Người giữ lửa nghề sơn mài Hạ Thái
Bà Nguyễn Thị Hồi là một trong bốn nghệ nhân đầu tiên của làng nghề sơn mài Hạ Thái được công nhận danh hiệu năm 2006. Sinh ra trong gia đình theo nghề truyền thống nên bà đã gắn bó với nghề làm tranh từ khi còn nhỏ, lòng say nghề cũng được hun đúc từ đó. Đến nay khi nhắc đến tranh sơn mài Hạ Thái, người ta không khỏi nhớ đến một nữ nghệ nhân tay nghề điêu luyện với cái đầu đầy sáng tạo.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi |
Hơn 40 năm làm nghề, phát triển nghề, nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi nắm chắc quy trình sản suất truyền thống, đặc biệt là các loại cốt, nước sơn kỹ thuật làm vóc, kỹ thuật trang trí sơn mài, từ đó tạo ra các sản phẩm có tính kỹ thuật, mỹ thuật cao.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi chia sẻ: “Nghề làm tranh sơn mài này đòi hỏi kỹ thuật công phu, tỉ mỉ trong từng công đoạn. Để hoàn thành một sản phẩm sơn mài phải qua chừng 20 công đoạn, kỳ công nâng lên đặt xuống rất nhiều lần, có khi phải mất cả tháng”.
Bà cho biết, để thành thạo chế tác một tác phẩm sơn mài, người thợ cần nhiều thời gian, đúc kết qua nhiều năm tháng, thậm chí phải học hỏi tích lũy cả đời. Từ khâu đầu tiên là tạo cốt để phủ sơn mài người thợ đã phải hết sức cẩn thận, tinh tế; sau đó trải qua nhiều công đoạn, cho đến khâu phủ sơn, phơi sản phẩm cũng phải rất cẩn trọng mới giữ được độ bóng, độ mịn. Nghệ nhân chia sẻ, nước sơn và nét vẽ chính là yếu tố quyết định làm nên vẻ đẹp của sản phẩm sơn mài, pha chế nước sơn cũng là cả một nghệ thuật đối với người thợ.
“Không kiên trì, nhẫn nại, không yêu nghề thì khó theo được nghề” – nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi khẳng định.
Với tâm niệm đó mà các sản phẩm bà làm ra đều rất tinh xảo, chi tiết, mang đậm dấu ấn cá nhân. Nhiều sản phẩm tiêu biểu của bà được người yêu tranh sơn mài yêu thích như: bức tranh mẹ địu con, bộ bình phong sơn mài hoa sen, lọ ly cốt gốm, đĩa lục giác trang trí hoa đào, tranh hoa sen gắn trứng… Tất cả gây ấn tượng với nét vẽ đẹp và màu sắc hài hòa.
Nhiều sản phẩm của nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi được sử dụng làm mẫu giáo cụ phục vụ công tác giảng dạy tại Trường trung cấp nghề tổng hợp Hà Nội.
Theo nhịp phát triển của thị trường, phương pháp sản xuất hoàn toàn thủ công của làng nghề Hạ Thái không còn phù hợp với bối cảnh mới. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng cũng như tăng khả năng cạnh tranh, nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi là một trong những người tiên phong tại làng nghề áp dụng công nghệ hiện đại vào kỹ thuật sơn mài. Bà sử dụng cả kỹ thuật mài truyền thống và kỹ thuật vẽ mới để tạo ra các sản phẩm phong phú, nhiều cách trang trí đẹp đối với cả sản phẩm truyền thống và sản phẩm mới có tính thời trang. Bà cũng là người thợ có nhiều sáng tạo mới về mẫu sản phẩm và kỹ thuật sơn mài.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi cho biết, bà muốn nâng cấp mặt hàng của mình lên có chất lượng nghệ thuật, không thể chỉ làm mãi theo phương pháp thủ công xưa, nhất là phần mẫu mã thiết kế cũng như họa tiết, màu sắc cần phải có sự đầu tư của nghệ thuật hội họa. Giờ đây sản phẩm, mặt hàng nào cũng vậy, tất cả phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường, hàng phải đẹp, lạ, bền.
Theo dòng chảy của thời gian, làng nghề Hạ Thái cũng như các làng nghề truyền thống khác, trải qua nhiều thăng trầm, biến cố, phải không ngừng đổi mới, chuyển mình để duy trì và phát triển. Những nghệ nhân như bà Nguyễn Thị Hồi vẫn ở đó mang vai trò giữ lửa, truyền nghề, bảo tồn và phát huy những giá trị cha ông để lại. Với nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi, “việc những người thợ làng sơn mài Hạ Thái như tôi cần làm là bền bỉ lao động sáng tạo, không ngừng cố gắng để giữ nghề truyền thống”.