Để giữ vững và tiếp tục phát huy các kết quả đạt được của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ Công Thương luôn coi việc phát triển nguồn nhân lực làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế là nhiệm vụ trọng điểm và chiến lược.
Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì hoạt động đàm phán các hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam tham gia. Các bộ, ngành tham gia tập trung chủ yếu vào các giai đoạn đầu của tiến trình hội nhập gồm: Kiến nghị chủ trương, đàm phán, ký kết điều ước quốc tế, thỏa luận quốc tế, các hiệp định. Các địa phương tham gia chủ yếu vào giai đoạn sau như: Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thi hành, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, tổng kết và đề xuất hoàn thiện. Đến nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Các FTA là động lực thúc đẩy đổi mới, cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hội nhập cũng đặt ra cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) những thách thức, yêu cầu mới.
Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế |
Theo Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương), hiện nay, số lượng CBCCVC tham gia vào hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta rất lớn. Các kết quả đạt được cho thấy, số lượng và trình độ của cán bộ, công chức tham gia đàm phán tại thời điểm hiện tại có thể đáp ứng được nhu cầu. Mặc dù vậy, hầu hết cán bộ, công chức đều tốt nghiệp đại học thuộc các chuyên ngành chủ yếu như kinh tế, kinh tế quốc tế, thương mại quốc tế, quản trị kinh doanh, nhưng ít có cán bộ, công chức được đào tạo chuyên sâu về đàm phán quốc tế. Số lượng CBCCVC có đầy đủ năng lực, trình độ chuyên môn, khả năng ngoại ngữ, các kỹ năng và kinh nghiệm thực tiễn để có thể tham gia hiệu quả và trực tiếp vào hội nhập kinh tế quốc tế còn chưa nhiều, chủ yếu tập trung ở một số Vụ Thị trường, các Vụ chuyên môn có liên quan và các Thương vụ. Ở các địa phương, đội ngũ CBCCVC làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế chưa được bồi dưỡng một cách có hệ thống và chuyên nghiệp về các kiến thức, kỹ năng cơ bản và kinh nghiệm thực tiễn.
Vì vậy, bên cạnh sự hiểu biết sâu rộng về lĩnh vực chuyên môn, khi các FTA được triển khai, đội ngũ CBCCVC làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế còn cần có khả năng, kỹ năng tự bồi dưỡng, bổ sung thêm các kiến thức cơ bản về các ngành, các lĩnh vực khác.
Theo ghi nhận CBCCVC làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế của Bộ Công Thương đã có những bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Song, Trước tình hình đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCCVC về hội nhập kinh tế, quốc tế đã được Bộ Công Thương chú trọng hơn. Hiện nay, Bộ Công Thương có hệ thống các sơ sở đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC có cung cấp các khóa đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn về hội nhập kinh tế quốc tế. Hiện, có 2 nhóm đối tượng được Bộ Công Thương tập trung đào tạo về hội nhập kinh tế quốc tế, nhóm các đối tượng nhân lực đàm phán các hiệp định thương mại quốc tế và nhóm đối tượng tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.
Vụ Tổ chức cán bộ nhấn mạnh, để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, Bộ Công Thương tích cực phối hợp các bộ, ngành, địa phương xây dựng, triển khai tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức thuộc lĩnh vực chính trị quốc tế, chính sách đối ngoại của Việt Nam, kinh tế quốc tế và các khóa bồi dưỡng kỹ năng phục vụ hội nhập quốc tế dưới hình thức các khóa học ngắn hạn, dài hạn trong nước, ngoài nước và trực tuyến. Lồng ghép nội dung về hội nhập kinh tế quốc tế vào các chương trình đào tạo một số chuyên ngành tại các trường đại học. Bên cạnh đó là triển khai các giải pháp về xây dựng chương trình, truyền thông, nguồn nhân lực, tài chính.
Việc đào tạo bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về hội nhập kinh tế quốc tế không chỉ dành cho các CBCCVC thuộc Bộ Công Thương, mà còn được triển khai sâu rộng đến các CBCCVC làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế tại địa phương thông qua các hội nghị, hội thảo, các khóa học ngắn hạn phổ biến các kiến thức về hội nhập quốc tế, các FTA.