Thứ hai 25/11/2024 14:14

Nghệ nhân Nguyễn Duy Hưng: Mỗi sản phẩm kim hoàn là một tác phẩm nghệ thuật

“Một ký vàng thỏi ở Việt Nam và Thụy Sĩ là giống nhau về giá trị nhưng sẽ rất khác khi nó lấm bện những giọt mồ hôi của người thợ kim hoàn. Thợ kim hoàn Việt Nam có tốt chất khéo léo và tay nghề không thua kém các nước khác. Nhưng họ không được đầu tư bài bản trong việc học, dẫn đến kinh nghiệm truyền thống của cha ông rất dễ bị mai một và nghề kim hoàn vì thế mà khó phát triển”.

Nghệ nhân Nguyễn Duy Hưng, người thầy của hàng nghìn thợ kim hoàn đánh giá về nghề mà ông đeo đuổi nhiều năm qua như vậy. Ông Hưng sinh năm 1967, ngụ tại quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh. Ông hiện là người thợ, đồng thời là người thầy có chuyên môn cao về chế tác được tất cả các dòng hàng nữ trang trên thị trường.

Nghệ nhân Nguyễn Duy Hưng (áo trắng) bên bàn làm việc của mình

Giới đồng môn đánh giá, ông Nguyễn Duy Hưng là người nắm vững và truyền đạt đa dạng kỹ thuật cho đội ngũ lao động trẻ, kế thừa về kỹ thuật trang sức có gắn đá với những “kỹ xảo” tỉ mỉ, phức tạp nhất của các dòng sản phẩm nữ trang. Người có khả năng kết hợp giữa kỹ thuật thủ công truyền thống và tiếp cận nhanh các máy móc thiết bị tiên tiến hỗ trợ tạo ra sản phẩm trang sức đẹp, thu hút khách hàng. Tuy nhiên vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ, tinh tế và năng xuất trong quá trình chế tác ra sản phẩm; nắm rõ các quy trình, tiêu chí chất lượng sản phẩm các dòng sản phẩm mà thị hiếu thị trường trong và ngoài nước đang có nhu cầu.

Nhờ vậy, ông Hưng là một trong những nghệ nhân đoạt được nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi tay nghề thường được tổ chức trong nhiều năm qua. Những lần ông Hưng được Ban tổ chức cuộc thi bàn tay vàng ngành kim hoàn như tác phẩm “Kiềng Cổ - Hòa Bình”, tác phẩm “Vòng tay”, bộ trang sức ‘Sức sống”; Nhiều sản phẩm trang sức cao cấp thủ công bằng tay (nhẫn, vòng, mề đay, dây chuyền... của nhẵn hàng CAO); tác phẩm thể loại Dây "Đường hoa".

Chưa hết, năm 1995, tác phẩm “Kiềng Cổ - Hòa Bình” ông Hưng chế tác đã đoạt giải nhất tại Hội thi trang sức SJC; tác phẩm “Vòng tay” đoạt giải nhì năm 1997, do Hội thi trang sức SJC, do Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) tổ chức. Riêng tác phẩm "Đường hoa" thể loại Dây cổ đã được chọn để trưng bày tại Di tích Lịch sử văn hóa Quốc gia Hội quán Lệ Châu - Đền thờ Tổ nghề kim hoàn TP. Hồ Chí Minh. Ngoài các bằng khen, giấy khen của UBND TP. Hồ Chí Minh và các hội đoàn; năm 2005, ông Hưng đã được Hội Mỹ nghệ Kim hoàn đá quý TP. Hồ Chí Minh phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Kim hoàn.

Để có được những thành công như hôm nay, ông Hưng đã trải qua nhiều cung bậc thăng trầm của nghề nghiệp mà sự vất vả luôn có thừa. Ông Hưng nhớ lại, năm 1987, sau khi phục viên, ông tham gia hai năm học nghề ở một trung tâm dạy nghề kim hoàn; năm 1989- 1992 tiếp tục học nghề ở một tiệm vàng của tư nhân bên quận 4, TP. Hồ Chí Minh. Để được nhận làm học viên, ông phải đóng học phí bằng hai cây vàng cho ông chủ, thế nhưng việc học thì ông chủ lại giao chọ thợ dạy.

Thời đó, dân làm nghề kim hoàn hầu hết đều dấu nghề vì sợ “thất truyền” kinh nghiệm, ít ai tận tâm chỉ báo hết những kinh nghiệm. Khi mới vào nghề, mỗi khi liếc mắt nhìn thao tác của người thợ lớp trước thì họ đứng dậy bỏ đi hút thuốc vì sợ “lộ nghề” và cả năm chỉ làm chân đi mua trà đá cho lớp thợ đàn anh. Vì yêu nghề, ông Hưng nhẫn nại và chịu khó “học lỏm” được nhiều món nghề.

Nhờ đó, vào năm 1992, ông đầu quân cho Công ty PNJ và được cử sang Đan Mạch học nghề. Tại Đan Mạch, ông may mắn được học nghề tại một doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại nữ trang, đồ dùng cho Hoàng gia với nhiều tay thợ là bậc thầy về nghề chế tác kim hoàn. “Không như Việt Nam, tại Đan Mạch họ có cả một trường đại học dạy chính quy và cấp bằng cử nhân cho ngành kim hoàn. Nhờ vậy họ đã xây dựng được một nền công nghiệp sản xuất kim hoàn chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển mạnh mẽ”, ông Hưng kể chuyện.

Nghệ nhân Nguyễn Duy Hưng hướng dẫn học viên các kỹ thuật chế tác kim hoàn

Hiện tại, ông Hưng là Trưởng Bộ phận kỹ thuật chế tác thủ công và người trực tiếp đứng lớp truyền tải những kinh nghiệm chế tác kim hoàn bằng phương pháp thủ công kết hợp với máy móc cho học viện của Công ty PNJ. Cho đến nay, đã có hàng nghìn người thợ là học trò của ông Hưng và không ít người đã là nghệ nhân, thậm chí còn làm thầy về nghề kim hoàn. Tuy nhiên, ông Hưng cho rằng, việc truyền tải những kinh nghiệp của ông và phương thức đào tạo về nghề kim hoàn hiện nay chỉ ở một giới hạn nhất định.

Ông Hưng hối tiếc là hiện nay dù có hàng triệu lao động đang làm việc trong ngành kim hoàn và tạo ra nhiều lợi ích kinh tế cho xã hội song lại chưa có một trường lớp nào đào tạo chính quy dài hạn về kỹ năng cho nghề kim hoàn. “Hiện tại nhà nước đã có chủ trương bảo tồn nghề kim hoàn truyền thống, phát huy thế mạnh của ngành kim hoàn, chúng ta cũng đã có Hiệp hội kim hoàn, việc mở các khóa học chính quy dành cho thợ kim hoàn rõ ràng đang là điều bức thiết không chỉ của các doanh nghiệp mà còn là vấn đề lớn của xã hội hiện nay”, ông Hưng đề xuất.

Thế Vĩnh

Tin cùng chuyên mục