Tổng Bí thư Đỗ Mười và phóng viên chuyên trách Xuân Lâm trong một chuyến công tác nước ngoài |
Trong câu chuyện lúc chiều muộn, ông đã chia sẻ với chúng tôi về những phong cách giản dị rất đỗi gần gũi mà ông cảm nhận được trong quãng thời gian 8 năm tháp tùng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mưởi trên các hoạt động đối nội và đối ngoại.
Khi được tin nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười từ trần, ông Xuân Lâm đã viết trên trang Facebook của mình: “Xin kính cẩn nghiêng mình dâng nén tâm nhang tưởng niệm nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười- một nhà lãnh đạo hết lòng vì nước vì dân. Những năm tháng công tác ở TTXVN tôi là phóng viên ảnh được phân công chuyên trách ghi hình ảnh các hoạt động trong và ngoài nước của Tổng Bí thư Đỗ Mười. Chính vì thế tôi có nhiều dịp được gặp bác thường xuyên. Đã nhiều năm trôi qua nhưng hình ảnh bác luôn ở trong tâm trí tôi. Xin vĩnh biệt bác Đỗ Mười!”.
Không chỉ được vinh dự trực tiếp phục vụ nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, nhà báo Xuân Lâm còn được chứng kiến những tình cảm dung dị thân thương như người nhà mà nguyên Tổng Bí thư dành cho ông. “Khi mẹ tôi mất, Tổng Bí thư đã nói với bảo vệ và thư ký phải đến nhà thăm viếng. Rồi cuối ngày, gia đình tôi ngỡ ngàng khi thấy ông ghé nhà tôi thắp hương, chia buồn cùng gia đình. Khi cô con gái thứ ba của tôi cưới, Tổng Bí thư cũng đến chúc mừng, còn tặng cháu một quyển sách. Thấy gia đình tôi sống trong căn nhà chật chội (chỉ khoảng 20 mét vuông), Tổng Bí thư nói: nhà 4-5 người ở thế này thì chật quá, xem đề nghị cơ quan tạo điều kiện thế nào”, nhà báo Xuân Lâm kể.
Điều khiến nhà báo Xuân Lâm có ấn tượng nữa là trong cuộc sống nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười rất giản dị, sự giản dị thể hiện ngay trong trang phục. Ông kể, nhà nguyên Tổng Bí thư ở phố Phạm Đình Hổ, nhà ông ở phố Lò Đúc, chỉ cách nhau vài trăm mét. “Thỉnh thoảng tôi vẫn thấy ông đi bộ trên phố vào buổi chiều, tác phong thật dung dị”, ông Lâm nói.
Ấn tượng nhất về nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười mà nhà báo Xuân Lâm nhớ mãi và cũng là điểm rất đặc biệt trong phong cách lãnh đạo của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là ông làm việc rất cụ thể, dứt khoát, quyết liệt, giải quyết vấn đề nhanh chóng. Cái gì mà các tỉnh, thành báo cáo chưa rõ hoặc còn vướng mắc thì ông đều nói thư ký gọi điện thoại thẳng cho người phụ trách để ông nói chuyện trực tiếp, từ đó giải quyết vấn đề còn vướng mắc. Ấy là ở trong nước, còn khi ra nước ngoài, phong cách ung dung tự tin của nguyên Tổng Bí thư cũng gây ấn tượng cho ông. Nhất là trong các cuộc tiếp xúc cấp cao với tổng thống, thủ tướng các nước bạn.
“Bật mí” về công việc của một phóng viên chuyên trách lãnh đạo cấp cao mà như ngôn ngữ báo chí bây giờ gọi là tháp tùng các VIP, ông Xuân Lâm kể ngoài việc tuân thủ đúng các nguyên tắc được định sẵn, lao động của phóng viên chuyên trách thời đó rất vất vả. Phải chuẩn bị tư trang, đồ nghề trước hàng tuần. Khi đi còn phải mang cả máy phóng ảnh lên chuyên cơ. Sang đến nơi ngay sau khi chụp, trong lúc lãnh đạo cấp cao hội đàm thì ông phải hối hả chui vào buồng tối phóng ảnh thành các tấm cỡ 18x24cm rồi tới các phân xã AFP sở tại để thông qua kênh truyền của họ theo phương thức telephoto về tổng xã tại số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. “Kỹ thuật lúc đó không được như bây giờ. Bây giờ gửi ảnh chỉ mất vài phút thậm chí chụp hỏng còn cầu cứu được ông đồng nghiệp nọ kia chứ lúc đó chụp hỏng hoặc bỏ lỡ thời khắc là chỉ có “toi”, sơ xảy là “đứt” ngay. Rất may là ngần ấy thời gian tôi không để xảy ra chuyện gì”, nhà báo Xuân Lâm cười.
Điều đọng lại trong quãng thời gian được tháp tùng nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng là Tổng Bí thư Đỗ Mười với nhà báo Xuân Lâm là ông tự nhận thấy ông không có chức trách cao cấp gì cả, chỉ là một phóng viên ảnh bình thường, những sự quan tâm mà nguyên Tổng Bí thư dành cho ông chính là một vinh dự trong cuộc đời phóng viên.