Doanh nghiệp chịu tác động từ chuyển đổi xanh
Tại Hội thảo “Thúc đẩy quan hệ hợp tác hướng tới tăng trưởng xanh và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ” do Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) phối hợp với Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) và Ngân hàng thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tổ chức vào sáng 11/12, các chuyên gia đều khẳng định, chuyển đổi xanh đang là xu hướng tất yếu, là con đường bắt buộc các doanh nghiệp phải đi. Xu hướng này không có sự lựa chọn nào khác, nhất là trong bối cảnh tiêu dùng các sản phẩm xanh đang trở thành trào lưu chủ đạo, dẫn dắt người tiêu dùng và làm thay đổi hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trên toàn cầu.
Hội thảo “Thúc đẩy quan hệ hợp tác hướng tới tăng trưởng xanh và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ” diễn ra vào sáng 11/12, tại Hà Nội. Ảnh: NH |
Theo TS Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Sản xuất xanh là xu hướng toàn cầu và lựa chọn tất yếu của doanh nghiệp hiện nay, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia rất nhiều các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26 và COP28)… hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Cũng theo TS Nguyễn Minh Thảo, sản xuất xanh là yêu cầu tất yếu còn bởi các đối tác thương mại của Việt Nam gần đây đã đưa ra những yêu cầu mới, điển hình như Chương trình Thoả thuận xanh châu Âu (EGD). Đây là chương trình tổng thể và dài hạn của Liên minh châu Âu, nhằm ứng phó với các vấn đề khẩn cấp về khí hậu toàn cầu đến năm 2050.
EGD được thông qua vào ngày 15/1/020, tuy nhiên theo bà Nguyễn Minh Thảo: “Từ tháng 1/2020 đến 10/2023, EU đã có 58 hành động chính sách xanh hoặc dự kiến có ảnh hưởng trực tiếp đến hàng hoá nước ngoài nhập khẩu vào khu vực này” .
Tại hội thảo, bà Nguyễn Minh Thảo cũng thống kê 4 chính sách xanh tác động đến hoạt động xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam sang EU, bao gồm: Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM); chiến lược từ trang trại đến bàn ăn; kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn; chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030.
Trong đó, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon là một cơ chế của EU nhằm kiểm soát lượng khí nhà kính được thải ra từ hàng hoá nhập khẩu vào EU. CBAM cũng đặt ra một giới hạn về lượng carbon mà các sản phẩm phải tuân thủ để được nhập khẩu vào EU, tạo áp lực đối với các doanh nghiệp ngoại vi khu vực EU để giảm xuất nhập khẩu trong quá trình sản xuất hoặc trả thuế carbon cho các sản phẩm của họ.
Với CBAM, nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu. Nếu lượng khí thải này vượt quá tiêu chuẩn của EU, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải mua “chứng chỉ khí thải” theo mức giá carbon tại EU. Nếu doanh nghiệp nhập khẩu chứng minh được giá carbon đã được thanh toán khi sản xuất hàng nhập khẩu, lượng phát thải tương ứng có thể được khấu trừ.
Chuyển đổi xanh không chỉ hỗ trợ Việt Nam giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu mà còn đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Ảnh: NH |
Hỗ trợ doanh nghiệp do nữ làm chủ trong tiến trình xanh hóa sản xuất
Trước sức ép của chuyển đổi xanh, hiện rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp do nữ làm chủ nói riêng đang đặc biệt chú trọng đến vấn đề chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện được mục tiêu chuyển đổi xanh, bởi bên cạnh vấn đề chính sách, công nghệ thì nguồn vốn đầu tư cho chuyển đổi xanh vẫn là bài toán khó đối với nhiều doanh nghiệp hiện nay. Đặc biệt là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, bởi đây đa số là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.
Theo các chuyên gia, chuyển đổi xanh không chỉ hỗ trợ Việt Nam giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu mà còn đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, để thực hiện chuyển đổi xanh, hiện doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp do nữ làm chủ nói riêng vẫn đối mặt với rất nhiều thách thức.
Theo ông Oliver Rowntree – Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), có 3 thách thức doanh nghiệp do nữ làm chủ đang phải đối mặt trong tiến trình chuyển đổi xanh, bao gồm: Khó khăn về tài chính; thiếu nguồn hỗ trợ, nhất là các hỗ trợ liên quan đến nguồn lực kỹ thuật và những định kiến không đúng đối với doanh nghiệp do nữ làm chủ. Trong đó, tài chính vẫn là vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Để hỗ trợ doanh nghiệp do nữ làm chủ tham gia vào tiến trình chuyển đổi xanh, ông Oliver Rowntree cho rằng, cần có những khoản vốn hỗ trợ từ Chính phủ hoặc các bên khác giúp doanh nghiệp do nữ làm chủ trong tiến trình chuyển đổi xanh. Đặc biệt, hiện IFC đang có Chương trình She Wins Climate - đây là chương trình có quy mô vùng ở khu vực Đông Nam Á, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp liên quan đến khí hậu, chuyển đổi xanh, theo đó sẽ hỗ trợ doanh nghiệp từ những bước đi ban đầu để sau này tiếp cận vốn của IFC.
Cũng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp do nữ làm chủ tiếp cận tín dụng, ông Đào Gia Hưng – Phó Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) cho biết, VP Bank cũng đưa ra những giải pháp tài chính toàn diện nhằm tiếp sức cho doanh nghiệp do nữ làm chủ.
Để hỗ trợ doanh nghiệp do nữ làm chủ tiếp cận tài chính cho chuyển đổi xanh, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam đang thực hiện dự án “Empower: Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ thông qua chuyển đổi xanh”. Dự án được thực hiện với sự hỗ trợ của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) từ tháng 1/2024, nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, hướng tới phát triển bền vững và hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo tăng khả năng thích ứng trước tác động của biến đổi khí hậu; nâng cao kiến thức về các mô hình kinh doanh giảm phát thải các-bon và sử dụng năng lượng tái tạo; tăng cường cơ hội tiếp cận tài chính, kết nối các nhà đầu tư và thúc đẩy nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ.
Theo bà Mai Thị Diệu Huyền - Phó Chủ tịch phụ trách điều hành Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam: “Thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo với các bên trong bối cảnh tăng trưởng xanh là chìa khóa, góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh nơi phụ nữ có thể phát huy tiềm năng và đóng góp tích cực cho sự phát triển ngày càng “xanh” của doanh nghiệp và toàn xã hội”.