Nghệ nhân Trần Văn Trầm: Nhà điêu khắc tài hoa đất Tiền Giang
Nghệ nhân - Nhà điêu khắc Trần Văn Trầm sinh ngày 15/10/1953 tại ấp 3, xã Phú An, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang trong một gia đình nông dân. Tuổi thơ của ông sống trong nghèo khổ và đầy sóng gió.
Nghệ nhân - Nhà điêu khắc Trần Văn Trầm |
Tài hoa trong nghề nghiệp, thích sáng tạo nghiên cứu, Nghệ nhân - Nhà điều khắc Trần Văn Trầm đã sáng tác hàng chục tác phẩm và xây dựng các công trình văn hóa nghệ thuật, các công trình lịch sử mang tính giáo dục truyền thống, tượng đài, biểu tượng, các tác phẩm điêu khắc với nhiều chủ đề, thể loại, kích thước, chất liệu…
Tác phẩm của ông có độ lắng sâu về triết lý, từng đường nét, độ sáng tối trên tác phẩm là một sự phối hợp, hoà quyện tự nhiên giữa yếu tố truyền thống và hiện đại. Chỉ tính riêng số lượng tác phẩm bia tượng được đặt tại các địa danh lịch sử của Tiền Giang, ông xứng đáng là người giữ kỷ lục. Cụ thể, ở TP. Mỹ Tho: bia lưu niệm Căn cứ tỉnh ủy (xã Đạo Thạnh), bia lưu niệm Căn cứ tỉnh đội (Hốc Đùn), tượng chân dung Thủ Khoa Huân tại sân Trường tiểu học Thủ Khoa Huân, phù điêu truyền thống ngành công an tỉnh. Về tượng có tượng anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, tượng nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, tượng anh hùng dân tộc Thiên Hộ Dương, tượng nhà bác học Lê Quí Đôn….
Ở huyện Chợ Gạo: bia Căm thù nhân dân Bình Ninh bị Mỹ Nguỵ thảm sát, bia Bảy dũng sĩ Xóm Ao (xã Thanh Bình), phù điêu truyền thống đấu tranh của quân và dân xã Thanh Bình - Chợ Gạo, khu tưởng niệm 8 dân công tải đạn hy sinh….
Ngoài ra, bàn tay tài hoa của ông còn in dấu ở nhiều tỉnh thành khác trên đất phương Nam. Ở Vĩnh Long, cùng người em ruột (nhà điêu khắc Trần Thanh Tùng), ông sáng tác và xây dựng tượng đài Đốc binh Lê Cẩn - Nguyễn Giao (Đồng đúc - cao 10m), tượng đài chiến thắng Tiểu đoàn 857 (đá granite - cao 15m). Ở TP. Hồ Chí Minh: tác phẩm Giấc mơ xa (trại sáng tác điêu khắc chất liệu đá lần I, 2005). Ở An Giang: tác phẩm Ghe ngo (trại sáng tác điêu khắc quốc tế lần II, 2005); Cánh chim trên Hắc Hải (trại sáng tác điêu khắc gốc gỗ, 2008). Ở Vũng Tàu: tác phẩm Khoan biển (trại điêu khắc đá Festival biển Vũng Tàu, 2006). Ở Đà Lạt: tác phẩm Nối nhịp Lang-Biang (điêu khắc đá Festival Hoa Đà Lạt, 2007). Ở Côn Đảo: tác phẩm điêu khắc đá Bất khuất (trại điêu khắc đá Côn Đảo, 2009)…
Biểu tượng Đồng Tháp Mười (Chiến thắng Yếu khu Ngã Sáu - Mỹ An), huyện Cái Bè - Tiền Giang. Chất liệu: đá granite - bê tông cốt thép, cao 22,5m - sáng tác năm 2007 |
Ngoài sở trường khai thác đề tài nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử, Nghệ nhân Trần Văn Trầm còn thích tái hiện lại vẻ đẹp của những miền quê, những ký ức thời thơ ấu. Có thể nhắc đến tác phẩm Gà chọi - một trò chơi dân gian của trẻ con ở các vùng quê hẻo lánh; tác phẩm Cà nanh với cảnh em bé gái đang cưng nựng con mèo, bên cạnh là con chó nhỏ cà nanh, phân bì đòi ẵm. Hay như tác phẩm Ký ức nẩy mầm, tái hiện cảnh trẻ con chui xuống hầm lu tránh bom pháo giặc. Tác phẩm Về đâu khắc họa hình tượng hai đứa trẻ lạc loài cùng hướng mắt nhìn về khoảng trời vô định...
Bên cạnh những tác phẩm do mình sáng tác, điêu khắc, Nghệ nhân Trần Văn Trầm còn hỗ trợ chuyên môn cho đồng nghiệp gần 20 tượng đài tại nhiều tỉnh thành như: Cà Mau (Ô Tà Sóc), An Giang (Đức Quản cơ Trần Văn Thành), Cần Thơ (Tượng đài chiến thắng Quân khu 9), TP. Hồ Chí Minh (Củ Chi đất thép thành đồng), Bến Tre (Bà mẹ Đồng Khởi, Tượng đài chiến thắng Lộ Thơ, Bia truyền thống An Phước, công trình nghĩa trang Mỏ Cày…
Ngoài việc sáng tác và xây dựng công trình, ông còn làm công tác quản lý, giảng dạy, tổ chức, thiết kế, triển lãm, trưng bày bảo tàng và các nhà truyền thống trong nhiều năm.
Tượng đài Chi bộ đầu tiên của Vĩnh Long - chất liệu đá granite - kích thước cao 30m (bệ là nhà trưng bày cao 5m). Địa điểm: huyện Long Hồ - tỉnh Vĩnh Long. Đồng tác giả với Nhà điêu khắc Trần Thanh Tùng (tác phẩm đang thực hiện ở huyện Củ Chi - TP. Hồ Chí Minh) |
Nhờ đôi tay tài hoa cùng với đam mê và nghiên cứu sáng tạo, trong quá trình hoạt động nghệ thuật đã mấy mươi năm, Nghệ nhân - Nhà điều khắc Trần Văn Trầm đã gặt hái không ít thành công trong nghề và được trao tặng nhiều giải thưởng có giá trị như: Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa thông tin của Bộ Văn hóa Thông tin năm 2003; Bằng chứng nhận của Bộ Văn hóa Thông tin năm 2005, đã tham dự Trại sáng tác Điêu khắc quốc tế “Dấu ấn An Giang lần II - 2005” tại Núi Sam, Châu Đốc, An Giang; Bằng khen của UBND TP. Hồ Chí Minh năm 2005; Bằng khen của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam năm 2015...
Hiện tại, ông đang ấp ủ một công trình nghệ thuật tuy không lớn lao nhưng đầy ý nghĩa. Ông mơ ước được dựng tại khuôn viên Bảo tàng Tiền Giang và khắp các công viên trong tỉnh một bộ sưu tập tượng chân dung những danh nhân Tiền Giang trên mọi lĩnh vực như: văn học, nghệ thuật, lịch sử, văn hóa... những con người đã làm rạng danh mảnh đất Tiền Giang địa linh nhân kiệt.
Nghệ nhân Trần Văn Trâm mong sao bộ sưu tập này sẽ là những tấm gương sáng, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và nhiều thế hệ mai sau. Qua cảm nhận trực quan, mọi người sẽ có cái nhìn sâu hơn, sống động hơn, đầy đủ hơn về vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách, tài năng, trí tuệ, anh hùng... của những người con đất phương Nam.