhà máy xử lý rác thải 4 ‘không’ đầu tiên tại Việt Nam được khánh thành. Đây không chỉ là giải pháp về môi trường mà còn mang ý nghĩa lớn trong việc thay đổi tư duy, cách chúng ta ứng xử với môi trường, rác thải. (Ảnh Hồng Hà)

Rác thải không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà còn là vấn đề nhức nhối của toàn cầu. Trong bối cảnh đó, chuyển hóa rác thải thành năng lượng, biến những gì được coi là phế phẩm thành tài nguyên quý giá đã trở thành khát vọng của nhiều nhà khoa học của Việt Nam và trên thế giới.

Đây không chỉ là giải pháp về môi trường mà còn mang ý nghĩa lớn trong việc thay đổi tư duy, cách chúng ta ứng xử với môi trường, rác thải. Tuy nhiên, giấc mơ đó chưa bao giờ là dễ dàng. Nhưng với sự vào cuộc của 3 nhà (nhà khoa học, nhà nước (chính quyền địa phương), nhà đầu tư) đã góp sức tạo lên hình hài của Nhà máy chuyển hóa rác thải rắn sinh hoạt, công nghiệp thành năng lượng tái tạo và nhiên liệu sạch đầu tiên tại Việt Nam.

Ông Albert Mardikian – người nắm giữ gần 100 bằng sáng chế về lĩnh vực công nghiệp, môi trường, hàng hải và ô tô cũng đã có những chia sẻ tại lễ khánh thành nhà máy. (Ảnh Hồng Hà)

Đến thăm quan nhà máy, ông Albert Mardikian – người nắm giữ gần 100 bằng sáng chế về lĩnh vực công nghiệp, môi trường, hàng hải và ô tô – cho hay: “Công nghệ sinh hóa nhiệt không phát thải mà các bạn đang sử dụng tại nhà máy này sẽ giúp cho Việt Nam làm sạch môi trường. Hệ thống này giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho Việt Nam khoảng 25%, bên cạnh đó, còn giải quyết cả vấn nạn ô nhiễm môi trường từ chất thải gia súc, gia cầm khoảng 40%”, ông Albert Mardikian chia sẻ.

Theo các chuyên gia, với việc sử dụng công nghệ tuần hoàn, không phát thải, xử lý môi trường ở cấp độ cao sẽ góp phần đạt được mục tiêu kép. Theo đó, vừa phát triển kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, phù hợp với cam kết của Chính phủ tại tại COP26 về việc đưa mức phát thải ròng về "0".

Hồng Hà
Bài viết cùng chủ đề: rác thải sinh hoạt

Tin cùng chuyên mục

Công nghệ phát điện linh hoạt có thể tiết kiệm 65 nghìn tỷ Euro vào năm 2050

Việt Nam - Nhật Bản thúc đẩy hợp tác về chuyển đổi năng lượng

Quy định mới về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới

Growatt được vinh danh trong Top 30 thương hiệu toàn cầu hóa của Forbes Trung Quốc năm 2024

Bộ Công Thương kỳ vọng đột phá phát triển các dự án năng lượng tái tạo

Bộ Công Thương triển khai các Nghị định thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo

Sắp diễn ra Hội nghị triển khai các Nghị định của Chính phủ về thúc đẩy năng lượng tái tạo

Bộ Công Thương làm việc cùng Hội đồng ngũ cốc Hoa Kỳ về hợp tác phát triển nhiên liệu sinh học

Sắp diễn ra Hội nghị triển khai các Nghị định của Chính phủ về thúc đẩy năng lượng tái tạo

Sắp diễn ra Hội thảo quốc tế "Giới thiệu Dự án đào tạo về điện gió".

Phổ biến Nghị định khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ

Growatt ra mắt biến tần hybrid mới cho ứng dụng lưu trữ trong thương mại quy mô vừa và nhỏ

Điện gió toàn cầu dự kiến sẽ đạt thị phần kỷ lục trên thị trường điện

Luật Điện lực (sửa đổi): Động lực phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng mới

Vương quốc Anh sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam xây dựng chuỗi cung ứng ngành năng lượng tái tạo

Tranh cãi việc Hoa Kỳ cho khai thác nhiệt lòng đất để sản xuất điện sạch

Trung Quốc 'phá kỷ lục' thế giới với tuabin gió khổng lồ dài 260m trên biển

Công nghệ điện gió mới rẻ hơn nhờ quỹ đầu tư của Bill Gates

Ấn Độ tham vọng thành cường quốc công nghệ sạch toàn cầu vào 2030

Bạc Liêu: Mong sớm sửa đổi Luật Điện lực, tháo gỡ khó khăn cho điện gió