Hà Nội triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP: Linh hoạt biện pháp chi trả |
Sự quan tâm kịp thời
Với lợi thế cả tiếng Anh và tiếng Trung, anh Đinh Văn Phương (Cầu Diễn, Hà Nội), từng là hướng dẫn viên du lịch rất “đắt tour”. Những ngày chưa có dịch, cả tháng may ra anh nghỉ ở nhà được 1-2 ngày. Nhưng gần 2 năm nay, do dịch bệnh nên anh không có việc làm.
Hướng dẫn viên du lịch được hỗ trợ theo phương thức chi trả một lần 3.710.000/đồng/người |
“Khi nắm được thông tin trong Nghị quyết 68/NQ-CP, hướng dẫn viên du lịch cũng là đối tượng được hưởng hỗ trợ, tôi và đồng nghiệp rất phấn khởi. Thực tế, với số vốn tích lũy hơn 20 năm làm nghề, tôi vẫn đảm bảo duy trì được cuộc sống cho gia đình; hơn thế số tiền hỗ trợ hơn 3,7 triệu đồng không phải là nhiều, nhưng đã thể hiện sự quan tâm kịp thời của Chính phủ đến người lao động trong ngành du lịch ở thời điểm dịch bệnh khó khăn nhất. Điều đó là động lực để tôi cũng như những đồng nghiệp quyết tâm ở lại với nghề…”, anh Phương nói.
Còn với anh Lê Quốc Dũng (Hà Đông, Hà Nội), sau gần 10 năm trở lại với nghề hướng dẫn viên du lịch tiếng Trung và cũng đã từng trải qua một số giai đoạn khó khăn của ngành, nhưng đại dịch Covid-19 khiến anh hoảng sợ nhất.
Anh Dũng kể, sau khi ra trường, anh làm nghề được 5 năm thì chuyển sang kinh doanh. Nhưng sau hơn 3 năm kinh doanh, anh lại trở về với nghề, đến nay đã được gần 10 năm, và giờ thì đang rơi vào cảnh thất nghiệp.
Không chỉ riêng anh Phương, anh Dũng, đại dịch Covid-19 khiến nhân lực ngành du lịch gặp khó khăn vô cùng. Với hơn 90% doanh nghiệp trong ngành phải đóng cửa thì phần lớn người lao động trong ngành phải chuyển nghề để mưu sinh là điều tất yếu. Nhiều người đã chuyển sang làm xe ôm, người thì giao hàng, bán hàng online… một số ít quyết bám nghề đến cùng sẽ tận dụng vốn ngoại ngữ làm phiên dịch, chờ tương lai của ngành phục hồi.
Nhưng họ đã rất phấn khởi khi được nhận trợ cấp lần này, với thủ tục nhanh gọn. Số tiền tuy không lớn, song việc hỗ trợ kịp thời và thực hiện minh bạch gói hỗ trợ phần nào giúp người lao động trong ngành vượt qua khó khăn trước mắt, có thêm động lực ở lại với nghề khi dịch bệnh qua đi.
Tạo điều kiện tối đa hỗ trợ người lao động
Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, số hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ trên toàn quốc hiện là 26.721 người. Trong đó, có 16.965 hướng dẫn viên du lịch quốc tế, 8.743 hướng dẫn viên du lịch nội địa và 1.013 hướng dẫn viên du lịch tại điểm. Những người này bị mất việc làm do hoạt động du lịch bị đình trệ từ khi dịch bùng phát vào đầu năm 2020, đặc biệt là từ cuối tháng 4/2021 đến nay.
Đến nay, nhiều địa phương đã thực hiện hỗ trợ đợt 1 đối với các hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn như: Yên Bái, Gia Lai, Cần Thơ, Bình Định, Nghệ An, Lạng Sơn, Sóc Trăng… Riêng tỉnh Bình Định đã tiến hành hỗ trợ đợt 2. Kinh phí hỗ trợ theo phương thức chi trả một lần là 3.710.000/đồng/người.
Riêng tại Đà Nẵng, để tạo điều kiện hỗ trợ tối đa người lao động, địa phương đã ra thông báo thực hiện hỗ trợ người lao động trong ngành du lịch bị mất việc làm nhưng không có giao kết hợp đồng lao động. Theo đó, đối tượng được hưởng mức hỗ trợ này là người lao động tự do, bị mất việc làm ở các cơ sở lưu trú từ 20 phòng trở lên và đơn vị lữ hành, khu, điểm du lịch thuộc quản lý của Sở Du lịch. Người lao động đáp ứng đủ điều kiện cư trú hợp pháp tại địa phương (có hộ khẩu thường trú hoặc sổ tạm trú) sẽ được nhận mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng dưới hình thức chi trả một lần.
Tại Hà Nội, ngay khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã thành lập tổ công tác để triển khai. Các thành viên trong tổ có trách nhiệm nghiên cứu chính sách, chủ động tham mưu, đề xuất các ý kiến để xây dựng kế hoạch triển khai cho phù hợp.
Sau khi có Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, sở cũng đã họp tổ công tác, đồng thời, phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo quyết định của thành phố. Về cơ bản, các chính sách hỗ trợ của TP. Hà Nội phù hợp với thực tế ở từng địa phương, nhóm đối tượng. Quy trình triển khai bảo đảm linh hoạt, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Đối với nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác, việc xây dựng tiêu chí xác định đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng sẽ được tiến hành cẩn trọng, bảo đảm đúng người.
Theo bà Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, điều gì tốt nhất cho người lao động, Hà Nội sẽ áp dụng. Vì thế, các chính sách hỗ trợ sẽ được triển khai linh hoạt, tránh trùng lặp, không bỏ sót.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng công bố số điện thoại đường dây nóng 0911191122 để giải đáp về chính sách hỗ trợ đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn; chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch và thông tin tổng hợp tình hình thực hiện các chính sách. |