Những hiện vật kể chuyện về Biệt động Sài Gòn - Gia Định
Giữa trung tâm TP. Hồ Chí Minh sầm uất, nơi những tòa cao ốc chen nhau vươn lên trời xanh và dòng người tấp nập qua lại, có một ngôi nhà ba tầng khiêm tốn nằm tại số 145 Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1. Ít ai ngờ rằng, phía sau vẻ ngoài bình dị của ngôi nhà ấy lại là nơi lưu giữ một phần ký ức đặc biệt và oai hùng của lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định.
Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định là nơi lưu dấu chiến tích của lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định. |
Nơi đây chính là Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh và cũng là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam hiện nay chuyên sâu về lực lượng biệt động.
Chiếc thang máy vẫn giữ nguyên phong cách cổ xưa. |
Ngôi nhà hiện là một phần trong di tích lịch sử, từng thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật do chính gia đình Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai sở hữu và vận hành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Với vỏ bọc là một nhà thầu khoán chuyên nội thất và xây dựng cho Dinh Độc Lập, ông Trần Văn Lai đã khéo léo thiết lập hàng chục cơ sở bí mật, trong đó, căn nhà 145 Trần Quang Khải là một điểm nút quan trọng. Đây từng là nơi hội họp, cất giấu tài liệu, chuyển thư từ, vàng bạc, tiền tài trợ từ nội thành ra chiến khu, và là nơi trú ẩn an toàn cho các chiến sĩ biệt động trong những thời điểm ác liệt.
Hình ảnh tưởng niệm các Anh hùng Biệt động của Sài Gòn một thời. |
Sau ngày thống nhất đất nước, với mong muốn lưu giữ ký ức và truyền tải lại những câu chuyện thầm lặng của lực lượng biệt động cho các thế hệ mai sau, gia đình ông Trần Văn Lai đã bắt đầu phục dựng căn nhà từ cuối năm 2019 và chính thức thành lập bảo tàng. Việc sưu tập hiện vật được tiến hành công phu, tỉ mỉ trong nhiều năm, với mục tiêu tái hiện trung thực và sinh động nhất những hoạt động của lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định.
|
Bộ dụng cụ được Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai dùng khi làm nội thất cho Dinh Độc Lập, dưới vỏ bọc nhà thầu khoán Mai Hồng Quế. |
Khẩu pháo DKZ75 đặt ở ven để hỗ trợ Biệt động Sài Gòn trong những trận pháo kích ở nội thành. |
Hiện tại, bảo tàng sở hữu 7 bộ sưu tập gồm khoảng 300 hiện vật quý giá, mang đậm dấu ấn lịch sử. Trong đó, có thể kể đến các bộ sưu tập nổi bật như: Hầm bí mật chứa vũ khí, nơi ém quân; xe máy, xe hơi mà các chiến sĩ biệt động từng sử dụng để di chuyển trong nội đô; các loại vũ khí như súng, lựu đạn; vật dụng sinh hoạt hằng ngày; dụng cụ làm mộc, xây dựng của ông Trần Văn Lai trong vỏ bọc nhà thầu Dinh Độc Lập; các thiết bị thông tin liên lạc bí mật được dùng để duy trì kết nối giữa nội thành và chiến khu.
Máy đánh chữ trong văn phòng của Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu bỏ lại trong những ngày cuối tháng 4/1975. Đây là kỷ vật mà một chiến sĩ bộ đội khi tiếp quản Dinh Độc Lập sưu tầm và tặng lại cho Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định. |
Không gian trưng bày tuy không lớn, nhưng mỗi hiện vật nơi đây đều mang theo một câu chuyện sống động, gắn với từng trận đánh, từng chiến công và chiến sĩ cụ thể.
Chiếc xe máy Lambretta từng được Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai trang bị cho gia đình ông Ba Hãng – thành viên lực lượng Biệt động Sài Gòn - để phục vụ hoạt động cách mạng trước năm 1975. |
|
Không chỉ trưng bày hiện vật, bảo tàng còn thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, kể chuyện lịch sử từ chính những nhân chứng sống - các cựu biệt động từng trực tiếp tham gia chiến đấu. Chính điều đó tạo nên sức hút đặc biệt, khiến nơi đây không chỉ là điểm đến tham quan mà còn là lớp học lịch sử sống động, chân thật, mang đậm giá trị giáo dục và văn hóa.
|
Du khách hào hứng tham quan tại bảo tàng. |
Ngày càng có nhiều đoàn học sinh, sinh viên, thanh niên, cựu chiến binh tìm đến bảo tàng để lắng nghe, chiêm ngưỡng và học hỏi. Những câu chuyện về sự mưu trí, lòng dũng cảm và tinh thần quật cường của lực lượng biệt động giữa lòng Sài Gòn xưa vẫn tiếp tục được truyền tải một cách sâu sắc, xúc động qua từng góc trưng bày. Đặc biệt, vào những dịp lễ lớn như 30/4, 2/9 hay 22/12, nơi đây trở thành điểm hẹn không thể thiếu với những ai muốn tri ân quá khứ.
Ngày càng có nhiều đoàn học sinh, sinh viên, thanh niên, cựu chiến binh đến thăm bảo tàng. |
Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định không chỉ là nơi lưu giữ hiện vật, mà còn là nơi sống lại một phần lịch sử chiến đấu âm thầm nhưng oanh liệt của dân tộc. Trong dòng chảy hiện đại, nơi đây vẫn âm thầm nhắc nhớ chúng ta về một thời kỳ không thể quên - thời kỳ mà những người lính biệt động đã “nằm gai nếm mật” giữa lòng đô thị, chiến đấu bằng trí tuệ, lòng gan dạ và tình yêu nước nồng nàn. Đó là giá trị mà không gian bảo tàng nhỏ bé này đang gìn giữ, bảo tồn và lan tỏa đến các thế hệ mai sau.
Biệt động Sài Gòn là lực lượng đặc biệt thuộc quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, hoạt động chủ yếu tại Sài Gòn và các khu vực lân cận trong giai đoạn từ những năm 1960 đến năm 1975. Biệt động Sài Gòn đã để lại dấu ấn đậm nét qua nhiều trận đánh táo bạo và có ý nghĩa chiến lược, tiêu biểu như cuộc tấn công vào Dinh Độc Lập trong Tết Mậu Thân năm 1968. Với tinh thần dũng cảm, mưu trí và sự hy sinh thầm lặng, lực lượng biệt động đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước. |