Ngành công nghiệp hỗ trợ tỉnh Đồng Nai- Điểm sáng trong năm 2022
Tỉnh Đồng Nai hiện có trên 600 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, tập trung ở các nhóm ngành dệt may, da giày, điện tử, cơ khí chế tạo,…chiếm tỷ lệ hơn 11,4% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn và tạo việc làm cho hơn 158 ngàn lao động. Trong những năm qua, ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận bước chuyển mình rất rõ rệt.
Trong cơ cấu xuất khẩu mặt hàng công nghiệp của Đồng Nai tính đến nay có đến hơn một nửa kim ngạch xuất khẩu thuộc về nhóm hàng công nghiệp hỗ trợ. Hiện Đồng Nai là một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp lớn nhất Việt Nam. Các doanh nghiệ Đồng Nai được các nhãn hàng trên thế giới đánh giá cao về tính năng động, có khả năng hoàn thành được nhiều đơn hàng khó, số lượng lớn trong thời gian ngắn.
Theo đánh giá, ngành Công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có bước phát triển và đạt được kết quả đáng ghi nhận trong một số lĩnh vực điển hình là: Công ty TNHH Tương Lai (tại xã Lộc An, huyện Long Thành, Đồng Nai) là một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chuyên sản xuất và cung ứng sản phẩm nhựa và cao su kỹ thuật cao cho các công ty hàng đầu trong và ngoài nước như: Thaco, Piagio, Peugeot, Kymco, Sym, Aqua, Marshall,… Mỗi quý doanh nghiệp này sản xuất trung bình từ 1,2 - 1,5 triệu sản phẩm, linh kiện phục vụ cả khách hàng trong nước và xuất khẩu. Và có 4 doanh nghiệp được Bộ Công Thương xác nhận Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục sản xuất công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển trên cả nước. Đó là Công ty TNHH Dịch vụ sản xuất thiết bị Aureole, Công ty TNHH Chemtrovina, Công ty TNHH Hyosung Việt Nam và Công ty TNHH Hspolytech.
Ngành công nghiệp hỗ trợ tỉnh Đồng Nai (Minh họa) |
Theo thông tin của Sở Kế hoạch & Đầu tư Đồng Nai, trong 11 tháng của năm 2022, có 27 dự án đầu tư mới của doanh nghiệp FDI vào Đồng Nai trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Trung Quốc thuộc các ngành công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, sử dụng ít lao động.
Tại buổi làm việc giữa Cục Công nghiệp Bộ Công Thương và Sở Công thương Đồng Nai về tình hình phát triển, định hướng cho ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh ngày 29/8/2022 và có sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp. Tại đây, các doanh nghiệp đã nêu ra các vướng mắc cũng như một số đề xuất kiến nghị nhằm thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Trong đó có những vướng mắc như triển khai cơ chế chính sách còn chậm, doanh chưa được thụ hưởng nhiều từ các chương trình hỗ trợ để từ đó phát triển bền vững; kết nối đào tạo nhân lực, hỗ trợ về quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất còn rời rạc. Chính vì thế, thời gian tới Cục Công nghiệp cùng các đơn vị liên quan, Sở Công Thương, các sở ngành cần phối hợp nhiều hơn nữa nhằm tăng trao đổi thông tin thường xuyên; phối hợp, triển khai các chính sách hỗ trợ một cách hợp lý để thúc đẩy doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh phát triển.