Nghệ nhân Phạm Văn Đạt: Khôi phục dòng gốm men rạn tinh xảo
Ngay từ nhỏ, nghệ nhân Phạm Văn Đạt đã lớn lên cùng nghề làm gốm, chứng kiến sự thăng trầm và trực tiếp tham gia vào quá trình làm gốm tại gia đình. Nghệ nhân Phạm Văn Đạt có kỹ năng, kỹ thuật điêu luyện, tạo ra các sản phẩm tinh xảo, có tính kỹ thuật, mỹ thuật cao. Ông có nhiều kinh nghiệm trong nghề gốm, đặc biệt kỹ thuật làm gốm men rạn cổ truyền, hoa văn đắp nổi; nắm vững được bí quyết gia truyền nghề gốm cổ truyền thống "men rạn cổ truyền, hoa văn đắp nổi" của làng cổ gốm Bát Tràng.
Sản phẩm nghệ nhân làm ra rất phong phú, đặc biệt các bộ sản phẩm tâm linh (đồ thờ) men rạn kết hợp đắp nổi, đạt giá trị mỹ thuật cao, được thị trường rất ưa chuộng. Các sản phẩm, tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể đến: Bát hương gốm men rạn cổ truyền; đĩa gốm chạm đồng; thạp gốm Tứ linh; bộ sản phẩm đồ thờ men rạn giả cổ đắp nổi; chóe, đèn và thạp gốm men rạn hoa văn đắp nổi; bộ đỉnh hạc, bát hương, lọ lộc bình trưng bầy tại chùa Kim Trúc Tự; đôi lộc bình cao 1,6m và lư hương có đường kính 50cm bằng gốm men rạn cổ truyền hoa văn đắp nổi; đôi chân đèn men lam thời Mạc; lọ lộc bình dát vàng; vò men hoàng thổ; bộ đồ thờ gốm men lam dát vàng; đôi nghê đèn…
Những đóng góp của nghệ nhân Phạm Văn Đạt đã được ghi nhận. Năm 2013, UBND TP. Huế chứng nhận ông đã tham gia tích cực và góp phần quan trọng cho thành công của Festival nghề truyền thống Huế năm 2013; năm 2014, Ban Tổ chức Chương trình Thương hiệu truyền thống, gia truyền làng nghề Việt tặng cúp Bàn tay vàng; Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế chứng nhận đã tích cực tham gia Festival Huế năm 2014, 2015, 2017. Năm 2017, nghệ nhân được Bộ trưởng Bộ Công Thương tặng Bằng khen.
Sản phẩm: Bát hương gốm men rạn cổ truyền, đĩa gốm chạm đồng, thạp gốm Tứ linh được bình chọn là Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (CNNTTB) TP. Hà Nội năm 2013; bộ sản phẩm đồ thờ bằng gốm là Sản phẩm CNNTTB khu vực phía Bắc năm 2014; bộ sản phẩm đồ thờ men rạn giả cổ đắp nổi là Sản phẩm CNNTTB cấp quốc gia năm 2015. |