Thông tin tại Hội nghị Giáo dục đại học năm 2024, diễn ra sáng ngày 9/8, PGS. TS. Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho hay, việc tuyển sinh đại học chính quy năm 2024 tiếp tục có những ưu điểm tạo thuận lợi hơn cho thí sinh. Cụ thể, việc ứng dụng công nghệ thông tin cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển theo ngành/chương trình đào tạo, không theo tổ hợp và phương thức xét tuyển đã đơn giản hóa nhiều quá trình đăng ký của thí sinh.
Thí sinh cũng không phải nộp minh chứng về lịch sử thường trú để cộng điểm ưu tiên khu vực. Việc đăng ký xét tuyển, nộp lệ phí xét tuyển thực hiện hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Việc tuyển sinh đại học chính quy đã đảm bảo quyền tự chủ của các cơ sở đào tạo. Theo đó các trường xây dựng đề án tuyển sinh với các quy định cụ thể về phương thức, điều kiện xét tuyển.
Việc xử lý nguyện vọng chung trên hệ thống xét tuyển đã giảm lược tình trạng thí sinh ảo, giúp các trường rút ngắn thời gian xét tuyển, cũng tạo điều kiện cho thí sinh có cơ hội trúng tuyển theo nguyện vọng thí sinh yêu thích, mong muốn nhất trong số các nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển.
PGS. TS. Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo - phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Phú |
Tuy nhiên, theo PGS. TS. Nguyễn Thu Thủy, tuyển sinh 2024 cũng còn những vấn đề phải lưu ý. Còn trường có quá nhiều phương án xét tuyển phức tạp. Một số nơi chưa đảm bảo tính công bằng, phân bổ chỉ tiêu hợp lý, gây khó khăn cho thí sinh và hệ thống. Nhiều trường xét tuyển sớm không dự báo được lượng thí sinh ảo.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2024, số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là 1.071.395 thí sinh, trong đó có hơn 733.000 thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non, chiếm khoảng 68,48% số thí sinh dự thi. Theo PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, đây là chỉ số tăng tốt, hứa hẹn một mùa tuyển sinh chất lượng.
Thời điểm hiện tại, các thí sinh đã hoàn thành giai đoạn nộp lệ phí đăng ký xét tuyển, chờ kết quả sắp xếp/lọc ảo nguyện vọng để tiếp tục xác nhận nhập học trực tuyến vào các nguyện vọng đủ điều kiện trung tuyển.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, quy mô đào tạo đại học chính quy có xu hướng tăng nhẹ so với năm 2023. Trong đó, đáng chú ý là sự tăng đáng kể của lĩnh vực Toán và thống kê, Máy tính và công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, Kỹ thuật, Sản xuất và chế biến, Kiến trúc và xây dựng, Nông lâm và thủy sản, Thú y (khối ngành này tăng 62.060 sinh viên với tỷ lệ 10,59% so với năm 2023).
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, điều này cho thấy các cơ sở đào tạo đã quan tâm đến xu hướng phát triển bền vững, phát triển các ngành kỹ thuật, công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.
Quy mô đào tạo đại học chính quy theo từng năm học. Trong đó, Khối ngành I: Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên; Khối ngành II: Nghệ thuật; Khối ngành III: Kinh doanh và quản lý, Pháp luật; Khối ngành IV: Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên; Khối ngành V: Toán và thống kê, Máy tính và công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, Kỹ thuật, Sản xuất và chế biến, Kiến trúc và xây dựng, Nông lâm và thủy sản, Thú y; Khối ngành VI: Sức khỏe; Khối ngành VII: Nhân văn, Khoa học xã hội và hành vi, Báo chí và thông tin, Dịch vụ xã hội, Khách sạn - du lịch - thể thao và dịch vụ cá nhân, Dịch vụ vận tải, Môi trường và bảo vệ môi trường, An ninh quốc phòng.
Quy mô đào tạo thạc sĩ cũng có xu hướng tăng đều trở lại ở tất cả các khối ngành so với năm 2023. Trong đó, tăng mạnh nhất là khối ngành đào tạo giáo viên (tăng 3.353 học viên, tương ứng tăng 34,79% so với năm 2023); khối ngành Kinh doanh và quản lý, Pháp luật (tăng 3.205 học viên với tỷ lệ tăng 10,48% so với năm 2023),…
Khối ngành Nghệ thuật cũng có sự chuyển biến do có sự quan tâm của Bộ chủ quản, quy mô đào tạo thạc sĩ đã tăng tỷ lệ 39,12% nhưng số lượng tăng chỉ 178 học viên cao học.
Ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng được các trường đại học mở nhiều trong năm 2024. Ảnh: Phạm Linh |
Tăng mạnh nhất là khối ngành: Toán và Thống kê, Máy tính và công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, Kỹ thuật, Sản xuất và chế biến, Kiến trúc và xây dựng,… tăng 637 nghiên cứu sinh với tỷ lệ tăng 33,32% so với năm 2023. Khối ngành Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên tăng 390 nghiên cứu sinh với tỷ lệ tăng 57,52%; khối ngành Đào tạo giáo viên tăng 350 nghiên cứu sinh với tỷ lệ tăng 51,32%... Theo đánh giá của bà Thủy, đây là những hướng phát triển rất tích cực.
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho thấy, số lượng ngành đào tạo được mở mới tiếp tục tăng trong năm vừa qua, đặc biệt là các ngành do các cơ sở đào tạo thực hiện quyền tự chủ triển khai. Các ngành đào tạo quan tâm mở nhiều trong năm 2024 gồm: Du lịch, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Trí tuệ nhân tạo...
Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá, công tác đào tạo ngày càng được chú trọng, cải thiện rõ rệt về chất. Đội ngũ giảng viên được gia tăng cả về số lượng và chất lượng. Hoạt động nghiên cứu khoa học được chú trọng, các công trình nghiên cứu ngày càng hướng theo chất lượng thực chất; đóng góp của các cơ sở giáo dục đại học trong công bố khoa học cả trong nước và quốc tế luôn chiếm vị thế chủ đạo. Thứ hạng của các cơ sở và ngành đào tạo của Việt Nam ngày càng được ghi nhận trên bản đồ giáo dục đại học thế giới.
Theo đó, kết quả nghiên cứu và công bố quốc tế của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam trong những năm vừa qua có xu hướng ổn định, trong đó các cơ sở giáo dục đại học luôn đóng vai trò chủ đạo trong công bố khoa học của cả nước.
Số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 7 tháng đầu năm 2024, có trên 12,5 nghìn bài báo của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam công bố trên các tạp chí quốc tế. Trong đó, 67 cơ sở công bố nhiều nhất chiếm tới trên 84% tổng số bài của cả nước.
Tuy vậy, so với năm 2023, số lượng công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế của các cơ sở cơ sở giáo dục đại học Việt Nam có xu hướng giảm khi chỉ còn 5 tháng nữa kết thúc năm nhưng số lượng chưa đạt được mức như năm 2023.