Trong bối cảnh đó, với tâm thế luôn vững tin, người lao động Dầu khí trên khắp các công trường, công trình biển, nhà máy, xí nghiệp, bằng hành động cụ thể, đã và đang chung tay, góp sức cùng Tập đoàn quyết tâm vượt qua giai đoạn khó khăn lịch sử này…
Anh Nguyễn Trường Sơn, Thợ điện Giàn nén khí trung tâm – Xí nghiệp Khai thác các Công trình khí cùng đồng nghiệp trên Giàn nén khí trung tâm(Vietsovpetro) |
Tăng cường phòng chống dịch, tập trung cao cho sản xuất
Bên cạnh công tác phòng chống dịch, các doanh nghiệp trong ngành Dầu khí vẫn tập trung cao độ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đơn cử, tại Công ty điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC), với đặc thù làm việc nhiều ở những nhà giàn ngoài khơi, để hạn chế di chuyển, người lao động của công ty đã tăng ca làm việc từ 3 tuần lên 4 tuần, và các nhà thầu cũng hạn chế ra giàn nếu không thực sự cấp thiết. Anh Nguyễn Tuấn Nghĩa – Giàn phó Giàn khai thác PQP – HT BIENDONG POC cho biết: Có những việc của nhà thầu, nay các anh em trên giàn phải thay nhau gánh vác. Khối lượng công việc tăng lên đáng kể và luôn phải cẩn trọng trong sinh hoạt, tiếp xúc công việc hàng ngày khiến tâm lý anh em cũng không tránh khỏi xao động. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của ban lãnh đạo công ty, chúng tôi được tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để vừa hoàn thành tốt công việc của mình, vừa phòng tránh dịch một cách hiệu quả. Đặc biệt, trên giàn đã được thiết kế bổ sung một số phòng cách ly đề phòng có trường hợp nghi nhiễm, hệ thống thông gió của phòng này được tách rời khỏi hệ thống chung của giàn để đảm bảo an toàn tối đa cho khu vực bên ngoài…
"Trong bối cảnh toàn ngành đang chịu tác động kép của đại dịch Covid-19 cùng cú sốc giá dầu sụt giảm, chúng tôi hiểu rõ những khó khăn mà đơn vị mình đang gặp phải. Ban lãnh đạo công ty đang nỗ lực hết sức để vừa có thể bảo vệ sức khỏe của CBNV, vừa đồng thời bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn, liên tục và hiệu quả, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động. Chính vì vậy, dù phải tăng thêm thời gian đi ca, kiêm nhiệm thêm nhiều công việc, anh em chúng tôi đều nhất trí, đồng lòng, thậm chí là càng quyết tâm, nỗ lực hơn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, vận hành giàn hiệu quả, an toàn tuyệt đối, góp sức cùng công ty vượt qua khoảng thời gian khó khăn hiện tại.”- anh Nghĩa chia sẻ
Đồng quan điểm trên, Anh Nguyễn Trường Sơn - thợ điện giàn nén khí trung tâm, Xí nghiệp Khai thác các Công trình khí (Vietsovpetro) cũng bày tỏ: Những CBCNV đang trực tiếp lao động sản xuất trên công trình biển của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro luôn cảm thấy an tâm và tin tưởng giá dầu sẽ đi lên trong thời gian tới và đại dịch Covid-19 sẽ bị đẩy lùi, kinh tế thế giới sớm hồi phục. Cùng chung tay chia sẻ khó khăn với cộng đồng xã hội, với ngành Dầu khí. Trong lúc này, tôi nghĩ mỗi người lao động như chúng tôi phải nâng cao vai trò trách nhiệm hơn nữa, phát huy sự sáng tạo trong lao động sản xuất để thúc đẩy công tác sáng kiến cải tiến kỹ thuật, giúp đơn vị nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, bình ổn công việc.
Được biết, các chuyến bay của Vietsovpetro đã tạm hoãn qua ngày 15/4, như vậy, ca biển của một số người lao động phải kéo dài hơn dự kiến xong cán bộ công nhân viên ở đây vẫn an tâm công tác, mọi công việc trên giàn nén khí vẫn được tiến hành bình thường để đảm bảo mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ sản xuất.
Anh Trịnh Thanh Hoàng - Sỹ quan hàng hải, Phòng Hàng hải, Xí nghiệp Vận tải Biển và Công tác lặn (Vietsovpetro) chia sẻ thêm: Chúng tôi thấu hiểu, giá dầu giảm sẽ là áp lực cho lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, cho lãnh đạo Vietsovpetro. Nhưng tôi tin lãnh đạo cấp trên sẽ tìm ra giải pháp phù hợp và điều chỉnh chiến lược kinh doanh của đơn vị cùng như của ngành mình. Để cùng chung tay đối phó với dịch bệnh Covid – 19, CBCNV chúng tôi luôn tuân thủ các yêu cầu về đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, thực hiện các khuyến cáo của ngành y tế về phòng dịch; tận dụng mọi trang thiết bị sẵn có của đơn vị, nâng cao năng suất lao động, tiết giảm chi phí sản xuất.
Anh Trịnh Thanh Hoàng - Phòng Hàng hải, Xí nghiệp Vận tải Biển và Công tác lặn (Vietsovpetro) |
Tại Nhà máy Đạm Cà Mau, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau, là đơn vị sản xuất nên nhà máy vẫn phải hoạt động 24/24. Anh Nguyễn Anh Trực – Trưởng ca xưởng phụ trợ của Nhà máy chia sẻ: Hàng ngày chúng tôi vẫn phải làm việc cùng các đối tác nước ngoài, các khách hàng nên rủi ro về dịch bệnh luôn tiềm ẩn. Ban lãnh đạo Công ty và Nhà máy đã sớm nhận ra những nguy cơ này và đã có những biện pháp ứng phó chống dịch rất kịp thời. Bên cạnh việc đeo khẩu trang 100% khi làm việc, được đo thân nhiệt thường xuyên, người lao động được sắp xếp đi trên xe công vụ không quá 20 người/ xe 45 chỗ; các cụm, khối, phòng, ban đều được sắp xếp đi riêng từng xe để hạn chế lây chéo. Hàng ngày chúng tôi được chia thành 2 ca ngày và đêm, gồm 4 kíp; cứ 2 kíp trực thì 2 kíp nghỉ, thay phiên nhau làm 2 ngày nghỉ 2 ngày...
Kỹ sư Đỗ Hồng Quang, Ban Vận hành sản xuất Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cho hay: Dù bị ảnh hưởng nặng nề dưới tác động của dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu nhưng ngành dầu khí nói chung và BSR nói riêng đã và đang thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động.
Kỹ sư vận hành tại phòng điều khiển Trung tâm Nhà máy Lọc dầu Dung Quất |
"Hằng ngày mỗi cá nhân chúng tôi đều cố gắng tìm những sáng kiến, ý tưởng mới để tìm cách tối ưu vận hành, sản xuất nhằm tiết giảm chi phí. Năm 2020 cũng là thời điểm BSR chuẩn bị bảo dưỡng tổng thể nhà máy, do bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, nên nhiều kịch bản được đưa ra để giải quyết khó khăn trước mắt cũng như lâu dài. Ban lãnh đạo công ty đã đánh giá cụ thể chi tiết, tạo tiền đề cho việc tối ưu thời gian bảo dưỡng tổng thế nhà máy sau này. Chúng tôi cũng đã đưa ra nhiều giải pháp vận hành nhà máy với công suất khác nhau để duy trì ổn định và hiệu quả khi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm xăng dầu giảm do dịch bệnh Covid-19"- anh Quang nhấn mạnh.
Đồng bộ các giải pháp ứng phó
Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia và các đơn vị thành viên đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, quyết sách để vượt qua khủng hoảng kép, với mục tiêu bảo vệ tốt nhất sức khỏe cho người lao động Dầu khí, đồng thời duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mới đây, Ban Thường vụ Đảng ủy Cơ quan Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 05-NQ/TV về thực hiện phòng chống, khống chế dịch bệnh Covid-19 và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách ứng phó trong tình hình giá dầu sụt giảm. Theo đó, các cấp ủy đảng, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội Cơ quan Tập đoàn cần tập trung quán triệt, triển khai quyết liệt, chủ động, hiệu quả các giải pháp, phòng chống dịch bênh Covid-19 theo các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ/ngành, địa phương và của Tập đoàn trong tình hình mới, đặc biệt trong đợt cao điểm hiện nay. Chủ động các phương án hành động để phối hợp cấp ủy đảng, các tổ chức đoàn thể để triển khai thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ, trang bị đầy đủ thiết bị cần thiết để phòng chống dịch và thực hiện các giải pháp đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của Cơ quan Tập đoàn.
Đến thời điểm này, các doanh nghiệp trong Tập đoàn đã đưa ra các kế hoạch cụ thể để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cao điểm phòng chống dịch. Cụ thể, từ ngày 1/4/2020, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã áp dụng chế độ làm việc đặc biệt. Các cán bộ, nhân viên từ cấp Trưởng phòng trở lên, cán bộ y tế làm việc bình thường tại trụ sở Tổng Công ty. Những người khác triển khai làm việc trực tuyến tại nhà. Đối với người Đại diện của PVEP tại các Dự án chủ động triển khai các biện pháp làm việc cho CBNV làm việc tại trụ sở phù hợp với tình hình tại địa phương mà Dự án có hoạt động hoặc đặt trụ sở làm việc, trên tinh thần cho phép tối đa người lao động được làm việc trực tuyến tại nhà.
Từ ngày 30/3 đến 15/4/2020, Công ty Cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) có chủ trương cho phép tối đa 30% nhân sự thuộc các ban chuyên môn có thể sắp xếp làm việc tại nhà bằng hình thức online. Còn Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã linh hoạt, ban hành Hướng dẫn tạm thời về chế độ làm việc tại nhà hoặc ngoài văn phòng trong các trường hợp bất khả kháng. Ngoài việc ngăn ngừa và phòng chống dịch bệnh, PV GAS cũng nhanh chóng xây dựng các giải pháp nhằm ổn định sản xuất kinh doanh, giảm thiểu tác động xấu của dịch bệnh đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
Đối với Tổng công ty Cổ phân Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling), đơn vị đã lên các kịch bản và giải pháp ứng phó để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định.Cán bộ nhân viên trên giàn tạm thời sẽ không về nước khi hết ca, và sẽ tuân thủ các quy định về an toàn tại nước sở tại như thực hiện tự cách ly cho đến ca làm việc tiếp theo.
Ở Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), và các đơn vị chủ động bố trí, đảm bảo hàng ngày có tối đa 50% số người lao động thực hiện chế độ làm việc từ xa...
Tin tưởng rằng, với ý chí, nghị lực, bản lĩnh của Những người đi tìm lửa càng được phát huy qua những khó khăn, gian khổ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ vững bước vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục phát triển. |