Ngành công nghiệp điện tử: Thiếu lao động có kỹ năng
Công nghiệp điện tử là ngành sản xuất vật chất mang tính cơ bản của nền kinh tế, có vị trí then chốt và tác động lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác. Năm 2021, giá trị xuất khẩu của ngành này lên tới hơn 108 tỷ USD với lực lượng lao động (LĐ) ước tính trên 1 triệu người. Tuy nhiên, ngành điện tử chủ yếu tập trung vào các hoạt động gia công, lắp ráp có giá trị gia tăng thấp và thâm dụng LĐ.
Doanh nghiệp điện tử luôn thiếu nguồn lao động có chuyên môn cao |
Trong bối cảnh đẩy mạnh việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhu cầu LĐ có kỹ năng đang là một thách thức rất lớn đối với ngành điện tử. Tại diễn đàn “Việc làm thỏa đáng và tương lai của chuỗi cung ứng điện tử tại Việt Nam” mới đây, báo cáo từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) qua một cuộc khảo sát doanh nghiệp điện tử cho thấy, khoảng 60% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng, tình trạng thiếu LĐ có kỹ năng là một thách thức từ mức độ trung bình đến nghiêm trọng trong lĩnh vực điện tử. Khoảng 50% số doanh nghiệp cũng coi kỹ năng chuyên môn của đội ngũ giám sát và quản lý là một thách thức lớn.
Theo ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI, một trong những khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt là những biến động lớn về LĐ, trong đó có sự suy giảm và thiếu hụt. Việc thu hút người LĐ trở lại làm việc, cũng như LĐ có tay nghề đang là một bài toán khó của ngành công nghiệp. Bà Trần Thị Hồng Liên - Phó Giám đốc Văn phòng giới sử dụng LĐ (VCCI) - cũng chỉ ra, công nghiệp hỗ trợ chưa thực sự phát triển, thiếu liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là kỹ năng của người LĐ còn rất thấp, chính là điểm nghẽn.
Nền kinh tế Việt Nam đang từng bước phục hồi sau đại dịch Covid-19, theo đó, các chuyên gia nhận định, cơ hội cho LĐ ngành này vẫn cao khi nhu cầu thiết bị điện tử của quốc tế gia tăng. Đáng kể nhất là việc các công ty đa quốc gia đang gia tăng đổ vốn đầu tư vào Việt Nam sau dịch. “Để nắm bắt cơ hội này, Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành điện tử, đặc biệt là liên kết nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp để đào tạo LĐ có tay nghề cao”- bà Trần Thị Hồng Liên khuyến nghị.
Bên cạnh đó, theo ý kiến của một số chuyên gia, mỗi doanh nghiệp điện tử cần thường xuyên tổ chức đào tạo cho người LĐ hoặc đưa đi đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đặc biệt, doanh nghiệp cần chủ động đặt hàng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để có được nguồn nhân lực đầu vào chất lượng. Ngược lại, người LĐ cũng nên tích cực học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, không ngừng sáng tạo trong quá trình làm việc nhằm thích ứng với tình hình mới; tạo cơ hội phát triển cho bản thân, cũng như cải thiện thu nhập, vị trí việc làm.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban chấp hành, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) - chia sẻ, cơ hội để ngành điện tử phát triển đang rất rộng mở, do vậy, nhà nước cần có chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, LĐ từ đó cũng được đào tạo, nâng cao tay nghề thêm; thu hút dòng vốn FDI có chọn lọc, ưu tiên công nghệ cao, có sức lan tỏa với thị trường, ngăn chặn dòng vốn đầu tư chất lượng thấp.
“Thời gian tới, VEIA sẽ tăng cường kết nối hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực từ Chính phủ và các tổ chức quốc tế, qua đó tổ chức các hoạt động hỗ trợ đào tạo kỹ năng cho LĐ điện tử, cũng như trong chuyển giao, đổi mới công nghệ”- bà Hương cho hay.
Kỹ năng hạn chế, người lao động dễ có nguy cơ mất việc làm trước đòi hỏi ngày càng cao của công việc. |