Chủ nhật 22/12/2024 19:13

Nghệ nhân Nguyễn Đức Biết: Điêu luyện "bàn tay vàng"

Hòa nhịp cùng cuộc Cách mạng 4.0 và phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, cơ hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ dần được mở rộng; sản phẩm khảm trai của làng nghề Chuôn Ngọ (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) cũng nằm trong số đó. Điển hình của lớp nghệ nhân tài hoa, ưu tú của làng nghề Chuôn Ngọ là nghệ nhân Nguyễn Đức Biết - thế hệ thứ 3 của làng được nhận danh hiệu "Bàn tay vàng".

Nghệ nhân Nguyễn Đức Biết sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống làm nghề khảm trai. Sống trong không khí làm nghề sôi động ngay khi còn nhỏ, tình yêu nghề của ông cũng nảy nở từ đó. Nghệ nhân Nguyễn Đức Biết tâm sự: Đã là nghệ nhân, phải có ý thức tìm tòi, sáng tạo và chỉ có sáng tạo không ngừng mới tạo ra những dòng sản phẩm độc đáo, đáp ứng thị hiếu thời đại. Bức Bình phong sáu tấm khảm hai mặt là một trong những tác phẩm độc đáo đã làm nên tên tuổi của nghệ nhân. Tác phẩm được tỉnh Hà Tây (trước đây) trao giải "Tuổi trẻ sáng tạo", sau này được khách yêu tranh Hàn Quốc tìm mua lại. Sức sáng tạo không ngừng của lớp nghệ nhân làng nghề đã làm nên "danh thơm" không những vang xa khắp mọi miền Tổ quốc mà còn nức lòng bè bạn bốn phương.

Trải qua bao đời, người dân thôn Ngọ đã biết mài mỏng trai, ốc, sử dụng cưa, dũa và dao tách để làm dụng cụ khảm trai. Càng ngày, nghề khảm càng phát triển, nhiều mặt hàng tinh xảo khác nhau được làm ra như khay, hộp khảm, tranh khảm… Bây giờ, lớp nghệ nhân làng Chuôn Ngọ đang không ngừng chủ động cải tiến dần kỹ thuật, sáng tạo nhiều dòng mẫu mã đa dạng, chế tác đồ trang trí, lưu niệm như hộp, khay trầu, ấm tích, câu đối và bắt đầu kết hợp với dòng tác phẩm chạm nổi bằng xương ốc, trai… Những sản phẩm này phong phú, mang tính kỹ thuật và thẩm mỹ cao nhưng vẫn giữ được phong cách truyền thống; tạo điều kiện thuận lợi hướng ra xuất khẩu. Các sản phẩm của làng nghề không chỉ được sử dụng ở các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh... mà còn chinh phục cả những thị trường nước ngoài khó tính như Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản...

Nghề khảm trai là nghề đòi hỏi phải có trình độ thẩm mỹ cao và năng khiếu bẩm sinh. Công nghệ sản xuất có nhiều công đoạn phức tạp, thường được chuyên môn hóa rất cao như vẽ kiểu, dũa, đục, tác và đánh bóng. Ngày nay, công nghệ sản xuất đã hiện đại hơn như sử dụng máy để mài trai. Tuy nhiên, những hình ảnh tinh xảo vẫn phải làm bằng tay. Một nghệ nhân cho dù đã đạt được danh hiệu "bàn tay vàng" có thể tự sản xuất được nhiều công đoạn, song cũng chỉ có thể đạt được mức tinh xảo và điêu luyện ở một hoặc hai công đoạn mà thôi. Chính vì vậy, ở thôn Ngọ, truyền thống hiếu học, "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" và đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong nghề nghiệp, "tối lửa tắt đèn có nhau" luôn được hòa quyện, xuyên suốt quá trình lịch sử của làng và của nghề. Bên cạnh đó, nghệ nhân Nguyễn Đức Biết hy vọng, bên cạnh việc tìm thị trường cho sản phẩm, làng nghề truyền thống Chuôn Ngọ với hàng nghìn năm tuổi sẽ là điểm đến hấp dẫn du khách, nhất là những người yêu tranh khảm trai. Đó cũng sẽ là cách tôn vinh, động viên và góp phần gìn giữ lửa nghề cho người dân Chuôn Ngọ, những "bàn tay vàng" chạm nét đẹp quê hương.

Hiện tại, làng nghề Chuôn Ngọ đã được công nhận là "Làng nghề truyền thống" và đã được phê duyệt quy hoạch phát triển làng nghề truyền thống kết hợp với du lịch. Nhờ sự phát triển của kinh thế thị trường, nghề khảm trai truyền thống ở thôn Ngọ không những làm cho người dân no ấm, nhiều đời vinh hiển, mà còn góp phần làm đẹp và phong phú thêm cho "Quê hương mỹ nghệ - vùng đất trăm nghề" Hà Nội.

Với hơn 40 năm tuổi nghề và những thành tích sáng tạo nghệ thuật, nghệ nhân Nguyễn Đức Biết xứng đáng là lớp nghệ nhân kế thừa những tinh hoa của làng nghề nghìn năm tuổi Chuôn Ngọ.
Ánh Nguyệt

Tin cùng chuyên mục