Theo ông Phạm Văn Hoá- Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An, Sở đã, đang và sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các địa phương trong tỉnh, nhất là vùng có dịch. Đồng thời, ổn định cung cầu, giá cả và lưu thông hàng hóa trên địa bàn trong thời điểm dịch bệnh còn diễn biễn phức tạp, lâu dài.
Trước tình hình một số nông sản của nông dân Nghệ An ùn ứ, gặp khó khăn trong tiêu thụ do dịch bệnh, Sở Công Thương đã trực tiếp làm việc với các siêu thị và chuỗi cửa hàng bán lẻ trên địa bàn để kết nối tiêu thụ. |
Thời gian vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Sở cũng đã đã phối hợp với các ban ngành, các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn về các vấn đề có liên quan đến lưu thông hàng hóa thiết yếu. Điều này nhằm mục tiêu không để bị đứt, gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân, nhất là người dân trong vùng dịch.
Thế nhưng, theo đại diện ngành Công Thương thì khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 thêm một bậc “ai ở đâu ở yên đó” đã xuất hiện tình trạng một số địa phương còn lúng túng và thực hiện thiếu thống nhất trong việc cho phép lưu thông hàng hóa khi thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị. Do cách tổ chức triển khai thực hiện các văn bản nêu trên tại một số địa phương khác nhau nên xảy ra tình trạng, một số hàng hóa là nguyên liệu đầu vào của sản xuất hoặc phục vụ nhu cầu thiết yếu cho đời sống của người dân gặp khó khăn. Thậm chí, ách tắc khi lưu thông trên địa bàn, địa phương hoặc giữa các địa phương với nhau.
Để tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, Sở Công Thương đã có công văn số 1680 gửi MTTQ tỉnh, các tổ chức đoàn thể, các sở, ban ngành và các địa phương, các siêu thị, trung tâm thương mại, hệ thống bán lẻ... trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Sở cũng đề nghị các bên liên quan vào cuộc đẩy mạnh hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh trong thời điểm dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh các giải pháp đảm bảo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, Sở Công Thương còn đẩy mạnh kết nối cung - cầu để vừa tiêu thụ nông sản cho các địa phương, vừa cung ứng kịp thời hàng hóa đến các vùng khó khăn, vùng dịch bệnh.
Ông Phạm Văn Hóa cho biết thêm, ngày 3/9, đoàn công tác của Sở đã trực tiếp làm việc với đại diện các siêu thị trên địa bàn: MM Mega Market Vinh, Vinmart, BigC… về vấn đề kết nối tiêu thụ các nông sản cho nông dân trong thời điểm dịch bệnh Covid -19. Hiện nay, nông sản cần tiêu thụ nhưng lại vướng đầu ra tại các địa phương trong tỉnh là khá lớn như, rau củ quả ở các địa phương Nam Đàn, Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành… ; gia cầm và trứng gia cầm ở TP. Vinh, Nam Đàn, Nghi Lộc; hải sản ở Diễn Châu, Cửa Lò, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu…
Các cửa hàng bán lẻ hiện đại cũng đã đưa một số nông sản của Nghệ An vào cung ứng cho người dân |
Trong đó, bức bách nhất là sản phẩm rau màu, củ quả các loại đang vào mùa thu hoạch nhưng không có đầu ra, nhiều nơi, người dân phải đổ bỏ như: vùng trồng rau gia vị ở Nam Xuân, Nam Anh (Nam Đàn), rau cải Nghi Thuận (Nghi Lộc)… Tại một số địa phương, chủ yếu là Nam Đàn, Vinh, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên còn tồn ứ khoảng 400 tấn chanh; hàng nghìn tấn rau, nấm các loại; 130 tấn gà, vịt, ngan thịt; 110.000 trứng gia cầm; 145 tấn thủy hải sản các loại...
Trong khi đó nguồn hàng cung ứng cho Thành phố Vinh lại đang thiếu hụt cục bộ do ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19. Chính vì thế, Sở Công Thương đề nghị các siêu thị, cửa hàng bán lẻ thu mua, tiêu thụ lượng nông sản này cho bà con, nhất là các thực phẩm thiết yếu như, rau xanh, trứng gia cầm, một số loại nông sản khác…
Ngoài ra, Tổ công tác của Sở Công Thương đã chủ động kết nối thực hiện kết nối nguồn nông sản tới hệ thống siêu thị MM Mega Market như rau xanh của doanh nghiệp “rau xanh xứ nghệ” huyện Quỳnh Lưu. Theo ông Nguyễn Công Việt- Giám đốc siêu thị Mega Market, lâu nay nguồn rau xanh ở địa phương cung cấp rất tốt, mỗi ngày đơn vị này cung cấp cho siêu thị 3-4 tấn rau xanh các loại cho cả hệ thống. Hay các sản phẩm từ thịt gà, lợn, bò của doanh nghiệp Đặng Gia (huyện Đô Lương)…
Trước phản hồi của một số hệ thống phân phối như BigC Vinh, MM Mega Market, hệ thống Vinmart+… về bất cập trong việc cung ứng hàng hoá tới người dân, cũng như khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa từ các địa phương lưu thông trên đường khi đi qua các chốt phòng dịch tại một số địa bàn của tỉnh Nghệ An, Sở Công Thương cũng đảm bảo sẽ trực tiếp làm việc về phía chính quyền thành phố, yêu cầu các chốt kiểm soát thực hiện thống nhất toàn tỉnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, không gây khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa. Về lâu dài, Sở sẽ là cầu nối giúp các siêu thị, hệ thống cửa hàng bán lẻ kết nối với chính quyền, nông dân các địa phương hình thành các vùng trồng theo chuẩn VietGAP, xây dựng nguồn cung đáp ứng các tiêu chí về chất lượng, nhãn mác, mã vạch truy xuất nguồn gốc… và đảm bảo số lượng cung ứng lâu dài, thường xuyên theo hướng chuyên nghiệp.