Thứ hai 23/12/2024 03:35

Nghệ nhân Vũ Văn Chầm: Người truyền lửa và phát huy nghề khâu giày truyền thống

Ông Vũ Văn Chầm - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giày Việt - nói rằng, để trở thành một người thợ khâu giày cần hai đức tính quan trọng là trí và lực. Nhưng để là người thợ giỏi cần phải có đầu óc tinh thông, đôi tay tài hoa và sự yêu nghề say đắm”. Và chính tình yêu nghề say đắm ấy đã làm nên người thợ Vũ Văn Chầm khâu giày bậc thầy hiện nay ở Việt Nam.

Ông Vũ Văn Chầm, sinh năm 1934 tại Phong Lâm, xã Hoàng Diệu, huyện An Lộc, Hải Dương, hiện cư ngụ tại phường Bến Nghé, quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Nhờ một đời gắn bó với nghề khâu giày, ông Chầm hiện là nghệ nhân, doanh nhân hàng đầu nghề da giày tại Việt Nam. Từ thủ công cổ truyền kết hợp với kỹ thuật đóng giày bằng máy móc hiện đại, ông Chầm đã tạo ra nhiều chủng loại giày dép chất lượng ngày càng cao, mẫu mã thời trang đẹp, hiện đại.

Thương hiệu Vina Giầy ra đời là thương hiệu hơn 60 năm gần như quen thuộc cả nước, hiện nay ông còn có 4 thương hiệu là Vũ Chầm, Vina Giầy, Giày Việt, Vinagico, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Năm 1992-1993, các sản phẩm của ông đã đạt 8 huy chương vàng giày da nam nữ trong Hội chợ quốc tế hàng công nghiệp Việt Nam.

Năm 1999, đạt Top 5 ngành hàng da giày; năm 2008 đạt Top 10 thương hiệu Việt Nam; năm 2011 công ty của ông đạt danh nghiệp tiêu biểu ASEAN; năm 2014-2017 sản phẩm của công ty đạt chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn và hiện ông là doanh nhân ưu tú của Việt Nam. Ông Chầm kể, để có được những thành tích nêu trên, cuộc đời ông gắn bó với nghề khâu giày quả thực không biết bao nhiêu “trần ai” với bốn lần khởi nghiệp sau những lần tay trắng sạt nghiệp.

Nghệ nhân Vũ Văn Chầm bên những sản phẩm giày dép của mình

Nghệ nhân Vũ Văn Chầm sinh ra tại làng Phong Lâm, nơi có nghề da giày truyền thống lâu đời ở Việt Nam. Vũ tộc có đến 18 đời làm nghề khâu giày, cụ tổ của ông Chầm là người duy nhất khâu giày cho vua Lê Thánh Tông. Năm 1950, theo ý nguyện của người cha đã mất sớm là cần có một công việc để kiếm sống, ông chọn nghề đóng giày gia truyền. Sau Hiệp định Genève được ký kết, ông theo gia đình vào miền Nam lập nghiệp.

Năm 1957, ông Chầm mở tiệm giày Thanh Bình ở khu chợ Vườn Chuối (quận 3), nhưng do hỏa hoạn đã làm mất hết gia sản. Năm 1960, cơ sở giày của ông làm gia công cho hãng giày Bata của Pháp và năm 1965, thương hiệu giày Sài Gòn ra đời và đã sản xuất 50 thương hiệu giày da chất lượng cao cung cấp cho thị trường từ Cà Mau ra đến Bình Trị Thiên. Sau giải phóng miền Nam gia nghiệp hầu như không còn gì, cho đến năm 1990, ông Chầm vay người thân hai cây vàng để dựng nghiệp lần bốn với thương hiệu Vina Giầy. Công ty CP Giày Việt hiện có hơn 1.000 mẫu mã, mỗi ngày công ty tạo ra ít nhất một mẫu mã mới cung cấp cho hệ thống cửa hàng phủ khắp cả nước, trong đó hơn 30% xuất khẩu.

Ngoài vai trò cố vấn cho các con ông ở Công ty Giày Việt, nghệ nhân Vũ Văn Chầm hiện là Chủ tịch Hiệp hội Da Giày TP.Hồ Chí Minh và ông là người có đóng góp lớn cho ngành công nghiệp sản xuất da giày và “truyền lửa nghề” cho thế hệ sau. Từ khi khởi nghiệp cho đến nay, ngoài dồn lực để dựng nghiệp, ông Chầm là người luôn quý trọng, muốn gìn giữ nghề da giày truyền thống và luôn mong muốn học trò của mình phải giỏi nghề hơn thế hệ của ông.

Nhờ đó, ông nhẩm tính hiện đã có hơn 200 người thợ khâu giày là học trò của ông, bây giờ có người đã trở thành nghệ nhân và không ít người đang ăn nên làm ra. “Nghề khâu giày truyền thống có hàng trăm công đoạn, không như máy móc chỉ làm dăm ba công đoạn. Với học trò, tôi dạy cho họ tỉ mỉ từng khâu một, từ khâu đầu đến khâu cuối, vì vậy chỉ chừng hai năm học là nhiều người đã là tay thợ giỏi nghề”, ông Chầm chia sẻ.

Giày dép mang thương hiệu Vina Giầy đang được giới trẻ chọn lựa

Để bảo tồn và phát huy giá trị của ngành da giày truyền thống, không chỉ nhiệt tâm truyền nghề cho những người học việc tìm đến ông, những nhân viên trong công ty ông Chầm còn hỗ trợ bằng nhiều hình thức để nghề da giày truyền thống có thêm điều kiện bảo tồn những giá trị của kinh nghiệm và phát triển. Chẳng hạn, để báo ơn tổ nghiệp và duy trì nghề ông cha để lại, ông Chầm về lại cố hương xã Hoàng Diệu, huyện An Lộc, tỉnh Hải Dương đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng một ngôi nhà lớn trên phần đất ông mua rộng 3.600m2 để thành lập Hiệp hội Du lịch phát triển kinh tế làng nghề da giày Hoàng Diệu.

Theo ông Chầm, đây là ngôi nhà tổ nghề da giày của bao thế hệ, trong đó có ông. Nó ra đời nhằm mục đích để khách thập phương mỗi khi đến đây có thể xem, mua sản phẩm; nghiên cứu, hợp tác sản xuất, xuất khẩu và tổ chức truyền nghề cho thế hệ sau.

Nghệ nhân Vũ Văn Chầm tuy tuổi đã cao nhưng vẫn minh mẫn nhờ ba thập kỷ nay ông sống thiền theo chân lý nhà phật và luôn giữ ngọn lửa cháy bỏng nghề khâu giày da truyền thống. Đối với nghề, ông tâm niệm rằng “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh”, và cả đời ông đã “sống chết” chỉ với một nghề là tạo ra những đôi giày đẹp nhất bằng đôi tay của mình. Đây chính là kim chỉ nam giúp ông gượng dậy sau bốn lần tán gia bại sản và nổi danh trong làm nghề.

Thế Vĩnh

Tin cùng chuyên mục