Thứ hai 25/11/2024 02:41

Nghề đúc đồng: Những thăng trầm cùng lịch sử

Ra đời từ rất sớm và phải trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, song nghề đúc đồng Việt Nam vẫn đang được bảo tồn đến tận ngày nay tuy nhiên để nó phát triển hơn nữa rất cần những cơ chế, chính sách mới để hỗ trợ cho các nghệ nhân và làng nghề hiện hữu.

Lịch sử nghề hàng nghìn năm

Không biết chính xác thời điểm ra đời của nghề đúc đồng Việt Nam nhưng theo các tư liệu lịch sử, đúc đồng đã xuất hiện từ thời Phùng Nguyên (hậu kỳ thời Đá mới - sơ kì thời Đồ Đồng, cách ngày nay khoảng hơn 4 nghìn năm) và phát triển rực rỡ dưới thời đại Đông Sơn – tương đương với thời các vua Hùng dựng nước (cách ngày nay khoảng 2 - 3 nghìn năm). Chứng tích còn lại thường được nhắc tới trong lịch sử với những vật phẩm tiêu biểu thời kỳ này là trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Đông Sơn…

Nghề đúc đồng Việt Nam cũng đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử - ảnh Cấn Dũng

Ông cha ta đã sử dụng nguyên liệu đồng đỏ hay đồng hợp kim (pha chì, thiếc, kẽm…) nung chảy chúng rồi đổ khuôn (khuôn liền, khuôn hai mang) để tạo ra sản phẩm sinh hoạt thường ngày (đồ gia dụng, đồ trang trí hay vào các mục đích khác với kỹ thuật tạo dáng, chạm khắc ngày càng tinh xảo hơn.

Đến thời Lý - Trần, và các triều đại sau này như: Lê, Nguyễn nghề đúc đồng phát triển mạnh, tạo nên những sản phẩm đúc đồng hết sức đa dạng. Những thế hệ thợ đúc đồng thuộc các triều đại từ Lý - Trần về sau không chỉ sử dụng các kim loại đồng thời kỳ Đông Sơn, mà còn dùng thêm cả vàng, bạc để đúc tượng Phật quý, đúc chuông, khánh để tạo ra âm thanh trong và vang xa.

Nghề đúc đồng khá phát triển và hiện diện ở nhiều nơi trong cả nước

Nói đến nghề đúc đồng, không thể nhắc đến Lý Quốc Sư (Nguyễn Minh Không) thời Lý. Dù lịch sử người Việt đã có sản phẩm đồng như tiền đồng, trống động nhưng Lý Quốc Sư vẫn được các làng nghề suy tôn là là ông tổ của nghề đúc đồng Việt Nam có lẽ bởi là người sưu tầm và phục hưng nghề đúc đồng Việt Nam.

Ở Việt Nam, nghề đúc đồng khá phát triển và hiện diện ở nhiều nơi trong cả nước nhưng phổ biến nhất vẫn là miền Bắc. Có thể kể đến các làng nghề nổi danh như: Ngũ Xã (Hà Nội), Đại Bái, Đền Cầu (Bắc Ninh), Đông Mai (Hưng Yên); Tân Hoà Đông, Hoà Hưng (Thành phố Hồ Chí Minh) và các làng nghề khác thuộc các tỉnh Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Thanh Hoá Huế…

Dù ngày nay sản phẩm đồng không còn phổ biến, song những làng nghề vẫn tồn tại cho đến tận ngày nay cho thấy sức sống mãnh liệt của một nghề đã đồng hành cùng lịch sử đất nước hàng nghìn năm.

Thăng trầm thời kinh tế thị trường

Theo các nghệ nhân đúc đồng kỳ cựu, mỗi làng nghề có thể cho ra đời các sản phẩm khác nhau nhưng kỹ thuật cơ bản là như nhau gồm các khâu như tạo mẫu, tạo khuôn, nấu chảy nguyên liệu, rót khuôn và hoàn thiện sản phẩm. Một yêu cầu khác của sản phẩm đồng đúc đều đặt ra là phải mượt mà, sáng chuốt không gờ, không lẫn đồng sóng, đồng cháy. Sản phẩm phải đồng sắc, đồng khí mới đạt yêu cầu kĩ thuật, nghệ thuật. Theo các nghệ nhân, trong kỹ thuật đúc đồng, khó nhất là các loại sản phẩm có các thành phần chi tiết nhỏ, mảnh mai; tượng chân dung Phật vì nhìn phải có thần thái; các loại chuông, khánh (đánh lên phải trong trẻo, ngân vang).

Hiện nay, đồ đồng chủ yếu là đồ thờ phụng, trang trí như tượng, các đồ vật nhỏ

Cùng với sự phát triển đi lên của xã hội, nghề đúc đồng Việt Nam cũng đã trải qua nhiều thăng trầm của từng giai đoạn lịch sử. Cách đây vài ba chục năm, đồ gia dụng bằng đồng vẫn còn xuất hiện trong đời sống hàng ngay như nồi đồng, mâm đồng, thậm chí là cánh quạt điện…nhưng hiện nay, đồ đồng ít được dùng trong gia đình mà chủ yếu là đồ thờ phụng, trang trí như tượng, các đồ vật nhỏ.

Cách đây vài thập kỷ, khi các vật liệu mới ra đời cùng lối sống hiện đại, thị trường sản phẩm gặp nhiều khó khăn, đã có thời điểm, nhiều làng nghề chỉ sản xuất cầm chừng, tưởng chừng như đóng cửa. Tuy nhiên, nền kinh tế phát triển, đời sống vật chất văn hoá tinh thần, trong đó có văn hoá tâm linh rồi du lịch cũng phát triển; nhu cầu về những sản phẩm thờ tự trong gia đình, đền thờ, miếu mạo, các vật trang trí như bình đồng, tranh đồng hay các tượng danh nhân, đồ lưu niệm cho khách du lịch vẫn được thị trường chấp nhận đã phần nào giúp nghề đúc đồng tồn tại và phát triển cho đến tận ngày nay. Thậm chí nhiều làng nghề đã có sản phẩm xuất khẩu hoặc trở thành điểm tham quan, tìm hiểu của du khách trong và ngoài nước.

Cần những chính sách mới

Sau những thăng trầm, nghề đúc đồng đã được nhiều nghệ nhân yêu nghề gìn giữ, bảo tồn đến tận ngày nay, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng chục nghìn người ở các làng quê khắp cả nước. Không những thế, nhiều nghệ nhân trẻ đã chịu khó tìm tòi, nghiên cứu, cải tiến những công nghệ mới vào sản xuất vừa bảo vệ môi trường, vừa đa dạng hoá, nâng cao giá trị, thương hiệu cho sản phẩm đồng.

Bên cạnh tham gia các chương trình xúc tiến thương mại như triển lãm, hội chợ…nhiều nghệ nhân/làng nghề cũng đã áp dụng internet để giới thiệu, quảng bá sản phẩm nhằm tìm kiếm, mở rộng cơ hội thị trường.

Tuy nhiên, theo ý kiến nhiều nghệ nhân, để nghề đúc đồng phát triển mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu của thị trường và có thể xuất khẩu ra thế giới thì không hề đơn giản bởi vì nó còn liên quan đến nhiều yếu tố như cơ chế chính sách hỗ trợ; nguồn vốn; đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng thương hiệu hàng hoá, xúc tiến thương mại, thị trường… Có lẽ đây cũng là nỗi trăn trở không chỉ riêng của các làng nghề, các nghệ nhân tâm huyết mà cả cơ quan quản lý nhà nước mà chắc chắn trong một sớm một chiều chưa thể giải quyết ngay được.

Trong những năm qua, Bộ Công Thương đã có nhiều chương trình, hoạt động lồng ghép nhằm duy trì, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống. Điển hình là chương trình hỗ trợ các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, trong đó có sản phẩm đúc đồng.
Vũ Sơn

Tin cùng chuyên mục