Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: Giảm áp lực tồn kho
Tồn kho khá cao
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 30/6/2020 tăng 26,7% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2019 tăng 16,1%).
Chỉ số tồn kho ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng khá cao |
Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 156,2%; sản xuất xe có động cơ tăng 129,6%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 61,9%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 39,5%; sản xuất trang phục tăng 39,4%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 38,9%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 38,4%;...
Đáng chú ý, tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng năm 2020 khá cao với 78,9% (cùng kỳ năm trước là 74,9%).
Ở góc độ DN, đại diện Công ty CP Woodsland chia sẻ, thời gian dịch Covid-19, với DN công nghiệp chế biến gỗ nói chung và công ty nói riêng, khó khăn không xuất phát từ việc phải giãn cách xã hội mà vì các đơn hàng bất ngờ bị hủy, nhất là thị trường Mỹ và EU dẫn đến tồn kho. Việc lưu kho kéo theo khó khăn về vốn. Sau dịch, DN chỉ hoạt động được 50-60% công suất.
Có thể thấy, việc gia tăng chỉ số hàng tồn kho đang “đè nặng" lên nhiều DN lĩnh vực chế biến, chế tạo, khi mà xu hướng phục hồi hậu Covid-19 vẫn còn chưa rõ ràng, nhất là từ thị trường xuất khẩu, trong khi sức mua ở thị trường trong nước có giới hạn nhất định.
Linh hoạt ứng phó
Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, giảm áp lực tồn kho, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các thị trường xuất nhập khẩu và tìm thị trường mới; tích cực khai thác cơ hội của các hiệp định thương mại từ do (FTA); chuẩn bị các điều kiện cần thiết, chủ động triển khai các kế hoạch, giải pháp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực.
Đưa ra các giải pháp, Bộ Công Thương cho biết, sẽ nghiên cứu, nắm bắt thông tin về các xu thế sản xuất, tiêu dùng, thương mại, dịch chuyển đầu tư mới xuất hiện do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại các nước nhập khẩu cũng như đối thủ cạnh tranh, đề ra các giải pháp khai thác hiệu quả các thị trường xuất nhập khẩu.
Đơn cử như đối với ngành dệt may, các DN trong nước đã và đang chuyển đổi quy trình sản xuất, chuyển đổi sản phẩm, thúc đẩy chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh với thị trường.
Theo Bộ Công Thương, đến cuối quý II/2020, các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may (Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU) đã nới lỏng chính sách giãn cách xã hội, nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng dần. Nhiều DN dệt may đã bắt đầu xuất khẩu được hàng hóa theo các đơn hàng đã ký trước đây.
Với động thái này, ngành dệt may đang kỳ vọng hàng tồn kho sẽ được kéo giảm trong nửa cuối năm. Bộ cũng đề xuất các chính sách để ưu đãi phù hợp, đặc biệt đối với ngành dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ... và các ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid- 19; có cơ chế khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu. Đặc biệt, chú trọng thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Bộ Công Thương sẽ triển khai xúc tiến thương mại áp dụng các công cụ trực tuyến để duy trì thị trường, kết nối giao thương giữa các DN Việt Nam với các đối tác có nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường có khả năng phục hồi sớm; từng bước mở rộng sang các thị trường khác theo diễn biến của tình hình dịch bệnh. |