Triển lãm Quốc tế Vải cao cấp - Texfuture Việt Nam Spring Summer 2024 diễn ra từ ngày 27 - 29/3/2024 tại TP. Hồ Chí Minh, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh (VCCI - HCM) phối hợp với CTCP Giải pháp Dệt may Bền vững (STS), Công ty Tenga Exhibition cùng các đối tác được tổ chức tại Game Center (Quận 1, TP. Hồ Chí Minh).
Chương trình có quy mô tinh gọn, chất lượng với sự quy tụ của gần 100 doanh nghiệp, nhãn hàng đối tác và hơn 1.000 sản phẩm vải cao cấp, vải tái chế từ vải vụn, xơ tự nhiên từ tơ tằm, xơ chuối, xơ gai xanh, xơ lá dứa,…
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam phát biểu tại buổi khai mạc. (Ảnh: Ngân Nga) |
Triển lãm Quốc tế Vải cao cấp - Texfuture Việt Nam Spring Summer 2024 mang lại một cộng đồng giao lưu chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm thông qua 5 buổi hội thảo quốc tế cùng các chuyên gia đầu ngành. Sự kiện đã mang đến những góc nhìn đa chiều, có giá trị về tái chế và tuần hoàn không chỉ dành riêng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp SME, doanh nghiệp lớn mà còn dành cho các thương hiệu lớn trong và ngoài nước.
Tại chương trình, các doanh nghiệp giới thiệu tới khách tham quan các chất liệu vải mới nhất, xu hướng họa tiết, công nghệ tiên tiến nhất trong ngành dệt may hiện nay. Điển hình như vải kết hợp công nghệ ảo hóa, công nghệ 3D, vải xanh, vải chức năng có thành phần từ nguyên liệu tái chế như vỏ sò, cà phê, phế phẩm từ sen…
Ngoài hoạt động triển lãm chính, sự kiện còn có các chuỗi hoạt động nổi bật: Khu vực triển lãm xu hướng vải (Fabric Trend Zone); Khu vực triển lãm xu hướng sắc màu (Color Trend Zone); Khu vực không gian sáng tạo (Creative Zone); Không gian kết nối giao thương (Business Matching - B2B)…
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại triển lãm. (Ảnh: Ngân Nga). |
Phát biểu khai mạc, ông Trần Ngọc Liên - Giám đốc VCCI - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết: Việt Nam là nhà xuất khẩu hàng dệt may đứng thứ 3 thế giới, là thị trường thu hút các nhà đầu tư nước ngoài do thêm nhiều FTA đã có hiệu lực. Tuy nhiên, ngành dệt may vẫn đối diện những khó khăn, thách thức như lạm phát, đơn hàng giảm, chênh lệch tỷ giá, lãi suất tăng,…. và phải sớm đáp ứng về các vấn đề môi trường - xanh hóa sản xuất. Trong giai đoạn khó khăn do dịch Covid, một số tiêu chuẩn đã bị xem nhẹ nhưng từ cuối năm 2023, đầu năm 2024 các yêu cầu về phát triển bền vững, trách nhiệm xã hội bắt đầu được quan tâm trở lại.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nhận định: Kế hoạch tăng kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 44 tỷ USD năm 2024 là hoàn toàn có khả năng. Nhưng ông Giang cũng nói rằng, phải nhìn nhận thực tế, đang có 3 thách thức cho các doanh nghiệp Việt gồm: Xuất xứ về dòng sản phẩm; sản phẩm tái chế, tỷ lệ tái chế - phải có tỷ lệ và phương pháp cụ thể đáp ứng yêu cầu của họ.
Nhiều khách hàng thích thú với các sản phẩm trưng bày tại triển lãm. (Ảnh: Ngân Nga) |
Các hoạt động xuyên suốt trong khuôn khổ buổi triển lãm từ ngày 27/3 đến ngày 29/3 bao gồm 5 hội thảo chuyên đề của 30 chuyên gia và gần 100 gian hàng khu trưng bày giới thiệu sản phẩm vải, phụ kiện công nghiệp, các dịch vụ quản lý chuỗi cung ứng bền vững của các doanh nghiệp Hà Lan, Đức, Nhật, Đài Loan, Trung Quốc.
Ban tổ chức kỳ vọng, chương trình triển lãm là nơi mà các doanh nghiệp dệt may Việt Nam và quốc tế có cơ hội gặp gỡ, kết nối; nghiên cứu sâu, phát triển nguyên vật liệu cao cấp mang xu hướng và công nghệ mới thân thiện môi trường.