Thứ năm 26/12/2024 22:53

Nghệ An: Nâng cao năng lực quản lý tài chính ngành thủ công mỹ nghệ

Sáng nay (12/9), tại Nghệ An đã diễn ra Hội thảo “Nâng cao năng lực quản lý Tài chính ngành Thủ công mỹ nghệ thời kỳ hội nhập”. Hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu phát triển thương hiệu làng nghề (Hiệp hội Làng nghề Việt Nam) phối hợp với Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) và Sở Công Thương tỉnh Nghệ An tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, NGƯT. Trịnh Quốc Đạt – Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng: Việt Nam là một vùng đất của rất nhiều hàng thủ công mỹ nghệ có giá trị. Các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Một số sản phẩm như gốm sứ, sơn mài, đồ gỗ, hàng mây tre, dệt may, thêu đang được nhiều nước ưa dùng để làm đồ trang trí nội thất và quà tặng. Những năm gần đây, hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đang có bước phát triển đáng khích lệ.

Tham dự hội thảo có NGƯT. Trịnh Quốc Đạt – P. Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam; Ông Lê Đức Ánh – Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nghệ An; TSKH. Nguyễn Vi Khải - PCT Hội đồng tư vấn Hiệp hội Làng nghề VN

Trước thách thức trong thời kỳ hội nhập, các doanh nghiệp cần được trang bị năng lực quản trị tài chính vì quản trị tài chính hỗ trợ giải quyết các mối quan hệ tài chính phát sinh trong quá trình sản xuất và kinh doanh của một doanh nghiệp hay một tổ chức. Là nhà quản trị tài chính chắc chắn sẽ ra được các quyết định về các loại tài sản của doanh nghiệp, tài trợ các loại tài sản đó như thế nào? doanh nghiệp sẽ quản lý các nguồn tài sản của nó ra sao? Nếu như công việc này được thực hiện một cách tối ưu, giá trị doanh nghiệp có thể đạt lớn nhất, khi đó tài sản của tổ chức cũng đạt lớn nhất.

“Thông qua Hội thảo “Nâng cao năng lực quản lý tài chính ngành Thủ công mỹ nghệ thời kỳ hội nhập” lần này sẽ giúp trang bị tư duy và nhận thức đúng đắn về chiến lược quản trị tài chính, nó có tầm quan trọng rất lớn đối với mỗi doanh nghiệp hoặc tổ chức” - Ông Trịnh Quốc Đạt nhấn mạnh.

Ông Lê Đức Ánh – Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Nghệ An phát biểu tại hội thảo.

Ông Lê Đức Ánh – Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Nghệ An tại hội thảo cũng cho rằng ngành nghề thủ công mỹ nghệ có nhiều tiềm năng phát triển ở Nghệ An nhờ các lợi thế về nguồn nguyên liệu và nhân công, bên cạnh đó các sản phẩm thân thiện với môi trường và bền vững nên nhu cầu sử dụng sản phẩm cả nội địa và xuất khẩu ngày càng cao, đặc biệt khi Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do quan trọng. Tuy nhiên, ngành thủ công mỹ nghệ hiện nay đối mặt với nhiều thách thức như: rào cản kỹ thuật, khả năng tiếp cận thị trường, năng lực quản lý tài chính, nhân lực, đào tạo nghề và khả năng phát triển nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, chất lượng trong chuỗi giá trị của các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, năng lực tài chính còn hạn hẹp, thị trường tiêu thụ phụ thuộc vào bao tiêu của một số doanh nghiệp nên rất bị động.

Tại hội thảo lần này các đại biểu tập trung thảo luận về: Tác động của Hiệp định EVFTA đối với kinh tế Việt Nam nói chung và ngành thủ công mỹ nghệ, làng nghề nói riêng; Thuận lợi và những rào cản pháp lý về năng lực tài chính đối với ngành Thủ công mỹ nghệ trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập Quốc tế; Giải pháp đổi mới năng lực thiết kế mẫu mã nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm TCMN, làng nghề trong thời kỳ hội nhập; Những thách thức quản trị tài chính đối với các chủ doanh nghiệp và giải pháp vượt qua; Khó khăn thuận lợi về năng lực khai thác, sử dụng quản lý tài chính của đơn vị; Thực trạng và giải pháp về năng lực khai thác, quản lý, sử dụng tài chính trong sản xuất kinh doanh của các cơ sở tiểu thủ công nghiệp ngành Thủ công mỹ nghệ, làng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Hoàng Trinh
Bài viết cùng chủ đề: Cục Công Thương địa phương

Tin cùng chuyên mục