Nâng chất cho sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau
Góp phần nâng cao thu nhập, chuyển đổi sản xuất
Tại Cà Mau, việc phát triển sản phẩm OCOP đã được tỉnh này triển khai trong suốt thời gian qua và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân cùng cộng đồng doanh nghiệp.
Theo đó, các sản phẩm đặc trưng của tỉnh như tôm, bánh tráng, hủ tiếu, chuối, mật ong, gạo, nước mắm, bồn bồn, trái giác,… đều được người dân, doanh nghiệp phát triển thành những sản phẩm đủ tiêu chuẩn và đạt chứng nhận OCOP. Nhờ đó giúp sản phẩm có đầu ra ổn định, góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đơn cử như chị Phạm Thị Hồng Nguyên, ở ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước đã nghiên cứu và sáng tạo ra các sản phẩm túi xách, ba lô, ví từ lá cây bồn bồn với kiểu dáng đẹp mắt, được nhiều người yêu thích và được công nhận OCOP 3 sao năm 2022.
Theo chị Nguyên, cây bồn bồn vốn là đặc sản của Cái Nước song người dân chỉ lấy phần lõi non của cây để chế biến thành món ăn hoặc làm dưa, còn riêng phần lá thì bỏ đi. Xuất phát từ đó chị tận dụng lá cây bồn bồn để đan ra các sản phẩm túi xách, ba lô, ví với mong muốn tạo nên sự mới lạ, thời trang. “Năm 2020, tôi bắt tay vào thực hiện ý tưởng và đến cuối năm 2021, các sản phẩm túi xách, ba lô, ví từ cây bồn bồn được nhiều khách hàng biết đến và đặt mua”- chị Nguyên chia sẻ.
Tới nay, theo chị Nguyên, mỗi tháng chị xuất bán được hơn 100 sản phẩm các loại, với giá bán dao động từ 199.000 – 499.000 đồng/sản phẩm cho các thị trường TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Hay Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ - Du lịch sinh thái U Minh Hạ Huỳnh Quốc Sơn (ấp 12, xã Khánh Thuận, huyện U Minh) đã phát triển rượu trái giác và được cấp chứng nhận tiêu chuẩn 3 sao OCOP.
Theo bà Nguyễn Hồng Nhẫn, chủ cơ sở này, sau khi tham gia OCOP, mỗi năm công ty sản xuất khoảng 700 lít rượu với giá bán 180.000 đồng/chai (dung tích 750ml) và điều đặc biệt là làm đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Việc này không chỉ mang lại nguồn thu nhập cao cho doanh nghiệp mà còn giúp tạo việc làm theo thời vụ cho một số lao động nhàn rỗi ở địa phương.
Sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau giới thiệu tại các hội chợ. (Ảnh Cổng thông tin điện tử Cà Mau) |
Tiến tới nâng chất cho sản phẩm OCOP Cà Mau
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau, nhờ sự tìm tòi sáng tạo của người dân, doanh nghiệp, tới nay tỉnh đang có 128 sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm OCOP. Dù vậy, trong số này vẫn chưa có sản phẩm 5 sao và số lượng sản phẩm OCOP đạt 4 sao cũng còn hạn chế. Bên cạnh đó việc phát triển sản phẩm OCOP tại địa phương còn những khó khăn nhất định.
Cụ thể, hiện tại chủ thể OCOP chủ yếu là các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất nhỏ, năng lực sản xuất và khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế...
Ngoài ra, vấn đề sở hữu trí tuệ chưa được các chủ thể quan tâm, nhiều chủ thể chưa hiểu rõ và chưa chủ động đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, kiểu dáng công nghiệp). Các sản phẩm chủ yếu tiêu thụ nội địa, chưa có sản phẩm xuất khẩu. Chưa kể sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đa số có quy mô sản xuất nhỏ, chưa đa dạng về chủng loại (còn trùng lắp sản phẩm, chủ yếu tập trung một số sản phẩm chế biến từ thuỷ sản, chưa khai thác tối ưu các yếu tố mang tính đặc thù và lợi thế so sánh của tỉnh về vị trí địa lý, điều kiện sản xuất, truyền thống và tập quán canh tác). Một số mặt hàng do sản xuất theo mùa vụ, còn nhỏ lẻ, chưa áp dụng máy móc thiết bị hiện đại... nên khó đáp ứng các đơn hàng lớn và liên tục…
Trước thực trạng trên, để nâng chất cho sản phẩm OCOP địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau cho biết, tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, mục tiêu đặt ra trong năm nay là tiếp tục duy trì và từng bước nâng cao chất lượng các sản phẩm đã được công nhận giai đoạn 2020-2022. Phát triển mới và tiêu chuẩn hóa ít nhất 40 sản phẩm, trong đó công nhận mới ít nhất 30 sản phẩm đạt 3-4 sao; phấn đấu hỗ trợ và nâng hạng ít nhất 30 sản phẩm đạt 4-5 sao (trong đó, 25 sản phẩm nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao, 5 sản phẩm tiềm năng tham gia phân hạng năm 2023).
Cùng với đó, địa phương sẽ ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu có ít nhất 20% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 10% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa có sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên. 100% vị trí phụ trách Chương trình OCOP các cấp, 100% chủ thể OCOP được đào tạo, tập huấn với trình độ phù hợp.
Đặc biệt, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ký quyết định phân công sở, ngành, đoàn thể tỉnh thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nâng hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh năm 2023.
Theo đó phân công 11 lãnh đạo sở, ngành, đoàn thể tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ 17 chủ thể nâng hạng sản phẩm OCOP và sản phẩm tiềm năng có khả năng đạt từ 4 sao trở lên trong năm 2023. Ngoài ra, phân công 06 lãnh đạo sở, ngành, đoàn thể tỉnh chịu trách nhiệm hỗ trợ thực hiện các tiêu chí OCOP bắt buộc còn hạn chế theo Quyết định 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ Tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm và các tiêu chí còn hạn chế khác.
Bên cạnh đó, đối với đầu ra cho sản phẩm, các cấp, các ngành tại Cà Mau quan tâm chú trọng xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP thông qua trưng việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các điểm bán hàng gắn với du lịch hoặc quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các phương tiện công cộng; tham gia hội chợ, kết nối thị trường trong và ngoài nước,...