Nghịch lý sản phẩm OCOP: Thừa tiêu chuẩn vẫn thiếu đầu ra?
Là một trong những địa phương đi đầu trong toàn vùng về Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đến nay Đồng Tháp có 375 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao. Trong đó có 275 sản phẩm đạt 3 sao và 81 sản phẩm đạt 4 sao 01 sản phẩm đạt 5 sao là hạt Sen sấy của Công ty TNHH MTV Nam Huy ĐồngTháp.
Hay với tỉnh Cà Mau, tới nay tỉnh này có 77 sản phẩm OCOP đã được công nhận 3 sao trở lên và theo kế hoạch năm 2022, 62 sản phẩm mới đã đăng ký để được chứng nhận OCOP. Còn Cần Thơ, theo Sở Công Thương TP. Cần Thơ, địa phương này đang có 41 sản phẩm OCOP đã được công nhận và đang tiếp tục kế hoạch công nhận nhiều sản phẩm khác trong năm nay.
Đặc biệt, thông qua Chương trình OCOP, nhiều sản phẩm đã được người tiêu dùng trong nước cũng như thế giới đón nhận. Thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm đã được thị trường đón nhận, có sức cạnh tranh cao. Đơn cử như sản phẩm hạt sen sấy, mít sấy của Công ty TNHH MTV Nam Huy. Việc đưa 2 sản phẩm này tới thị trường còn giúp người tiêu dùng biết tới vùng sen Đồng Tháp.
Thực tế, có thể thấy sau hơn 6 năm triển khai, Chương trình OCOP đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, được triển khai đồng bộ, rộng khắp, được tất cả các địa phương chủ động triển khai một cách hiệu quả và thành công, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Nhiều sản phẩm OCOP nhanh chóng tìm được chỗ đứng trên thị trường |
Tính đến tháng 4/2023, đã có 63/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm. Cụ thể, cả nước đã có 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Trong đó, 66,9% sản phẩm 3 sao, 32,2% sản phẩm 4 sao, 0,6% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 20 sản phẩm 5 sao, với 5.069 chủ thể OCOP.
Riêng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 1.270 sản phẩm được công nhận OCOP đạt từ 3 sao trở lên, chiếm 17,1% tổng số sản phẩm OCOP của cả nước. Trong đó, 66,8% sản phẩm đạt 3 sao, 30,6% sản phẩm đạt 4 sao, 2,4% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 3 sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Có 643 chủ thể OCOP với 32,8% là doanh nghiệp, 17,2% là hợp tác xã và 48,4% là các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Hiệu quả từ Chương trình OCOP đã thấy rõ, song không phải sản phẩm nào cũng tìm được chỗ đứng trên thị trường, được tiêu thụ rộng rãi và khẳng định giá trị riêng.
Thực tế cho thấy, trước sự “nở rộ” Chương trình OCOP, thì còn có nỗi lo về đầu ra sản phẩm. Không ít các sản phẩm OCOP dù đạt các chứng nhận, nhưng vẫn loay hoay trong khâu tiêu thụ.
Câu chuyện của Hợp tác xã hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng) là một ví dụ điển hình. Theo đó, sau khi đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao và được cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, hợp tác xã này kỳ vọng sản phẩm sẽ vươn xa. Thế nhưng, sản phẩm của hợp tác xã chủ yếu tiêu thụ nội địa, thậm chí vụ mùa năm 2021 còn phải bù lỗ vì thiếu đầu ra.
Tương tự với trái bưởi da xanh, đặc sản của vùng đất Châu Thành (Bến Tre), để được gắn sao, đạt các tiêu chí theo Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, quy trình sản xuất khá công phu và tốn kém. Thế nhưng, dù được công nhận sản phẩm OCOP, đạt chuẩn 4 sao, 5 sao thì việc giá bán 1 kg bưởi ngoài thị trường không cao hơn so với lúc chưa được chứng nhận.
Ông Nguyễn Anh Đức – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, thực tế hiện nay, quy mô sản xuất của các chủ thể còn nhỏ. Sản phẩm tạo ra mới chủ yếu ở dạng thô. Do đó chỉ có một số ít các sản phẩm vào được kênh phân phối hiện đại hoặc xuất khẩu, còn lại tới hơn 70% sản phẩm được tiêu thụ qua các kênh truyền thống. Thậm chí nhiều sản phẩm loay hoay không tìm được đầu ra.
Cũng theo ông Đức, một sản phẩm OCOP muốn có chỗ đứng trên thị trường thì trước hết các chủ thể phải xác định được đây có phải là sản phẩm đặc trưng riêng của vùng, miền không; tiếp đến là sản xuất sản lượng ổn định; và cuối cùng chính là khâu thiết kế mẫu mã, bao bì cho sản phẩm. Đây cũng là điều dễ hiểu khi trong số vô vàn sản phẩm OCOP của vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn có những sản phẩm dù chỉ đạt ở mức 3 sao, 4 sao địa phương nhưng đã có chỗ đứng nhất định.
Nhiều chuyên gia nhìn nhận, việc gắn thương hiệu OCOP cho một số sản phẩm vẫn chưa đúng bản chất, khiến các sản phẩm OCOP "vàng - thau" lẫn lộn. Nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách đạt sao như một tấm “hộ chiếu” thông hành cho sản phẩm, dẫn đến nhiều sản phẩm đã được gắn sao, được quảng bá rầm rộ, chạy theo phong trào, nhưng sức tiêu thụ rất thấp, khiến cho sản phẩm khó đứng vững trên thị trường.
Có thể thấy rằng, từ sân chơi OCOP các sản phẩm chất lượng cao sẽ là điều kiện để các sản phẩm nông nghiệp có cơ hội vươn ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, các địa phương và chủ thể OCOP cần nhìn nhận rằng, chứng nhận OCOP không phải một “kim bài” bảo chứng lâu dài cho bất kỳ sản phẩm nào. Suy cho cùng, khách hàng mua sản phẩm vẫn vì giá trị cốt lõi là chất lượng.