Là một trong những địa phương có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, thời gian qua, Quảng Ninh có nhiều giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Trong đó, có sự phát triển của doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh, kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ của địa phương ban hành dựa trên tiềm năng, lợi thế cạnh tranh trong phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh và mục tiêu chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của Chính phủ tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/2/2017 về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025. Theo đó, tỉnh Quảng Ninh xác định, mục tiêu phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2019-2025 tập trung vào hai lĩnh vực chủ yếu là công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may và cơ khí chế tạo.
Nhà máy sản xuất ô tô Thành Công tại khu công nghiệp Việt Hưng (TP. Hạ Long) diện tích hơn 192ha phấn đấu đưa vào hoạt động trong quý IV/2024. Ảnh: Tiến Minh |
Đối với ngành dệt may, địa phương tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ nhu cầu nguyên vật liệu và phụ liệu, đáp ứng đầu vào cho các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh; phát triển Khu công nghiệp hỗ trợ dệt may tỉnh Quảng Ninh (trên cơ sở Khu công nghiệp Texhong Hải Hà) thành Trung tâm công nghiệp hỗ trợ dệt may khu vực phía Bắc.
Với công nghiệp hỗ trợ trong ngành cơ khí, chế tạo, địa phương tập trung nâng cao năng lực sản xuất các sản phẩm ngành đúc, gia công kim loại, khuôn mẫu, nhiệt luyện, luyện kim… đặc biệt ưu tiên thu hút đầu tư hình thành khu công nghiệp hỗ trợ chuyên sản xuất, chế tạo ra những sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao trên thị trường như sản xuất ô tô, điện tử.
Các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đóng tàu, gồm: Công nghiệp chế tạo động cơ, xích neo; thiết bị bơm; công nghiệp sản xuất hộp số và hệ thống truyền động tàu thủy; chế tạo thiết bị nội thất phương tiện vận tải; công nghiệp sản xuất cấu kiện thép và dây điện; công nghiệp sản xuất cấu kiện phi tiêu chuẩn, sản xuất các sản phẩm cơ khí điện máy, cáp điện…Quảng Ninh cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu sản xuất trong tỉnh tiến tới xuất khẩu ra nhiều nước, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Về phát triển công nghiệp trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Hiền - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh - cho biết, theo quy hoạch tỉnh Quảng Ninh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh xác định phát triển mạnh mẽ công nghiệp chế biến, chế tạo. Tỉnh cũng xác định tập trung tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, đồng thời điều chỉnh chính sách về khoa học - công nghệ đối với doanh nghiệp công nghiệp, tạo cơ chế hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp chế biến, chế tạo đang gặp khó khăn.
Đến nay, công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Quảng Ninh đã có bước phát triển và đạt được kết quả đáng ghi nhận trong một số lĩnh vực, đặc biệt là dệt may, lắp ráp ô tô, thiết bị điện và điện tử… Tỉnh đã thu hút được nhiều dự án lớn hoạt động hiệu quả như dự án của Công ty CP Công nghiệp ô tô - Vinacomin; Công ty CP Cơ khí Yên Thọ; Công ty CP Đông Hà; Nhà máy chế tạo thiết bị nâng hạ; Công ty TNHH Sợi hóa học Thế kỷ mới Việt Nam; Công ty TNHH Texhong Ngân Long; Công ty CP Thiết bị Điện - Vinacomin...
Theo lãnh đạo Sở Công Thương Quảng Ninh, thời gian qua, cùng với phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, Quảng Ninh đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển các cụm công nghiệp ưu tiên thu hút các doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, tỉnh cũng hỗ trợ nâng cao năng lực các doanh nghiệp công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và các ưu đãi về thuế, đất đai.