Thứ hai 25/11/2024 00:37

Nâng cao nhận thức công chúng về chính sách bảo hiểm tiền gửi

Bảo hiểm tiền gửi nhằm đảm bảo cho khoản tiền gửi của khách hàng khi mà tổ chức nhận tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả hoặc bị phá sản.

Khi người dân có một khoản tiền nhàn rỗi, ngoài đầu tư hay kinh doanh để sinh lời, họ có thể chọn phương án gửi tiền tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập theo quy định của pháp luật. Và để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người gửi tiền tại các tổ chức này, đồng thời giúp họ yên tâm hơn, bảo hiểm tiền gửi đã ra đời nhằm đảm bảo cho khoản tiền gửi của khách hàng khi mà tổ chức nhận tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả hoặc bị phá sản.

Nâng cao nhận thức công chúng về chính sách Bảo hiểm tiền gửi

Bảo hiểm tiền gửi – Chính sách của niềm tin

Theo Khoản 1 Điều 4 Luật Bảo hiểm tiền gửi, bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.

Tại Việt Nam, có duy nhất Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam - tổ chức tài chính nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện chính sách công về bảo hiểm tiền gửi, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, trong đó sứ mệnh quan trọng hàng đầu của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Tuy nhiên, trên thực tế, một bộ phận người gửi tiền chưa hiểu rõ về chính sách bảo hiểm tiền gửi bởi đây là một lĩnh vực tương đối đặc thù. Bởi, mặc dù bảo hiểm tiền gửi là hoạt động không tách rời hoạt động ngân hàng, tuy nhiên các nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi lại mang tính đặc thù, là yếu tố tác động gián tiếp đến người gửi tiền.

Tính đến nay, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang bảo vệ cho 1.280 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi thông qua triển khai các nghiệp vụ như: Giám sát từ xa; kiểm tra tại chỗ; tham gia kiểm soát đặc biệt, xây dựng phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; chi trả bảo hiểm tiền gửi; tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi nhằm nâng cao nhận thức công chúng; quản lí, thu phí bảo hiểm tiền gửi; đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi an toàn và hiệu quả để nâng cao năng lực tài chính của tổ chức.

Đánh giá về vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, các chuyên gia kinh tế cho rằng, tổ chức này có vai trò rất quan trọng đối với sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc giúp thu hút tối đa nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi trong dân cư để từ đó có nguồn cung tín dụng dồi dào cho nền kinh tế; góp phần tích cực vào việc duy trì an ninh, trật tự xã hội đảm bảo sự an toàn, lành mạnh cho hoạt động ngân hàng và xử lí khủng hoảng tài chính.

Đồng thời, đối với người gửi tiền, hoạt động bảo hiểm tiền gửi góp phần củng cố niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Vai trò này đã được thể hiện rõ ràng nhất trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng bằng việc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bảo đảm chi trả đầy đủ, kịp thời cho người gửi tiền tại các quỹ tín dụng nhân dân trong trường hợp xảy ra rủi ro, ngăn ngừa phản ứng dây chuyền đe dọa an toàn của các quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động lành mạnh.

Đối với hệ thống các tổ chức tín dụng, việc chính sách bảo hiểm tiền gửi tạo dựng niềm tin cho người dân khi gửi tiền tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng chính là nền tảng, cơ sở giúp các tổ chức tín dụng huy động được nhiều vốn nhàn rỗi trong xã hội để cho vay phát triển kinh tế, cũng như đầu tư vào xây dựng hạ tầng hiện đại và thực hiện các dịch vụ tài chính sinh lời khác.

Nâng cao nhận thức công chúng về chính sách bảo hiểm tiền gửi

Tại Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2022, tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi để nâng cao nhận thức công chúng được xác định là một trong những nghiệp vụ quan trọng thời gian tới Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025 có 45% và đến năm 2030 có 55% người gửi tiền nắm bắt được các nội dung cốt lõi của chính sách bảo hiểm tiền gửi, bao gồm: Quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền; vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong mạng an toàn tài chính; phương thức bảo vệ người gửi tiền của chính sách bảo hiểm tiền gửi; trong điều kiện nào thì tổ chức bảo hiểm tiền gửi có nghĩa vụ chi trả bảo hiểm,…

Để đạt được mục tiêu trên, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang thực hiện nghiên cứu, xây dựng Đề án truyền thông tới năm 2025, tầm nhìn tới năm 2030, trong đó bám sát Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi và tương hợp với các chủ trương lớn của Chính phủ và của ngành Ngân hàng. Đề án truyền thông sẽ là cơ sở, định hướng cho các hoạt động truyền thông ở tầm vĩ mô của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng xác định đối tượng công chúng trọng tâm để tập trung tuyên truyền là người gửi tiền tại các quỹ tín dụng nhân dân ở khu vực nông thôn, miền núi - nơi ít có điều kiện tiếp cận với thông tin về hoạt động tài chính, ngân hàng. Song hành với đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam vẫn quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền đến nhóm công chúng quan trọng khác, bao gồm các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, giới hoạch định chính sách, các cơ quan có liên quan để tạo sự đồng thuận, đặc biệt là trong bối cảnh Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đang rà soát, sửa đổi bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi.

Đa dạng hóa truyền thông và thường xuyên đổi mới các hình thức cũng sẽ là giải pháp trọng tâm trong chiến lược tuyên truyền về chính sách bảo hiểm tiền gửi, nhằm đảm bảo tiêu chí dễ hiểu, dễ tiếp cận, đạt hiệu quả truyền thông cao và phù hợp với nguồn lực của tổ chức. Trong đó, website, Bản tin bảo hiểm tiền gửi và các cơ quan thông tấn báo chí vẫn sẽ tiếp tục là những kênh truyền thông Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh để tăng độ phủ của chính sách bảo hiểm tiền gửi, cũng như giúp đưa hình ảnh của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đến gần hơn với công chúng.

Đồng thời, đẩy mạnh phối hợp truyền thông trong các chương trình chung của ngành Ngân hàng; kết hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị để lồng ghép các nội dung tuyên truyền đến nhóm công chúng trọng tâm; đưa kiến thức về bảo hiểm tiền gửi vào các chương trình đào tạo cán bộ ngân hàng - lực lượng tích cực có thể hỗ trợ Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tuyên truyền trực tiếp các nội dung chính sách bảo hiểm tiền gửi đến người gửi tiền.

Có thể nói, mặc dù chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là luôn bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền trong mọi tình huống, nhưng người dân cũng cần tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi. Bởi vì, khi trang bị đầy đủ cho mình thông tin, kiến thức, hiểu đúng và đầy đủ chính sách này đối với quyền lợi của mình, họ sẽ cẩn trọng hơn khi quyết định chọn nơi để gửi tiền.

Linh Thư
Bài viết cùng chủ đề: Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam

Tin cùng chuyên mục

Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam triển vọng tích cực giai đoạn cuối năm 2024

Quy định mới về mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện từ 1/1/2025

Rút bảo hiểm xã hội một lần giảm: Niềm tin của người lao động với chính sách được nâng cao

Bảo Việt Nhân thọ và Ngân hàng Quốc dân NCB ký kết thỏa thuận hợp tác

Bảo Việt 60 năm - Tự hào khẳng định Thương hiệu quốc gia

Người cao tuổi đủ 65 đến dưới 75 tuổi sẽ được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế ?

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sắp trao giải thưởng công nhận ‘Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh’

Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế

Nhóm đối tượng nào được đề xuất hỗ trợ 70% mức đóng bảo hiểm y tế?

Từ 1/7/2025: Người không có lương hưu sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí

Việt Nam trở thành điểm đến quan trọng trong lĩnh vực Bảo hiểm Bảo lãnh và Tín dụng

Bổ sung quy định xử lý chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 1/7/2025

Đề xuất doanh nghiệp được tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất 6 tháng để phục hồi sản xuất

Bảo hiểm bảo lãnh: Đòn bẩy mới giúp thay đổi cục diện tài chính doanh nghiệp Việt?

Đề xuất mức hưởng trợ cấp thất nghiệp mới cho người lao động

Từ 1/7/2025: Trường hợp nào nghỉ hưu sớm không bị trừ mức hưởng lương hưu?

Bảo hiểm bảo lãnh và bảo hiểm tín dụng: Doanh nghiệp liệu đã nắm bắt được thời cơ?

Cách tra cứu thời hạn thẻ bảo hiểm y tế học sinh như thế nào?

Chế độ thai sản, ốm đau bổ sung thêm nhiều quy định mới từ ngày 1/7/2025

Manulife trao quà hỗ trợ cuộc sống bà con vùng cao sau thiên tai